Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2)

Lỗi lốp làm lật ôtô hay hàng chục triệu xe dính túi khí rởm Takata tiếp tục là những sự kiện gây chấn động ngành xe hơi Mỹ.

 6. Xe Audi “thập tử nhất sinh” vì thông tin sai lệch

Đến nay có thể nói Audi là một trong những gã khổng lồ trong làng xe sang trên thế giới. Nhưng vào cuối những năm 1980, hãng xe này đã phải “điên đầu” khi đối diện trước những thông tin tồi tệ khiến nó hầu như bị gạt ra khỏi thị trường xe Mỹ. Cụ thể, năm 1982, hãng xe tung ra mẫu sedan thể thao, kiểu dáng đẹp Audi 5000 mở cửa cho Audi đi vào phân khúc xe sang cao cấp.

Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2) - 1

Thật không may, hình ảnh công ty đã bị nhấn chìm thê thảm vào ngày 23.11.1986, khi chương trình 60 Minutes của đài CBS chạy một bản tin gây sốc về Audi 5000. Các khách hàng sở hữu xe đều tuyên bố rằng Audi 5000 của họ gặp lỗi đột ngột tăng tốc. Để chứng minh 60 Minutes cho chạy thử Audi 5000.

Tuy nhiên Audi phản hồi lạnh lùng rằng, tất cả các vụ tai nạn đều do lỗi lái xe. Trong thực tế, công ty đã đúng, các kết quả kiểm tra tại Mỹ, Canada, Nhật Bản đã kết luận rằng lái xe đã nhấn nhầm phanh vào chân ga, làm cho hệ thống phanh không hoạt động mà lại khiến xe tăng tốc vọt lên.

Dù là vậy, nhưng chương trình 60 Minutes đã lan tỏa và khiến cho doanh số của xe Audi đang ở ngưỡng hơn 75 nghìn chiếc vào năm 1985 bỗng sụt giảm xuống chỉ còn 12 nghìn xe vào năm 1991, gây thiệt hại khủng khiếp cho Audi. Song phải gần 30 năm sau đấy, chương trình 60 Minutes mới dính “án” là một trong những chương trình tồi tệ nhất trong lịch sử báo chí hiện đại.

7. Thảm họa lốp Firestone làm lật xe Ford Explorer

Vào năm 1990, Ford phát hành mẫu SUV hoàn toàn mới Explorer đã nhanh chóng chiếm thị phần 7% trên thị trường xe hơi Mỹ. Đến năm 1999, hãng xe này đã chiếm tới gần 20% khi nó được người Mỹ ưa dùng. Nhưng những vụ tai nạn liên quan đến lật xe Ford do lỗi lốp Firestone đã khiến dân Mỹ bị ám ảnh.

Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2) - 2

Điều đáng buồn ở chỗ khi NHTSA chất vấn, cả Ford và Firestone lại đổ lỗi cho nhau trong những vụ lật xe. Đối diện với trách nhiệm về 100 người thiệt mạng trên thế giới, công ty lốp Firestone đã buộc phải triệu hồi 6.5 triệu lốp, và cho rằng đó là do lỗi áp suất lốp thấp và do hiện tượng nóng lốp gây ra. Sau đó vài tháng Ford cũng đã triệu hồi thêm 13 triệu lốp xe này. Vụ bê bối đã khiến “đôi bạn thân” Ford và Firestone chia tay nhau sau gần 100 năm hợp tác.

8. Toyota đánh lừa công chúng về lỗi tăng ga đột ngột

Trong năm 2012, sau nhiều năm phủ nhận về lỗi tăng tốc ngoài ý muốn của nhiều mẫu xe Toyota và cả xe sang Lexus dù đã có bằng chứng, Toyota đã phải đồng ý trả cho Chính phủ Mỹ khoản tiền 1,2 tỷ USD để tránh bị truy tố hình sự.

Ban đầu Toyota không chịu thừa nhận và đổ lỗi cho lái xe chứ không phải lỗi bàn đạp ga, thậm chí công ty này còn che giấu cả lỗ hổng trong việc lắp ráp chân ga đã gây ra hiện tượng tăng tốc bất ngờ.

Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2) - 3

Đến năm 2009, Toyota chính thức “điêu đứng” khi giới chức Mỹ cho phát hành đoạn ghi âm một cuộc gọi 911 từ Văn phòng kiểm soát giao thông ở California khi chiếc xe Lexus của một nhân viên văn phòng này bắt đầu có hiện tượng tăng tốc bất ngờ lên tới 125 dặm/giờ (202 km/h) trước khi  gặp nạn khiến 4 người chết. Nhưng phải ba năm sau đó, Toyota mới thừa nhận mình đã lừa công chúng và lập tức triệu hồi 9.3 triệu xe bị lỗi trên toàn cầu.

9. Lỗi túi khí Takata khiến 17 triệu xe đứng trước nguy cơ triệu hồi

Đã có rất nhiều đợt triệu hồi và những vụ bê bối ảnh hưởng tới hàng triệu xe, nhưng có lẽ chưa lần nào một lỗi như loại túi khí Takata lại liên lụy tới 10 hãng xe lớn nhất thế giới và ít nhất 17 triệu xe đã bán ra trên khắp thế giới. Vào những năm 2000-2008, hãng Takata Nhật Bản sản xuất các túi khí này nhưng nó đã dính lỗi khi gặp độ ẩm khiến túi khí dễ bị vỡ, làm vỏ kim loại cũng như hóa chất trong nó bắn ra, gây thương vong cho người trong xe.

Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2) - 4

Một cuộc điều tra của tờ New York Times cáo buộc rằng, cả Takata và Honda đã biết về lỗi túi khí này từ đầu năm 2004 nhưng lại không báo cáo với NHTSA. Chính phủ Mỹ sau đó đã buộc Honda phải nộp phạt 70 triệu USD, riêng Takata phải nộp 14 nghìn USD/ngày trong tổng số ngày đã không hợp tác với cuộc điều tra của liên bang.

Trong khi đó, có tới 10 nhà sản xuất xe đang phải xoay sở để sửa lỗi túi khí và ước chừng đã có tới 30 triệu xe đang có loại túi khí nguy hiểm này. Trong khi sự bê bối của túi khí này đã diễn ra suốt nhiều thập kỷ qua. Rất nhiều hãng xe cũng đang nỗ lực triệu hồi xe để sửa chữa túi khí đảm bảo an toàn cho người dùng.

10. Chevy Cobalt-mẫu xe cẩu thả nhất trong lịch sử

Mẫu compact Chevy Cobalt xuất hiện và "chết yểu" nhanh chóng trong lòng người tiêu dùng Mỹ. Nó đã được xếp hạng cùng với Ford Pinto, thuộc một trong những mẫu xe nguy hiểm và thiết kế ẩu nhất từng được bán ra. Năm 2007, GM đã thu hồi 98 nghìn xe này vì nó không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của liên bang.

Top 10 vụ bê bối nhất trong ngành xe hơi Mỹ (2) - 5

Thêm nữa, năm 2010, lỗi hệ thống truyền lực tay lái đã khiến GM tiếp tục triệu hồi 1.3 triệu xe. Điều làm “ô danh” Cobalt hơn nữa là hệ thống đánh lửa bị lỗi, hệ thống túi khí và chống bó cứng phanh không an toàn làm cho tai nạn xe cực kỳ nguy hiểm.

Điều đáng sợ hơn, GM được cho là đã biết về lỗi xe này từ đầu năm 2004 nhưng lại giấu đi vì cho rằng để sửa nó quá đắt đỏ. Sau 9 năm lưu hành và làm 13 người thiệt mạng, GM cuối cùng cũng đã quyết định thu hồi 2.6 triệu xe Cobalt. Dù mất 10 triệu USD trong những vụ kiện dân sự, GM cũng cố gắng đổ lỗi này nọ nhưng mới đây nhất, hãng xe này đã thừa nhận lỗi đánh lửa của xe đã khiến con số thương vong lên tới 90 trường hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Long ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN