Bộ Tài chính bác đề xuất ưu đãi thuế của các nhà sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam
Do có rất nhiều chính sách để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính không ủng hộ hai kiến nghị của Toyota và Ford về ưu đãi thuế trong hoạt động sản xuất.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính không ủng hộ một số kiến nghị về ưu đãi thuế đối với Ford và Toyota.
Ở tờ trình này, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét kiến nghị của Công ty TNHH Ford Việt Nam về việc điều chỉnh sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế 2023. Để trả lời, Bộ Tài chính nêu quan điểm không ủng hộ kiến nghị giảm điều kiện về sản lượng của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô và đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính cho biết điều kiện tham gia Chương trình ưu đãi thuế và được áp dụng mức thuế suất MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) 0% đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp phải đạt đủ điều kiện về sản lượng (bao gồm sản lượng chung tối thiểu cho các loại xe và sản lượng riêng tối thiểu cho từng mẫu xe) theo quy định cho từng nhóm xe.
Quy định về điều kiện sản lượng là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của Chương trình nếu không đáp ứng điều kiện về sản lượng trong kỳ xét ưu đãi thuế (6 tháng hoặc 12 tháng).
Đối với kiến nghị bổ sung một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế suất MFN 0% của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Bộ Tài chính cũng nêu rõ các mặt hàng tại nhóm 98.49 thuộc Danh mục nhóm mặt hàng quy định cơ bản đều là các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được và hàm lượng khoa học công nghệ cao, chế tạo phức tạp.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết có một số mặt hàng do Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đề xuất vào danh mục 98.49 trong nước đã sản xuất được. Đồng thời, công ty chỉ đưa ra mã HS (mã số để phân loại hàng hóa), không có miêu tả cụ thể hàng hóa nên Bộ Tài chính không có cơ sở để xem xét cụ thể đề xuất của công ty.
Nguồn: [Link nguồn]
Cập nhật giá niêm yết và lăn bánh xe Mazda CX-30 đầy đủ các phiên bản.