Chàng kỹ sư tài năng tự thiết kế 'nhà di động'

Sự kiện: Xe độ

Cuộc sống đô thị ngột ngạt, cùng với việc có con nhỏ, anh Viết Khải đã quyết định tự mình xây dựng một căn nhà “di động” trên chiếc ô tô để tận hưởng thời gian cùng gia đình.

Chủ sở hữu chiếc xe là anh Nguyễn Viết Khải, một kỹ sư đến từ thành phố Hồ Chí Minh.

Lý giải về tên gọi “mobile home”, anh Khải chia sẻ: “Xe mobile home do anh em chơi xe Việt Nam tự đặt , tự dịch nôm na ra nghĩa Việt rồi vay mượn từ đó thôi, dần dần anh em nói từ mobile home lại nghĩ ra nhà trên chiếc xe".

“Căn nhà di động” của anh Khải được cải tiến từ một chiếc xe Mercedes Sprinter CDI 311 16 chỗ đời 2005. Anh Khải kể lại: “Mình mua chiếc xe này từ năm 2019. Sau đó, phải tiến hành thủ tục sang tên và hoán cải, từ 16 chỗ thành 6 chỗ và trọng tải 800kg. Có nghĩa là chỉ giữ lại 2 hàng ghế đầu".

“Khi mình có bé đầu (năm 2011) thì mình đã ấp ủ rồi. Nhìn xung quanh thành phố, mình không thấy, không tìm ra được những mảng xanh, những dòng sông con suối có thể cho con mình vui chơi được, nên mình nghĩ đến và tìm hiểu về cách thức có thể vừa di chuyển và ăn ở được cho cả gia đình. Sau đó mình có hỏi ý kiến bà xã nhưng chưa đồng ý nên đành gác lại. Và cuối cùng đến năm 2019 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng, mình làm việc trực tuyến tại nhà. Mình và cả gia đình chỉ quanh quẩn cả ngày trong bốn bức tường, rất tù túng.... Nên mình quyết mua xe luôn, khi mua xe mình không báo gì cho vợ và con để gây bất ngờ", kỹ sư Khải chia sẻ động lực để bắt đầu thực hiện dự định.

Anh Khải và gia đình bên “ngôi nhà” di động.

Anh Khải và gia đình bên “ngôi nhà” di động.

Sau khi quyết định, anh bắt tay ngay vào làm. Về lý do chọn mua mẫu xe này, anh cho biết thêm: “Tình trạng ngoại hình và khoang nội thất chiếc xe này khi mới mua là khá cũ. Tuy nhiên người chủ trước đó vừa làm lại máy móc, còn nội thất trong xe thì chắc chắn sẽ đại tu hoàn toàn nên vẫn quyết định mua. Mercedes Sprinter được nhiều tài xế lâu năm đánh giá cao nhất, mạnh mẽ và ít hỏng vặt. Sau hơn 2 năm sở hữu mình vẫn khẳng định đây là dòng xe rất tốt. Xác xe nặng chạy rất đầm xe, khi đạt vòng tua, cảm biến mở Turbo tiếng rít khi chạy cảm giác rất đã. Dù đời xe khá sâu, từ năm 2005, các hệ thống đều có cảm biến và báo đèn giúp tài xế có thể tự kiểm tra và thay thế. Đặc biệt, mình rất thích chế độ chống trượt bánh, một trang bị an toàn rất giá trị trên xe”.

Sau khi mua chiếc xe, anh Khải đem về quê để, rồi cứ cuối tuần thì sẽ di chuyển một quãng đường dài về độ xe. “Thời gian phải làm việc tại nhà, mình hay tranh thủ về quê, sáng làm việc, tối tùy chỉnh xe. Trong suốt sáu tháng ròng rã mình đã hoàn thành từ thiết kế tới thi công cơ bản để phục vụ các chuyến đi ngắn. Sau đó mới đúc kết thêm kinh nghiệm và biết được nhu cầu thực tế gia đình, của vợ con rồi mình trang bị thêm, nâng cấp thêm”, anh Khải cho biết.

Do cộng đồng người đam mê tùy chỉnh xe van theo hơi hướng nhà di động còn ít, anh Khải rất khó để kết nối và giao lưu học hỏi kiến thức, giúp chiếc xe đạt tính năng tốt nhất có thể. Tuy nhiên với sự kiên trì, chàng kỹ sư đã dành hàng giờ để nghiên cứu các video của các kênh nước ngoài trên Youtube rồi học hỏi làm theo. Sau đó anh tự dựng mô hình 3D rồi tính toán theo nhu cầu.

Ý tưởng mô hình ban đầu được anh Khải xây dựng.

Ý tưởng mô hình ban đầu được anh Khải xây dựng.

Về luật, có 1 vài qui định bắt buộc khi hoán cải loại xe này. Xe phải có thanh chắn cửa kính hoặc thay kính bằng vách kín, giữa khoang hàng và khách bắt buộc phải có vách ngăn. Khi thiết kế anh Khải cũng dựa theo các qui định đó, tất cả các hạng mục thiết kế phải mang tính chất cơ động, tháo lắp nhanh chóng và dể dàng. Do không gian xe khá nhỏ nên anh cũng phải tính toán trước các vật dụng, khoang chứa đồ trước, nơi để bồn nước 120 lít, pin, ghế xếp, thuyền hơi, xe đạp, giầy patin, nồi niêu xoong chảo, chén đĩa,…

Nội thất trong xe được hoàn thiện đồng bộ bằng gỗ.

Nội thất trong xe được hoàn thiện đồng bộ bằng gỗ.

Bên trong xe, nội thất được hoàn thiện toàn bộ bằng gỗ vì thế nên khi di chuyển có khả năng các mối nối dễ bị hỏng hóc. Anh Viết Khải đã làm phần khung sắt rồi hoàn thiện ốp gỗ để khắc phục điều đó nên mất khá nhiều thời gian.

Chàng kỹ sư tài năng tự thiết kế 'nhà di động' - 4

Khu vực sau ghế lái đồng thời là giường nhỏ cho trẻ em.

Khu vực sau ghế lái đồng thời là giường nhỏ cho trẻ em.

Xe được chia làm ba khu giống như một “căn nhà” thực thụ bao gồm giường nhỏ, giường lớn và khu vực nhà vệ sinh, gian bếp. Ghế sau ghế tài xế được anh “độ lại” để có thể kéo ra tạo thành chiếc giường nhỏ đủ cho 2 con của anh sử dụng. Trong khi đó, phần giường lớn có thể chuyển đổi công năng thành bàn ăn gia đình. Ngoài ra, đây cũng là nơi chứa đồ đạc sinh hoạt, giúp tiết kiệm được lượng lớn không gian trong xe.

Chàng kỹ sư tài năng tự thiết kế 'nhà di động' - 6

Chuyển đổi khu vực bàn ăn ( 6 người) thành giường ngủ.

Chuyển đổi khu vực bàn ăn ( 6 người) thành giường ngủ.

Giường lớn rộng rãi nằm ở cuối xe, có nhiều không gian chứa đồ dùng sinh hoạt cho chuyển đi.

Giường lớn rộng rãi nằm ở cuối xe, có nhiều không gian chứa đồ dùng sinh hoạt cho chuyển đi.

Khu vực nhà vệ sinh, bếp có 2 phần. Đầu tiên là nhà vệ sinh với bồn cầu di động và vòi tắm hoa sen, vòi xịt rửa cùng kích thước nhỏ gọn 700 x 800 mm. Xung quanh nhà vệ sinh cũng được ốp gỗ thông và tấm nhựa giả đá. Trong khi đó, khu vực bếp là được lắp ghép rất hợp lý với 3 ngăn kéo đựng dụng cụ bếp, 1 ngăn tủ, chứa bình nước thải và bình nước uống 20 lít. Ở đây còn có kệ treo bên trên đặt hệ điều khiển, công tắc đèn, đồng hồ đo pin, đo công suất tiêu thụ.

Nhà vệ sinh nhỏ gọn, được ốp gỗ và nhựa giả đá.

Nhà vệ sinh nhỏ gọn, được ốp gỗ và nhựa giả đá.

Khu vực bếp gọn gàng, nhiều ngăn kéo để đựng các vật dụng.

Khu vực bếp gọn gàng, nhiều ngăn kéo để đựng các vật dụng.

Trần xe với tấm cách âm cách nhiệt loại có phủ keo sẵn, hoàn thiện bằng gỗ thông có rãnh âm dương cùng với 10 bóng đèn downlight 12V 4W đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho sinh hoạt. Vách xung quanh cũng dùng tấm cách âm cách nhiệt cùng loại với trần, sau đó anh dùng gỗ MDF 5mm ốp toàn bộ, rồi hoàn thiện bề mặt bằng giấy dán tường. Sàn xe cũng giả gỗ để đảm bảo đồng bộ về thẩm mỹ.

Chàng kỹ sư tài năng tự thiết kế 'nhà di động' - 11

Điện nước trên xe được trang bị đầy đủ, có thiết bị đo để kiểm soát mức tiêu thụ.

Điện nước trên xe được trang bị đầy đủ, có thiết bị đo để kiểm soát mức tiêu thụ.

Về vấn đề điện nước trên xe, anh Khải cũng đã tính toán kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào làm. Nguồn điện mà anh sử dụng đến từ pin lithium LiFePo4 12V, nạp bằng điện 220V, không sử dụng năng lượng mặt trời hay máy phát. Nguồn nước của xe bao gồm 1 bồn chính dung tích 120 lít kèm theo 2 can phụ 30 lít, tổng khoảng 150 lít. Đây là lượng nước là anh Khải dự tính đủ dùng cho gia đình anh trong 2 ngày 1 đêm.

Điều khiến anh Khải cảm thấy khó nhất khi thực hiện chiếc xe là khu vực phòng vệ sinh kết hợp phòng tắm. “Mình suy nghĩ mãi không biết làm sàn, vách như thế nào và bằng vật liệu gì để chống thấm. Cuối cùng sau khi chọn giữa các phương án thì mình quyết định mua tấm dầu hắt bán sẵn, loại chống dột mà tiệm vật liệu nào cũng có. Sau khi dán tấm dầu lên sàn và mỗi bên vách cao thêm 10mm để chống tràn, mình dán gạch lên. Khi sử dụng thì lại phát sinh thêm là do xe đậu nhiều loại địa hình nhiều khi nước lại không chảy về phễu thu nước, mình mua thêm cây gạt nước cửa kính để lùa nước về phễu. Còn phần vách thì 3 mặt mình ốp tấm nhựa giả đá, mặt còn lại mình làm gỗ thông tự nhiên có rãnh âm dương có keo silicon để chống thấm. Kết quả sau 3 năm sử dụng xe vẫn chưa có dấu dầu hiệu bị thấm”, chàng kỹ kĩ sư chia sẻ.

Sau khi hoàn thành, “căn nhà” của anh Khải được dùng cho những chuyến đi dã ngoại ngắn hay kể cả những chuyến đi xa vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, mang đến niềm vui cho gia đình anh. Chuyến đi dài ngày nhất anh từng thực hiện là chuyến du lịch 14 ngày ở Đà Lạt trước tết Nhâm Dần, xuất phát từ Sài Gòn rồi mất 3 ngày lên tới Đà Lạt, sau đó tham quan các địa điểm từ Hồ Trị An, đến Bảo Lộc, Di Linh,...

Nhờ có sự tiện dụng của chiếc xe, cả gia đình đã hoàn thành chuyến leo núi chinh phục đỉnh Langbiang (Đà Lạt).

Nhờ có sự tiện dụng của chiếc xe, cả gia đình đã hoàn thành chuyến leo núi chinh phục đỉnh Langbiang (Đà Lạt).

Anh chia sẻ “Từ khi có xe, hầu như tuần nào gia đình cũng ra ngoài chơi, tới những địa điểm ở vùng ven Sài Gòn hay công viên để tận hưởng không khí”. Nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi thấy chiếc xe vì đây là loại xe còn lạ lẫm tại Việt Nam.

Đối với chàng kỹ sư, việc bảo dưỡng xe là rất đơn giản do tính toán thiết kế từ đầu, mọi bộ phận, hạng mục của xe đều rời. Bảo dưỡng hoặc tháo lắp rất nhanh, chỉ cần dùng máy bắn vít cầm tay tháo là xe có thể trở về trạng thái ban đầu trong chỉ 30 phút. Những tiện nghi đã có trên xe cũng khiến anh Khải hài lòng. Đặc biệt, chiếc xe chưa có dấu hiện hỏng hóc phải thay thế sau 3 năm sử dụng.

Chủ sở hữu đánh giá rất cao độ tin cậy của dòng xe Mercedes Sprinter CDI 311 16 chỗ đời 2005.

Chủ sở hữu đánh giá rất cao độ tin cậy của dòng xe Mercedes Sprinter CDI 311 16 chỗ đời 2005.

Ở thời điểm hiện tại, anh Khải định giá chiếc xe của mình khoảng 200 triệu đồng. Chàng kỹ sư bộc bạch: “Thật tình thì mình không muốn bán, tuy nhiên mình đã tiếp xúc và nghe những nguyện vọng của các bạn trong hành trình, hoặc khách tham quan thì mình nghĩ nếu họ có nhu cầu mình sẽ bán. Tất cả là vì muốn nhiều người biết tới loại hình phương tiện này hơn".Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi xa, người sáng tạo ra "căn nhà di động" này luôn cảm thấy trăn trở vì nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi tại các địa điểm tham quan. Anh muốn lan tỏa câu khẩu hiệu "Camping không để lại gì ngoài những dấu chân" cho tất cả "phượt thủ" để họ có ý thức dọn dẹp khu vực vui chơi khi dời đi.

Nguồn: [Link nguồn]

Xe nhập tăng tốc về nước cứu vãn tình trạng khan hiếm hàng

(PLO)- Số lượng ô tô nhập khẩu tháng 2 này đã tăng tới 2,56 lần về lượng và 2,06 lần về giá trị so với tháng trước đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Trần - Quốc Bình ([Tên nguồn])
Xe độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN