Bỏ túi kinh nghiệm xử lý đèn pha xe hơi bị hấp hơi nước trong mùa mưa bão
Đèn pha bị hấp hơi nước là tình trạng thường gặp ở nhiều dòng xe, nhất là thời điểm mùa mưa như hiện nay. Trên thực tế, vấn đề đèn pha bị hấp hơi nước đã khiến nhiều chủ xe bận tâm. Đèn pha bị hấp hơi nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tại Việt Nam, xe ô tô không chỉ là một phương tiện đơn thuần, mà nó còn là một tài sản có giá trị lớn. Chính vì thế, người dùng luôn đảm bảo nó luôn trong tình trạng tốt nhất. Nhưng nếu một buổi sáng đẹp trời, nhiều khách hàng trông thấy đèn pha của xe mình bị đọng hơi nước hay còn gọi là tình trạng đèn pha bị hấp hơi. “Vì sao đèn pha xe tôi bị vô nước, tôi không có đâm đụng vào đâu cả?”. “Xe tôi mới mua, làm sao bị như vậy?”...
Chuyện đèn pha bị hấp hơi nước thường xuyên được bàn luận, nhất là vào mùa mưa như hiện nay. Đó những câu hỏi và suy nghĩ của đa số người sử dụng xe khi mắc vào trường hợp này, đi kèm với một cảm giác rất khó chịu!
Vì sao đèn pha bị hấp hơi nước, nguyên nhân do đâu?
Tình trạng đèn pha bị hấp hơi nước xuất hiện trên xe cũ và cả xe mới mà người dùng chưa từng can thiệp, tháo đèn hay độ chế. Trên thực tế đã có nhiều mẫu xe “mới toanh” gặp phải tình trạng đèn pha bị hấp hơi nước. Tình trạng này thường xuất hiện sau khi đi mưa và rửa xe khi đèn pha còn nóng.
Việc can thiệp, thay thế đèn, độ chế đèn pha nếu không được làm đúng kỹ thuật, làm không kín hoặc đơn giản là làm trong môi trường không khí có độ ẩm cao cũng trở thành nguyên nhân chính khiến đèn pha dễ bị hấp hơi nước.
Trên một số mầu xe, đèn pha có các lỗ nhỏ để tản nhiệt. Các lỗ nhỏ này đôi khi khiến hơi nước lọt vào đèn pha và trong sách hướng dẫn có khuyến cáo người dùng nên để tự nhiên, không nên bịt kín lỗ thoát nhiệt này. Những nguyên nhân khác khiến đèn xe bị hấp hơi nằm ở những mẫu xe cũ, gioăng cao su không kín do bị biến dạng hoặc bị lão hoá, chân đèn không kín, hay xe bị tác động ngoại lực như đâm đụng, và quệt, mặc dù đèn pha có thể sẽ không bị biến dạng, bị nứt vỡ, nhưng không khí có độ ẩm cao có thể lọt vào đèn pha.
Có nhiều trường hợp người dùng nâng cấp đèn pha sau khi về nhà đèn vẫn bị hấp hơi mờ. Thì hãy khoan kết luận rằng đèn pha không được làm đúng kỹ thuật, hở keo, hở gioăng vì đây có thể là ngưng tụ không khí ẩm, nó sẽ nhanh chóng hết khi bật đèn pha.
Đèn pha bị hấp hơi nước có ảnh hưởng gì đến xe không và cách xử lý đèn pha bị hấp hơi?
Đầu tiên, đèn pha bị hấp hơi nước ít nhiều sẽ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Đèn pha được ví von như “đôi mắt” của chiếc xe, đèn pha là điểm đầu tiên khi người ta nhìn vào một chiếc xe hơi. Một chiếc xe sang đắt tiền sẽ giảm đi một phần giá trị của trong mắt người đối diện nếu đèn pha bị đọng hơi trước, trông trắng đục mất thẩm mỹ. Nặng nề hơn, khi đèn pha bị ố ngả sang màu vàng.
Nếu đèn pha bị hấp hơi nước nặng lâu ngày có thể bị ngả màu vàng, bị ố. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất chiếu của đèn khi lái xe vào ban đêm, đi đường tối tăng nguy cơ tai nạn tiềm ẩn do thiếu ánh sáng. Đối với những mẫu xe mới, chưa từng độ chế, tháo lắp hay bị tác động bởi ngoại lực như đâm đụng, cọ quẹt. Khi đèn pha bị hấp hơi nước thì đa số hơi nước sẽ tự biến mất nhanh chóng và không để lại vết tích gì trên đèn pha, đơn giản đây chỉ là ngưng tụ không khí ẩm vì chênh lệch nhiệt độ. Lời khuyên trong trường hợp này là để đèn tự hết sau vài ngày, nhanh hơn khi bật đèn. Đèn bị đọng sương do vật lý và không có vết bụi bẩn là trường hợp không thuộc phạm vi bảo hành của nhiều hãng.
Nếu đèn pha bị hấp hơi nước liên tục lập đi lập lại, có bám bụi bẩn hình thành trong đèn và xe mới còn bảo hành chính hãng, thì lời khuyên hữu ích nhất là mang xe vào hãng để được khắc phục. Vì có thể đây là lỗi từ nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, đối với những mẫu xe cũ, người dùng nên mang đến hãng hay nơi độ đèn chuyên nghiệp uy tín để được xử lý khắc phục đúng cách bằng những thiết bị chuyên dụng như máy hấp đèn, hơn là tự xử lý tại nhà. Việc tháo lắp đèn có thể đơn giản với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng thao tác đúng cách, làm đúng kỹ thuật để tránh những rủi ro phát sinh.
Nếu mang tinh thần “em yêu khoa học”, thích tự tay khám phá mày mò sửa chữa thì người dùng hoàn toàn có thể khắc phục ngay tại nhà. Nếu xe đã qua sử dụng nhiều năm, hết bảo hành chính hãng, đèn pha đang bị hấp hơi nước nhiều ngày không hết và trong lòng đang rất “sốt ruột”.
Ngoài ra, người dùng có thể mở nắp chụp phía sau, bật đèn trong khoảng thời gian từ 10 - 15 phút với mục đích giúp đèn đủ độ nóng, nhằm “sấy” đẩy không khí ẩm ra bên ngoài đèn. Hoặc có thể tháo giắc cắm đèn pha, sau đó tháo đèn pha ra khỏi cụm đèn và để ở nơi thoáng khí với mục đích cho hơi nước bên trong đèn bay hơi, giúp cân bằng được độ ẩm trước khi gắn đèn và lắp cụm đèn pha vào xe và tiếp tục theo dõi.
Lưu ý: Khi tháo tác, hãy để động cơ xe nguội, vì nếu động cơ xe còn nóng và cụm đèn được bố trí trong khoang động cơ, thì trong lúc tháo lắp, hơi nóng từ khoang máy có thể mang không khí ẩm đi vào đèn, vì không khí nóng sẽ mang theo nhiều hơn nước hơn. Hoặc có thể gây ra hiện tượng bỏng tay khi vô tình chạm phải các chi tiết trong khoang động cơ
Nguồn: [Link nguồn]
Lần trở lại này, Audi Q2 đã có thay đổi nhẹ về thiết kế đồng thời bổ sung thêm công nghệ hiện đại hứa hẹn sẽ...