CÂU TRẢ LỜI CHÍNH XÁC

Quấn garo, rạch vết cắn, dùng miệng hút nọc độc rồi nhổ đi là những điều mà không ít người vẫn tin là có thể áp dụng trong sơ cứu người bị rắn độc cắn. Mục đích của các biện pháp này nhằm loại bỏ phần lớn nọc độc trước khi nó xâm nhập vào máu và lan ra khắp cơ thể nạn nhân. Nhưng các chuyên gia cho rằng không nên áp dụng các cách này, theo New York Times. 

Một nghiên cứu trên tạp chí y học New England (Mỹ) chỉ ra rằng, việc rạch vết cắn, hút nọc độc hoặc quấn chặt quanh vết cắn với ý định ngăn nọc độc lan nhanh có thể làm tổn thương dây thần kinh và mạch máu, dẫn tới nhiễm trùng. 

Ngoài ra, theo Howstuffwork, việc dùng miệng hút nọc độc có thể gây nguy hiểm tính mạng của chính người hút nếu miệng của người này có vết thương hở. Nọc độc từ đó có thể ngấm vào máu. Bên cạnh đó, miệng của người hút nọc có vi khuẩn, có thể gây nhiễm trùng cho vết thương. 

Quấn garo có thể làm tổn thương dây thần kinh và ảnh hưởng lưu lượng máu, dẫn tới hoại tử vì máu không lưu thông tới vết cắn. Thực tế, một trường hợp ở bang Tennessee, Mỹ, từng suýt chết vì quấn garo gần vết rắn độc cắn. 

Một cách sơ cứu sai lầm khác là chườm lạnh vùng bị cắn. Các bác sĩ khuyên không nên làm điều này vì nó có thể khiến nọc độc tập trung một chỗ, gây tổn thương mô nặng ở khu vực này. 

"Cách tốt nhất là đưa người bị rắn cắn tới bệnh viện",  giáo sư Barry S. Gold, tác gia nghiên cứu trên tạp chí y học New England, nói. 

Người bị rắn độc cắn cần phải được điều trị khẩn cấp và dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Vì vậy, nạn nhân cần được đưa tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Một số lưu ý khi sơ cứu người bị rắn độc cắn: 

1. Trấn an, hạn chế cho nạn nhân cử động. Để vùng bị cắn thấp hơn vị trí tim. 

2. Cố định vùng bị rắn cắn (tay, chân) nhưng không được quá chặt và không làm hạn chế lưu thông máu.

3. Cởi bỏ đồ trang sức (nhẫn, vòng...) ở chân, tay bị rắn cắn vì có thể bị chèn ép khi chỗ cắn bị sưng. 

4. Theo dõi tình trạng hô hấp. Nếu thấy nạn nhân khó thở, cần hô hấp nhân tạo. 

5. Không quấn garo, hút nọc độc hoặc chườm đá.

6. Không mất thời gian tìm và giết con rắn đã cắn người. Tận dụng thời gian đó đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc sơ cứu cho nạn nhân. Trong trường hợp giết được rắn, mang xác nó tới bệnh viện để giúp các bác sĩ xác định loại rắn độc và có huyết thanh kháng nọc phù hợp. Lưu ý, rắn chết sau vài giờ vẫn có thể có phản xạ cắn nên không cầm vào phần đầu rắn. 

TRẢ LỜI CỦA BẠN ĐỌC 20
Thãnh

Dùng dây siết không cho máu độc di chuyển về tim, ngồi cố định kêu cầu cứu hạn chế hoạt động.

Nguyên Hà

Nếu bị rắn cắn: Tuyệt đối không được dùng miệng hút hoặc nặn máu. Ví dụ, cắn vào tay, thì tìm thứ gì có thể cột chặt khoảng cách từ vết cắn để giảm thời gian chạy của nọc, và đưa đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất. Không nên hút nếu không sử dụng biện pháp bảo vệ miệng.

Viet Nguyen

Hút nọc độc bằng miệng chỉ có trong tiểu thuyết kiếm hiệp.

Trình Nguyễn

Nếu miệng không có vết thương hở thì ok. Nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối thì nên dùng gạc để buộc cách vết cắn 20 - 30cm ( trong trường hợp bị cắn vào tay chân) rồi đưa tới cơ sở y tết gần nhất.