Bán xe kiểu ‘bia kèm lạc’ – người tiêu dùng chịu thiệt
Tình trạng bán xe “bia kèm lạc” vẫn tiếp diễn tại Việt Nam, khiến người tiêu dùng không khỏi bức xức.
Sau dịp Tết vừa qua, nhiều đại lý ô tô tung chiêu bán bia kèm lạc khá cao đối với một số mẫu xe. Một trong những sản phẩm hiện được bán chênh nhiều nhất đó là Ford Explorer 2022.
Đáng nói, tình trạng mua "bia kèm lạc" đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt. Mức chênh thời điểm đó có lúc lên tới 300 triệu đồng.
Giá xe niêm yết là 2,366 tỷ đồng. Trong khi đó, nhân viên đại lý tại một cơ sở Ford trên đường Trường Chinh, Hà Nội nói: “Ford Explorer hiện có giá 2,546 tỷ đồng, tức chênh lệch 180 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm hợp đồng mua bán, giá xe trong hợp đồng vẫn tương đương giá niêm yết, còn khoản 180 triệu đồng kia người mua vẫn phải nộp cho cửa hàng nhưng sẽ không xuất hiện trên bất cứ giấy tờ mua bán nào giữa hai bên. Đây là điều kiện bắt buộc để lấy xe. Khi tuân theo điều đó chủ sở hữu sẽ được hưởng thêm bộ phận lắp thêm là bậc điện”.
Explorer chênh 180 triệu đồng kèm bậc điện 'nằm' sẵn chờ khách hàng.
Lý giải về mức chênh nói trên, đại lý giải thích rằng là do tình trạng xe khan hiếm. Đặc biệt, nhân viên bán hàng tại cơ sở số 313 Trường Chinh khẳng định: “Bên mình tặng thêm phần bậc điện là vì còn ưu ái khách hàng. Một số cơ sở Ford khác họ vẫn thu tiền chênh nhưng chẳng tặng kèm gì cả”.
Được biết, một số cơ sở Ford khác vẫn thu giá chênh nhưng chẳng tặng thêm phụ tùng nào.
Không chỉ Ford, nhiều đại lý xe cũng tồn tại việc bán “bia kèm lạc”. Chẳng hạn như mẫu xe Hyundai Creta của Hyundai, sản phẩm được nhập nguyên chiếc từ Indonesia trong tháng 3 với mức giá công bố thời điểm ra mắt cho ba phiên bản tiêu chuẩn lần lượt là 620, 670, 730 triệu. Hiện nay, theo khảo sát, nhiều đại lý tại Hà Nội đều báo giá Creta 2022 cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng.
Đối với Toyota, hãng xe nắm phần lớn thị phần tại Việt Nam, từ trước đến nay cũng tồn tại hiện trạng này ở những mẫu xe “hot”, nhận được nhiều sự quan tâm từ người mua. Gần đây, các sản phẩm mới trình làng như Toyota Raize hay Toyota Veloz Cross đều bị kênh giá khoảng 20-30 triệu đồng vì nguồn cung hạn chế.
Toyota Veloz Cross bị làm giá do có nguồn cung hạn chế.
Để kiểm soát việc bán hàng của đại lý, Toyota Việt Nam ra thông báo: “Toyota Việt Nam yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng", đại diện liên doanh Nhật nói. "Chúng tôi sẽ tiếp nhận phản ánh của khách hàng (qua số 18001524) và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý".
Khuyến cáo này đã mang đến những dấu hiệu tích cực tại các đại lý Toyota trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua khảo sát tại các cơ sở Toyota Thanh Xuân, Toyota Giải Phóng, nhân viên tư vấn đã công khai rõ ràng mức giá bán niêm yết và mức giá xe lăn bánh, khẳng định không thu thêm bất kỳ một khoản chênh nào. Ngoài ra, một số mẫu xe như Land Cruiser và Land Prado, đại lý cũng minh bạch luôn về việc chúng đang cháy hàng, sẽ không nhận khách đặt cọc mua xe đến hết năm nay giúp cho người mua không phải chịu cảnh đặt cọc rồi nhưng chờ 'dài cổ' vẫn không thấy xe.
Thực tế, tình trạng bán xe kèm 'lạc' đã diễn ra từ lâu và cũng khá phổ biến trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau. Đây là cách bán xe ô tô mà người mua phải trả thêm một khoản tiền để sở hữu xe. Số tiền này có thể được chi cho các món phụ kiện đi kèm hoặc các chương trình gia hạn bảo hành… nhằm mục đích cuối cùng là nhận xe sớm, thay vì phải chờ đợi như số đông khách hàng khác.
Với nhiều người mua, hình thức bán xe “bia kèm lạc” khiến sự minh bạch trong mua bán bị mất đi. Các khách hàng đã đặt xe rất sớm, ngay từ những ngày đầu phải chờ đợi lâu hơn. Trong khi những người chấp nhận chi thêm lại được nhận xe ngay. Ngoài ra, hiện tượng này còn thể hiện rõ việc các đại lý không thể làm chủ nguồn cung cho người mua.
Cuối cùng, giải quyết được vấn đề này hay không là quyết định của khách hàng. Nếu chấp nhận không thêm phí chênh hoặc phụ kiện thì người mua sẽ phải chờ đợi thời gian lâu hơn để được giao xe. Còn mua cả 'lạc' thì sẽ giao xe sớm hơn.
Chỉ sự tỉnh táo mới giúp người tiêu dùng không chịu thiệt.
Ngoài ra, trên thị trường hiện vẫn còn nhiều thương hiệu khác mà khách hàng có thể lựa chọn, với những dòng xe cùng phân khúc, tương đương về giá nhưng không quá khan hàng. Cùng với đó, người mua không nên đổ dồn nhu cầu vào những giai đoạn khi xe mới ra mắt, trước và sau Tết. Đây là lúc cung vượt cầu, kéo theo tình trạng bán xe “bia kèm lạc”, tạo điều kiện cho đại lý làm giá.
Chiếc xe tràn ngập công nghệ tương lai hứa hẹn đem đến cho người dùng những trải nghiệm đỉnh cao nhất.
Nguồn: [Link nguồn]