Tỷ phú Trịnh Văn Quyết và loạt lãnh đạo doanh nghiệp đình đám bị bắt tạm giam

Cùng với tỷ phú Trịnh Văn Quyết, chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã có một loạt lãnh đạo doanh nghiệp đình đám cũng đã bị bắt để phục vụ điều tra về những tội danh khác nhau.

Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cũng cho biết đã tiến hành điều tra, xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10-1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.  

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán

Những hành vi của ông Quyết xảy ra hồi tháng 1 từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Cụ thể ngày 10-1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Sau sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.

Tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam Nguyễn Phương Hằng

Theo đó, vào ngày 24/3, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam) về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Từ khoảng tháng 3-2021 đến thời điểm trước khi bị bắt tạm giam phục vụ điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng. Trong đó nữ Tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam đã sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trước khi bị bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng

Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại TP.HCM và các địa phương khác.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16-2-2022 đến ngày 29-4-2022.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt

Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố và bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn, bị can Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Việt Á đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt cùng một số thuộc cấp bị tạm giam để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Phan Quốc Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, nhà chức trách cáo buộc.

Để được cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ số lượng lớn, quyết toán theo giá do Việt Á đề nghị, Việt còn thỏa thuận chi cho lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.

Cảnh sát đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Việt và các bị can thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản ở TP HCM, Hà Nội và các địa phương khác;...

Ngoài ra ông Phan Quốc Việt và một số thuộc cấp còn bị cáo buộc tội đưa hối lộ.

Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng Nguyễn Quang Trung

Trước đó, vào chiều ngày 7/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung (tên thường gọi là "Trung lửa", 61 tuổi), Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Quang Trung bị tạm giam để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí"

Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước Công ty Phát triển Nhà. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 3 ngày, ông Trung đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú (P.Phước Ninh, Q.Hải Châu) với giá gần 2 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỉ đồng vào thời điểm 2009.

Ngoài ra, 6 dự án khác liên quan đến sai phạm của công ty này cũng được xác định gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Tổng giám đốc Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng

Vào ngày 25/11, Bộ Công an đã có lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, 45 tuổi, Tổng giám đốc công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Theo đó, ông Hoàng và một số lãnh đạo cấp cao của Thuduc House gồm phó tổng giám đốc, kế toán trưởng... bị bắt giữ trong vụ án "buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan.

Thuduc House đã có hàng loạt sự thay đổi nhân sự cấp cao sau khi ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị bắt tạm giam

Sau khi ông Hoàng bị bắt, Thuduc House đã có hàng loạt sự thay đổi nhân sự cấp cao khi Chủ tịch Lê Chí Hiếu có đơn từ nhiệm vị trí chủ tịch và vai trò đại diện vốn tại các công ty thành viên 'vì lý do sức khỏe' vào ngày 8/2/2022. Người thay thế vị trí của ông Hiếu là Lữ Minh Sơn sau đó cũng có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) chỉ sau hơn một tháng tại vị.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex Nguyễn Thị Loan

Một trong những cái tên đình đám bị bắt được giới đầu tư quan tâm thời gian gần đây là nữ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex Nguyễn Thị Loan.

Theo đó, vào đầu tháng 11/2021, Bà Nguyễn Thị Loan, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex, cùng 7 người khác bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc có nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8-2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương. Ban đầu Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng.

Tuy nhiên bị can Loan đã thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực. Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỉ.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex lập nhiều công ty để làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Kết quả điều tra xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.

Hoàng Anh