'Cần vùng xanh cho tài xế lỡ vượt đèn vàng'

Sự kiện: Luật giao thông
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tài xế vượt đèn vàng vì không đảm bảo điều kiện an toàn để dừng xe, không nên bị xử phạt nặng như lỗi vượt đèn đỏ.

Đọc bài viết "Không nên phạt lỗi vượt đèn vàng", tôi hiểu những trăn trở của tác giả Duy Nam. Tuy nhiên, phải hiểu đúng bản chất của quy định cấm hành vi vượt đèn vàng ở Việt Nam để có cái nhìn khách quan nhất.

Cột đèn giao thông căn bản có ba loại đèn với ba màu khác nhau: xanh, đỏ, vàng. Trong đó, đèn xanh và đỏ dĩ nhiên rất dễ hiểu khi màu xanh thì được đi, còn đỏ thì phải dừng lại. Còn đèn vàng vốn được thiết kế để cảnh báo các tài xế đang tham gia giao thông rằng đèn đỏ sắp bật sáng, và cần giảm tốc độ lại.

Tuy nhiên, nếu chỉ mang ý nghĩa cảnh báo thì sự tác động với hành vi của các tài xế là không nhiều. Thậm chí, nó còn có thể tạo hệ lụy tiêu cực vì nhiều người sẽ không tìm cách đi chậm lại và dừng xe mà còn tăng ga để kịp vượt qua vạch trước khi đèn đỏ bật sáng. Do vậy, luật quy định cấm hành vi vượt đèn vàng là nhằm đảm bảo người lái xe phải chủ động dừng xe từ khi thấy đèn vàng.

Luật này cũng rất phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, nó không đơn giản rằng bất cứ ai vượt đèn vàng cũng đều sẽ bị phạt tương đương lỗi vượt đèn đỏ. Luật Giao thông Việt Nam quy định: "Vượt đèn vàng bị cấm, trừ khi xe đã đi qua vạch dừng". Tức là những người đã vượt qua vạch dừng (một phần xe) trước khi đèn chuyển vàng sẽ được đi tiếp, không bị phạt.

Tuy nhiên, theo tôi, quy định như vậy vẫn chưa hẳn hoàn toàn hợp lý. Đơn giản vì không phải tình huống nào người lái xe cũng kịp dừng xe dù thấy đèn vàng bật sáng trước khi đi qua vạch dừng, nhất là khi không còn đếm giây đèn tín hiệu.

Tham khảo một số quy định giao thông ở các quốc gia khác, có thể thấy thế này: Luật Giao thông của Australia và nhiều quốc gia khác quy định rằng: "Lái xe bị cấm vượt đèn vàng, chỉ trừ khi việc dừng lại không đảm bảo an toàn". Rõ ràng, điều đó sẽ hợp lý hơn khi lái xe chỉ phải bắt buộc dừng xe khi có đủ điều kiện an toàn.

Ở đây, điều kiện an toàn là hội tụ của rất nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Các yếu tố này có thể bao gồm thời gian đèn vàng bật, khoảng cách từ xe đến vạch dừng, tải trọng của xe, khoảng cách phanh của xe, có phương tiện phía sau hay không, thậm chí là thời tiết sương mù đường ướt hay khô ráo? Do vậy, ở nhiều quốc gia, việc xử lý hành vi vượt đèn vàng là tùy theo từng trường hợp chứ không đơn giản là có phạt hay không phạt.

Từ đó, tôi cho rằng, luật của chúng ta cũng không nên chỉ gói gọn trong việc "cứ vượt đèn vàng là bị xử phạt như lỗi vượt đèn đỏ". Điều chỉnh vấn đề này, người tham gia giao thông sẽ dễ xử lý hơn, tránh gây ra những bất cập, bức xúc không đáng có khi vô tình vượt đèn vàng.

Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định: "Người điều khiển ôtô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hay đi ngược chiều, sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng; với xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe". Mức phạt này cao gấp hơn ba lần so với quy định hiện hành.

Theo bạn đèn đỏ nên?

Nếu bỏ đèn giao thông đếm thời gian, chỉ cần quan sát tín hiệu đèn này bạn có thể biết mình nên đi tiếp hay dừng lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy ([Tên nguồn])
Luật giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN