Cần có chính sách dài hạn và ổn định
“Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô Việt Nam” là tiêu đề hội thảo diễn ra bên lề Triển lãm ôtô VN lần thứ 8 - 2012 đã được tổ chức sáng 27.9 tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm VN (đường Giảng Võ, Hà Nội).
Sau một thời gian tăng trưởng khá đều (từ 2006 đến 2009), thị trường ôtô VN đã có sự sụt giảm đáng kể. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), trong năm 2012 này chỉ đạt khoảng 100.000 xe và là năm thứ 3, thị trường ôtô VN liên tiếp giảm sút. Thực tế cho thấy, thị trường ôtô VN vốn đã nhỏ hẹp lại bị phân tán cho quá nhiều phân khúc. Ngành công nghiệp phụ trợ cũng kém phát triển. Trong khi đó, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2012, thị trường ôtô khu vực ASEAN đã tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Thái Lan có mức tăng trưởng cao nhất: 208%.
Triển lãm ôtô luôn thu hút rất đông người tham quan. Ảnh: L.Q.V
Theo nhận định của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), mặc dù các tác động vĩ mô của kinh tế thế giới, nhưng tác động chính làm ảnh hưởng thị trường ôtô VN vẫn là các yếu tố nội tại. “Ở VN, cách tính thuế và phí chỉ mang tính cục bộ, chưa có sự thống nhất trong quản lý. Cần có sự đổi mới tư duy cán bộ...” - ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng GĐ Vinaxuki - chia sẻ. Ông Trần Tấn Trung - Tổng GĐ Cty CP Liên Á quốc tế - cho rằng: “Khi soạn thảo chính sách, cần tham khảo các nhà sản xuất và nhập khẩu thì sẽ phù hợp thực tế và sau khi ban hành chính sách đó phải sớm có thông tư hướng dẫn...”. Còn ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô - nhận xét: “Hiện VN có khoảng 5 loại thuế và 8 loại phí, nên giá thành ôtô ở VN gấp từ 2 - 4 lần các nước khác. Hiệp hội chúng tôi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT...”.
Về phía các nhà sản xuất và phân phối ôtô ở thị trường VN cũng có không ít băn khoăn. Ông Michael Behrens - Chủ tịch kiêm TGĐ Mercedes-Benz Việt Nam nói: “Việc mức thuế, phí thay đổi hằng năm đã khiến các DN vất vả chạy theo thực hiện, khiến ảnh hưởng đến kế hoạch đã định. Theo tôi, cần có chính sách dài hạn thay cho những điều chỉnh ngắn hạn. Chính phủ VN cần có chính sách minh bạch hơn - như Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Roesler đã phát biểu trong chuyến thăm VN gần đây - thì sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn...”.
Còn ông Andreas Klingler - TGĐ Porsche Việt Nam - nhấn mạnh: “Có 2 lý do chính trong việc thị trường ôtô ở VN suy giảm. Đó là giá ôtô ở VN rất đắt bởi yếu tố thuế. Cho dù đã có những cam kết với WTO về việc giảm dần thuế nhập khẩu và toàn bộ các loại thuế, nhưng trên thực tế, thuế và phí lại tăng dần hằng năm. Tại Hà Nội và TPHCM, có vẻ như giải pháp duy nhất để đảm bảo lưu lượng giao thông vừa phải ở hai đô thị lớn này là giảm bớt lượng ôtô cá nhân và lưu thông của phương tiện này. Hiện VN có thể kiểm soát sự tắc nghẽn giao thông trong nội đô bằng việc áp dụng “phí lưu hành trong thành phố” với ôtô và nhờ đó, có thể có khoản thu cần thiết để cải thiện nhanh cơ sở hạ tầng và phát triển đất nước”.
Về sự phát triển ngành công nghiệp ôtô ở VN, ông Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô VN - nhận định: “Tương lai, dân số VN sẽ tăng và điều kiện giao thông được cải thiện, nên nhu cầu sử dụng xe hơi sẽ cao hơn. Nếu muốn khuyến khích nội địa hoá ngành công nghiệp ôtô, cần phải có chính sách thuế phù hợp...”.