10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 đầy thử thách với những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Cùng điểm qua 10 sự kiện đáng chú ý có tác động lớn đến thị trường ô tô Việt Nam năm 2020

1. Gỡ bỏ quy định gây khó cho ô tô nhập khẩu

Ngày 5/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/03. Nghị định 17 được ví như đã “cởi nút thắt” trong hoạt động nhập khẩu ô tô của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam sau hơn 2 năm quy định tại Nghị định 116/2017.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 1

Trong đó, Nghị định 17/2020 đã gỡ bỏ một số quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu… Doanh nghiệp nhập xe không còn phải vất vả chuẩn bị giấy tờ, thời gian chờ kiểm định cả lô xe như trước khiến thời gian từ lúc xe về cảng đến lúc bán ra thị trường kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Kết quả chỉ sau 3 tháng Nghị định có hiệu lực, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng trở lại, gần gấp đôi so với tháng thấp điểm nhất. Trong những tháng cuối năm, lượng xe nhập đều đặn tăng trưởng tháng sau hơn tháng trước từ 7 đến 11% (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

2. Hủy bỏ triển lãm ô tô VMS và Giải đua ô tô F1 vì Covid-19

Hai sự kiện lớn của ngành ô tô Việt Nam là đăng cai một chặng giải đua xe F1 vào tháng 4 và Triển lãm ô tô tháng 10 đều bị hủy bỏ để phòng tránh dịch Covid-19.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 2

Nếu như Triển lãm ô tô Việt Nam là một sự kiện mang tính chất thường niên kể từ năm 2004, có gián đoạn thì cũng chỉ ảnh hưởng một chút về kế hoạch quảng cáo của các hãng xe quen thuộc, nhưng hoãn chặng đua F1 Việt Nam với đường đua Mỹ Đình đã hoàn thiện gây hụt hẫng rất lớn với phần lớn người hâm mộ.

Để chuẩn bị cho chặng đua F1 lần đầu Việt Nam đăng cai, ban tổ chức đã hoàn tất thi công toàn bộ 5.607km và các hạng mục cố định đi kèm chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Nếu diễn ra như kế hoạch, Hà Nội sẽ là thành phố thứ 22 trên thế giới tham gia đăng cai một chặng của giải đua xe danh giá nhất hành tinh. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá du lịch cho đất nước mà còn đưa tên Việt Nam lên tầm cỡ thế giới.

3. Các nhà máy ô tô tạm dừng sản xuất vì lo ngại dịch bệnh

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc Việt Nam sẽ tiến hành cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hai hãng ô tô Toyota và Ford Việt Nam đã có phản ứng nhanh nhạy, không đợi đến khi Chính phủ có chỉ thị cách ly toàn xã hội, họ đã thông báo tạm dừng sản xuất từ ngày 30/3.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 3

Trong ngày 31/3, Honda Việt Nam thông báo tạm dừng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam kể từ ngày 1/4. Ngay sau đó, Tập đoàn TC Motor cũng tiến hành đóng cửa hệ thống nhà máy Hyundai tại thành phố Ninh Bình.

Nissan Việt Nam chuyển sang làm việc trực tuyến thông qua các công cụ như hotline, email… để duy trì liên lạc công việc với khách hàng, đối tác kinh doanh và các nhà cung cấp từ ngày 1/4 đến 15/4/2020.

Động thái ngưng sản xuất, kinh doanh của các hãng xe tại Việt Nam cũng đã kéo theo doanh số bán hàng toàn thị trường 6 tháng đầu năm sụt giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 107.183 xe (theo số liệu VAMA).

4. Phê duyệt và ban hành chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước

Theo VAMA, 6 tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường sụt giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã thôi thúc các hãng xe cầu cứu Chính phủ.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 4

Vào cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%, hiệu lực từ 28/6 đến 31/12/2020.

Theo các chuyên gia, giảm trước bạ là chính sách rất hiệu quả, bởi số tiền giảm thực tế cho người mua rất đáng kể, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. VinFast, Toyota, Hyundai, Kia,  Mercedes… là những hãng xe hưởng lợi nhờ chính sách của Chính phủ.

6 tháng cuối năm, toàn thị trường ô tô đã tăng trưởng trở lại nhờ đòn bẩy là chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Doanh số tháng 7, 9 đều tăng so với tháng 6, tháng 8 có phần giảm vì trùng tháng Ngâu. 

Đến tháng 10, xe lắp ráp tăng 15% doanh số. Kết thúc tháng 11, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô đạt 36.359 xe, tăng 9% so với tháng trước đó và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

5. Các hãng xe triển khai hình thức ra mắt xe online

Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường ô tô Việt Nam, các thương hiệu từ bình dân đến xa xỉ đều chọn cách ra mắt xe trực tuyến trên mạng internet.

Khởi xướng cho hoạt động này là THACO bằng việc cho ra mắt 10 mẫu xe và phiên bản BMW mới vào lúc 12 giờ ngày 22/4. Sau BMW, nhà phân phối xe Audi ra mắt 3 mẫu xe A4, Q3 và Q7 vào ngày 8/5.

Mặc dù đã qua thời điểm cách ly xã hội khá dài nhưng đến ngày 9/12, Honda Việt Nam tiếp tục tổ chức ra mắt từ xa mẫu Honda City thế hệ mới do xuất hiện điểm dịch mới tại Tp HCM.

Không chỉ ra mắt trực tuyến, thời điểm tháng 4 và tháng 5, các đại lý ô tô cũng áp dụng biện pháp làm việc từ xa, nhân viên tiếp xúc khách hàng qua điện thoại và gọi điện video. Thậm chí, sau khi chốt mua xe, khách hàng được nhận dịch vụ giao xe tận nhà để phòng tránh dịch bệnh.

6. Ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường Việt, gây chú ý vì giá rẻ mà đầy ắp công nghệ

Những cái tên xe Trung Quốc được đưa về thị trường Việt Nam trong năm 2020 và liên tục “chiếm sóng” trên mạng xã hội cũng như kênh Youtube của giới KOLs có thể kể đến như: Zotye Z8, BAIC Q7, Brilliance V7 và Beijing X7,...

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 5

Với giá bán khoảng 700 triệu, thậm chí chỉ bằng 1 nửa so với xe Nhật, Hàn cùng phân khúc, nhưng những chiếc ô tô của thương hiệu Trung Quốc sở hữu đầy rẫy các option cao cấp như cửa sổ trời panorama, màn hình giải trí 12 inch, camera 360 độ, cần số điện tử linh hoạt, phanh đỗ tự động...

Bên cạnh đó, nhà phân phối còn tự tin bảo hành xe bán ra lên tới 5 năm thay vì 3 năm như thường thấy. Điều này càng khiến dư luận trở nên quan tâm để ý tới những mẫu xe Trung Quốc vốn từng thất bại 2 lần trong 2 thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu 21 khi tìm đường vào Việt Nam.

Tuy nhiên, một số chuyên gia ô tô cho rằng xe Trung Quốc có thể tạo được sóng dư luận thời điểm ban đầu, ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường bán lẻ ô tô trong nước nhưng sẽ không kéo dài bởi tính chất “ăn xổi” thường thấy của các nhà phân phối, khi chỉ tập trung bán hàng mà không làm chỉn chu dịch vụ chăm sóc khách hàng.

7. Xe ô tô kinh doanh vận tải đổi sang biển số nền vàng

Từ 1/8/2020, tất cả xe kinh doanh vận tải buộc phải đổi sang biển số nền vàng, đồng thời thay đổi lại số và giấy tờ xe theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Cũng theo Thông tư 58, các xe ô tô tư nhân đăng ký mới hoặc đổi biển cũng buộc phải sử dụng loại biển số mới màu trắng có kích thước tương tự là 165x330mm. Các xe sẽ được cấp mặc định 2 biển số kích thước giống nhau, thay cho trước đây các xe được cấp 2 biển: một dài và 1 vuông với kích thước 110x470mm và 200x280mm.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 6

Thời gian đầu mới triển khai, những biển số màu vàng khiến nhiều người cảm thấy lạ lẫm, nhưng sau đó việc nhiều xe kinh doanh vận tải sử dụng loại biển số này trên đường đã khiến mọi người dần trở nên quen thuộc. Bên cạnh đó, biển số với màu khác biệt sẽ giúp lực lượng chức năng nhận biết rõ hơn các xe có đăng ký kinh doanh vận tải như xe taxi, xe công nghệ,… để dễ quản lý, xử phạt vi phạm.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), ước tính có khoảng 2 triệu xe thuộc đối tượng này. Lộ trình đổi toàn bộ xe kinh doanh vận tải sang sử dụng biển số màu vàng là hết ngày 31/12/2021.

8. Các hãng xe ô tô lần lượt thay đổi nhà phân phối

Sau hơn 2 năm âm thầm rút khỏi Việt Nam, thương hiệu xe Pháp Renault bất ngờ tuyên bố trở lại vào tháng 4 nhà phân phối mới CT Wearnes-công ty đang nắm quyền phân phối hàng loạt hãng như Bentley, Aston Martin, Lamborghini, Ducati tại Việt Nam.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 7

Ngày 1/10, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ôtô Việt Nam (VAD) thành lập chưa đầy một tháng sau khi Tan Chong chấm dứt quyền phân phối thương hiệu Nissan đã thông báo tiếp quản hoạt động kinh doanh.

Sau khi “chia tay” Nissan, Tan Chong chuyển hướng sang kinh doanh xe MG (Morris Garages), ra mắt từ tháng 7 bằng hai sản phẩm đầu tiên ZS và HS. MG là thương hiệu của Anh nhưng đã chuyển chủ sở hữu sang hãng xe Trung Quốc SAIC từ năm 2007.

Tháng 10, nhà phân phối xe Rolls-Royce chính hãng tại Việt Nam là Công ty cổ phần ôtô Regal đã thông báo dừng hoạt động sau 7 năm hoạt động. Hai tháng sau, Rolls-Royce châu Á Thái Bình Dương công bố nhà phân phối mới là S&S Automotive, một công ty mới hoạt động được 2 tháng.

Tháng 12, thương hiệu xe địa hình Mỹ là Jeep đã công bố nhà phân phối mới - Jeep Vietnam Automobiles (JVA) sau khoảng 10 năm vắng bóng.

9. Ô tô VinFast đạt doanh số “đáng nể”, liên tục lọt top xe bán chạy

Nhờ việc liên tục triển khai những chương trình ưu đãi và khuyến mại hấp dẫn, lượng khách hàng “xuống tiền” mua xe VinFast khá đông. Các mẫu ô tô của thương hiệu Việt liên tục lọt Top xe bán chạy của tháng.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 8

VinFast bắt đầu công bố số liệu bán hàng từ tháng 5/2020. Hai mẫu xe VinFast lọt top 10 xe bán chạy nhất là Fadil đứng thứ 4 với 1.156 xe và Lux A2.0 đứng thứ 8 với 682 xe bán ra.

Tháng 6, Fadil lại một lần nữa vượt mặt đối thủ Hyundai Grand i10 dẫn đầu phân khúc hạng A với 1.364 xe được bán ra, đứng thứ 4 trong Top 10 xe bán chạy của tháng.

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 9

Tháng 11, VinFast đã bán ra tổng cộng 4.040 chiếc ô tô, trong đó có 2.816 xe Fadil, 676 xe Lux A2.0 và 548 xe Lux SA2.0.

10. Thương hiệu xe sang Audi dính nhiều lần triệu hồi nhất năm 

Trong năm 2020, Audi đã có tới 4 lần thông báo triệu hồi xe tại Việt Nam với nhiều lỗi khác nhau trên các mẫu Q5, Q7 và A3.

Có nhiều lỗi khác nhau khiến xe bị triệu hồi gồm: ống áp suất thấp của hệ thống cung cấp nhiên liệu bị hỏng, hộp số,  gioăng cao su bị lỗi hay tâm chắn bùn trên xe có nguy cơ bị hỏng. 

10 sự kiện đáng chú ý của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 - 10

Cụ thể, mở màn cho chuỗi chương trình triệu hồi đối với hầu hết các mẫu xe bán chạy của hãng là đợt triệu hồi trên mẫu xe Audi Q5 diễn ra vào tháng 2/2020. 

Đến tháng 4/2020, mẫu SUV 7 chỗ ăn khách của Audi Việt Nam là Q7 chính thức bị triệu hồi để kiểm tra, khắc phục lỗi ở bộ phận lái của xe. Tháng 8/2020, Audi Việt Nam lại tiếp tục ra thông báo triệu hồi đối với mẫu xe khác của hãng là Audi A3.

Tháng 11/2020, Audi tiếp tục triệu hồi đối với mẫu sedan Audi A8L là 33 chiếc do liên quan tới lỗi gioăng cao su.

Chevrolet Tracker 2021 trình làng, giá từ 420 triệu đồng

Mẫu SUV hạng B giá rẻ vừa được giới thiệu tại Trung Quốc với nhiều nâng cấp đáng chú ý ở trang bị nội thất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Lam ([Tên nguồn])
Xe Toyota Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN