Nơi nóng nhất trên Trái đất được công nhận cho đến nay là Thung lũng Chết, vùng sa mạc phía đông California, Mỹ.
Hôm 9.7, khu vực Furnace Creek ở Công viên Quốc gia Thung lũng Chết ghi nhận mức nhiệt độ 54,4 độ C, phá kỷ lục thế giới từng thiết lập tại chính khu vực này vào ngày 16.8.2020.
Đây là mức nhiệt độ không khí cao nhất từng được ghi nhận một cách tin cậy trên Trái đất trong thời hiện đại, theo NPR.
Chris Outler, nhà khí tượng hàng đầu ở Las Vegas, Mỹ, nói: “Trong thời hiện đại, 54,4 độ C là mức nhiệt độ cao nhất mà các thiết bị đáng tin cậy ghi nhận được ở Thung lũng Chết”.
Trong quá khứ, Thung lũng Chết từng ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 56,7 độ C vào ngày 10.7.1913. Tuy nhiên, các nhà khoa học đến nay vẫn tranh cãi về cột mốc này, cho rằng các dữ liệu khi đó chưa đủ tin cậy.
Mức 56,7 độ C ghi nhận ở Thung lũng Chết vào năm 1913 vẫn được coi là con số chính thức được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận.
Hiện nay, nhiều khu vực ở Bắc bán cầu đang trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy trong lịch sử. Nguyên nhân chính được các nhà khoa học giải thích là do biến đổi khí hậu.
Ngày 20.6, thành phố Phoenix, bang Arizona, đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 49 độ C. Thị trấn Lytton, tỉnh British Columbia, Canada, hôm 29.6 ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 49,6 độ C. Đây là nhiệt độ cao nhất trong lịch sử từng được ghi nhận ở Canada.
Cuối tháng 6, thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh, Pakistan, ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục lên tới 52 độ C.
Ở Iraq, các tỉnh phía nam nước này đã ghi nhận mức nhiệt độ 50 độ C vào đầu tháng 7.
Các nhà khoa học từng cảnh báo, tình trạng Trái đất ấm lên có thể vượt qua “điểm không thể cứu vãn”. Nhiệt độ Trái đất đã tăng 1 độ C so với thời điểm trước thế kỷ 19, trong khi các quốc gia trên thế giới cam kết duy trì mức tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Furnace Creek, Death Valley, California, USA
Ấn Độ
Sa mạc Lut ở Iran
Kuwait