Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu

Những cung đường xấu luôn hấp dẫn những tay lái mê chinh phục. Và đưa gia đình mỗi người lái xe đến những nơi tuyết đẹp. Chút kinh nghiệm khi xử lý xe hai cầu trên đường xấu sẽ giúp bạn vững tay lái hơn.

Lái xe Offroad luôn là một thách thức lớn, đòi hỏi các tay lái cần có kỹ năng, kiến thức và sự tự tin nhất định, vì vậy đây luôn là thử thách lớn đối với những tài xế mới chơi Offroad. Ngay cả khi ngồi sau vô lăng những chiếc xe bán tải hay dòng SUV 2 cầu (4x4) sở hữu khả năng vận hành vượt trội, nhiều tài xế cũng vẫn cảm thấy bối rối và lo lắng khi phải đối mặt với những cung đường hiểm trở.

Chuẩn bị kỹ lưỡng chính và am hiểu về phương tiện của bạn là chìa khoá để có được những hành trình Offroad an toàn, đưa bạn gần hơn với thiên nhiên tươi đẹp. Được thiết kế nhằm hướng tới khả năng chinh phục đa dạng địa hình, những chiếc bán tải hay xe SUV 2 cầu sở hữu khoảng sáng gầm xe ấn lên đến 200mm cùng với những góc tới, góc thoát lý tưởng, hỗ trợ người lái dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật trên đường đi. Ngoài ra, những chiếc bán tải hay xe SUV 2 cầu còn sở hữu tính năng gài cầu điện tử Shift-on-the-fly sẽ kích hoạt chế độ 2 cầu ngay cả khi xe đang di chuyển.

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 1

Với những chủ xe lần đầu tiên sở hữu một chiếc xe bán tải 4x4, việc sử dụng Khóa vi sai Cầu sau, hay chuyển đổi giữa chế độ cầu nhanh/cầu chậm có thể sẽ khá khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn. Dưới đây là 5 bí quyết đơn giản sẽ giúp các tay lái tận dụng được tối đa khả năng của trên những hành trình Offroad.

1. Phân biệt chế độ cầu nhanh/cầu chậm

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 2

Được trang bị hệ thống truyền động hai cầu, những chiếc bán tải hay xe SUV 2 cầu cho phép người lái linh hoạt chuyển đổi giữa các chế độ của xe, từ 2H (Chế độ một cầu nhanh) tới 4H (Chế độ hai cầu nhanh) và 4L (Chế độ hai cầu chậm).

Khi ở chế độ 2H, chỉ có cầu (2 bánh sau) sau đảm nhiệm việc dẫn động. Đây chính là chế độ lái mặc định khi xe di chuyển trên những mặt phẳng có độ bám cao như đường nhựa, đường bê-tông. Khi rời khỏi đường nhựa, tính năng Cài cầu Điện tử sẽ giúp tài xế dễ dàng chuyển từ chế độ 2H sang 4H để tận dụng tối đa lực kéo của cả 4 bánh xe. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chế độ 4H không dành cho việc di chuyển trên đường nhựa thông thường, vì điều này có thể làm hại hệ thống truyền động của xe.

Tương tự chế độ 4H, ở chế độ 4L, cả bốn bánh xe đều được tận dụng. Tuy nhiên, tỷ số truyền động ở chế độ này thấp hơn, khiến bánh xe chuyển động chậm hơn so với chế độ 4H, dễ dàng giúp xe vượt qua những cung đường Offroad khó khăn hơn.

2. Những trường hợp nên sử dụng chế độ cầu chậm

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 3

Chế độ cầu chậm được sinh ra để đáp ứng nhu cầu di chuyển trên những địa hình dốc cao hoặc bề mặt đường xấu như địa hình cát, sỏi đá hoặc bùn lầy. Với tỷ số truyền động thấp, người lái được khuyến cáo chỉ sử dụng chế độ này khi di chuyển với tốc độ thấp hơn so với các trường hợp thông thường. Cụ thể, không nên vượt quá 40km/h khi sử dụng chế độ cầu chậm trên đường địa hình.

Để kích hoạt chế độ 4L, hãy về số N, và sau đó xoay nút bấm để vạch chỉ dẫn hướng về ký hiệu của chế độ này (tương ứng với 3 ký hiệu 2H, 4H và 4L). Bảng điều khiển trung tâm phía sau vô lăng sẽ hiển thị chữ ‘4L’, báo hiệu cho người lái biết chế độ cầu chậm đã được kích hoạt. Khi đó, chỉ cần về số D và bắt đầu di chuyển một cách nhẹ nhàng, từ tốn.

3. Những trường hợp nên sử dụng Khóa vi sai cầu sau

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 4

Bộ vi sai cho phép hai bánh xe ở hai bên thân xe có thể quay ở tốc độ khác nhau khi vào vào cua. Cụ thể, hai bánh xe phía bên ngoài sẽ di chuyển nhanh và xa hơn so với hai bánh xe sát với góc cua. Tuy nhiên, trong một số trường hợp di chuyển trên đường địa hình, bộ vi sai được mở sẽ ngăn cản người điều khiển vượt qua các chướng ngại vật trên đường. Lý do là khi một bánh xe không còn bám trên mặt đường, bộ vi sai ở chế độ thông thường sẽ ưu tiên bánh xe đó, khiến nó quay nhanh hơn mà không đem lại lợi ích gì, trong khi đó bánh xe dưới mặt đất thì lại không tiếp tục chuyển động.

Khóa vi sai cầu sau cho phép người lái “khóa” hai bánh sau, nhờ vậy mỗi bánh xe được truyền động đều nhau. Đồng nghĩa, khi một bánh xe ở trên không, bánh xe còn lại dưới mặt đất vẫn sẽ chuyển động và chiếc xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, người lái không nên sử dụng Khóa vi sai, bao gồm: khi đang quay xe trong khu vực chật hẹp, khi có đủ lực bám trên cả 4 bánh, khi di chuyển với tốc độ cao và cần đánh lái nhanh chóng và khi đang trên dốc nghiêng.

4. Những trường hợp nên sử dụng hệ thống Hỗ trợ Đổ đèo (HDC)

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 5

Khi đi xuống đường đồi dốc, hãy đảm bảo hệ thống Hỗ trợ Đổ đèo đã được lựa chọn (biểu tượng giống như một chiếc xe đang đi xuống dốc). Để kích hoạt hệ thống này, người lái cần dừng xe lại và về số P. Một khi đã kích hoạt hệ thống Hỗ trợ Đổ đèo và về lại số D, chỉ cần nhẹ nhàng bỏ chân phanh, tập trung vào tay lái phía trước và để chiếc xe từ từ di chuyển xuống dốc. Nếu muốn điều chỉnh tốc độ, hãy sử dụng nút bấm (+/-) tương ứng trên vô lăng để tăng hoặc giảm tốc. Lưu ý, hệ thống Hỗ trợ Đổ đèo chỉ hoạt động trong khoảng tốc độ từ 3 - 19km/h.

5. Giảm áp suất lốp xe

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 6

Giảm áp suất lốp xe là một trong những cách đơn giản nhất để cải thiện khả năng vận hành của phương tiện trên các cung đường địa hình và đảm bảo sự thoải mái tối đa trong không gian khoang xe. Mức độ áp suất cần giảm phụ thuộc vào địa hình của điểm đến. Vì vậy, hãy ghi nhớ và lựa chọn áp suất lốp tối ưu nhất ứng với từng dạng địa hình cụ thể. Dưới đây là một số ưu điểm cụ thể khi giảm áp suất lốp của phương tiện khi đi Offroad

Diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường rộng hơn sẽ giúp phân bổ trọng lượng xe đều hơn, đặc biệt hữu ích đối với địa hình đường cát hay bùn lầy. Lốp xe có thể hấp thụ lực va đập từ mặt đường tốt hơn, giúp bảo vệ bánh xe và các bộ phận khác của xe khi di chuyển trên địa hình sỏi đá gồ ghề.

Bỏ túi kinh nghiệm lái xe hai cầu (4x4) trên địa hình xấu - 7

Áp suất lốp thấp sẽ giúp xe vượt qua những ổ gà trên đường một cách êm ái hơn thay vì phải chịu đựng sự xóc nảy khi lốp xe được bơm căng. Nhờ vậy, các trải nghiệm cũng sẽ trở nên thoải mái hơn dù là đang di chuyển trên đường địa hình.

Nếu bạn có ý định giảm áp suất lốp xe cho hành trình Offroad sắp tới, đừng quên mang theo một chiếc bơm điện để có thể bơm đầy lốp xe cho những đoạn đường on-road. Vì di chuyển trên đường nhựa thông thường với lốp xe non hơi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của lốp và tăng tiêu hao nhiên liệu.

Nguồn: [Link nguồn]

Subaru Việt Nam tiếp tục khuyến mãi hơn 159 triệu đồng cho dòng xe Forester

Trong tháng 6, Motor Image Việt Nam nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền Subaru tại thị trường trong nước tiếp tục ưu đãi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh ([Tên nguồn])
Xe Bán tải Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN