Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội: Đa dạng hoạt động theo chủ đề “Tái tạo”

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ 6 đang diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 16.11 - 22.11.2024), khán thính giả có cơ hội tham gia chuỗi sự kiện phong phú, khám phá những giải pháp, sáng kiến bền vững nhằm tái tạo môi trường, xây dựng cộng đồng hay lối sống văn hóa, đặt trong không gian di sản Hà Nội.

VFCD 2024 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cùng và các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo.

Liên hoan năm nay với chủ đề “Tái tạo”, thông qua các phiên thảo luận, hội thảo, trưng bày khác nhau giúp khách tham quan có thể khám phá và hiểu rõ về tầm quan trọng của tái tạo nằm ở tiềm năng biến đổi và tạo ra các sản phẩm xanh hoặc các không gian xanh sống động, bền vững, có khả năng phục hồi trước những đổi thay.

Trưng bày xuyên suốt Liên hoan

Hai trưng bày cùng liên hoan lần này là “TÁI TẠO” và “đây/đó - Kiến tạo kết nối: Góc nhìn Đương đại về Thiết kế, Văn hoá, và Không gian” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Những hiện vật trưng bày tại "TÁI TẠO" đã phần nào hé lộ những tác động khả thi mà mỗi cá nhân thực hành thiết kế sáng tạo có thể đưa đến trong sản phẩm, dự án của mình.

Không gian trưng bày “TÁI TẠO” giới thiệu các dự án và vật phẩm theo chủ đề VFCD 2024

Không gian trưng bày “TÁI TẠO” giới thiệu các dự án và vật phẩm theo chủ đề VFCD 2024

Người tham quan có thể dành thời gian ngắm nhìn, tìm hiểu về các dự án: "Nature's Rewilding Vietnam" của WWF nổi bật với những hình ảnh mạnh mẽ về khôi phục hệ sinh thái, giúp khơi dậy ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; Dự án "GenZ dệt zènG" số hóa hoa văn thổ cẩm của người Tà Ôi, trong khi đó “Đà Lạt - City of Arts” sử dụng diễn họa bản đồ và kể chuyện du lịch bền vững nhằm tôn vinh văn hóa và làm sống động các di sản độc đáo của thành phố. “Dự án Tiếng Việt" của Lướt Code làm mới lại cách nghe - đọc - hiểu “tiếng ta”, hướng đến việc bảo tồn vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt. Bộ đôi vật phẩm thiết kế nội thất "Chạn & Chõng" của Việt Kia tái hiện những giá trị di sản hữu hình từ quá khứ và đưa chúng vào không gian đời thường đương đại.

Trong khi đó, trưng bày “đây/đó” đưa đến những sáng tạo độc đáo hòa quyện giữa nghệ thuật và di sản văn hóa, nơi các nghệ sĩ trẻ thổi hồn vào từng tác phẩm qua những góc nhìn mới lạ. Từ sự tinh tế trong ứng dụng sơn mài quang thấu tạo sự giao cảm giữa chất liệu và tâm thức của nghệ nhân (Hữu Khoa), hay sắc thái lịch sử được hồi sinh qua ánh sáng chiếc đèn từ giấy Điệp truyền thống lấy cảm hứng từ trống đồng (Võ Ngọc Thanh Tiến), đến những nghiên cứu về không gian chung cư cũ gợi nhắc ký ức (Trang Do) và thiết kế nơi giao lưu câu chuyện cộng đồng (Sâm), mỗi dự án không chỉ tôn vinh di sản mà còn mở ra giá trị mới, lan tỏa sức sống và sự gắn kết cho cộng đồng.

Một góc không gian trưng bày “đây/đó”

Một góc không gian trưng bày “đây/đó”

Nhiều hoạt động trực tiếp phong phú

Bên cạnh hai triển lãm mở cửa đón khách xuyên suốt trong tuần lễ diễn ra liên hoan, khán giả cũng có thể trải nghiệm các hoạt động trực tiếp khác: hội thảo, workshop, trải nghiệm đi bộ,.... ở các không gian công cộng. Hầu hết sự kiện đều không thu phí tham dự.

Một số hoạt động đã diễn ra và nhận được sự tham gia đông đảo từ cộng đồng người yêu thích thiết kế sáng tạo như Đối thoại “Sáng tạo là kinh doanh: Đổi mới Văn hoá và Di sản thông qua Đồng Thiết kế”, cùng trò chuyện với PGS.TS Jane Gavan - Viện Đại học Sydney Việt Nam về những thực hành sáng tạo tiên phong đã giúp đem lại những cơ hội mới trong nghệ thuật, thiết kế, bảo tàng, cộng đồng, doanh nghiệp và ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo nói chung.

Đối thoại: Dự án Tiếng Việt - Điểm giao thoa giữa công nghệ và Tiếng Việt

Đối thoại: Dự án Tiếng Việt - Điểm giao thoa giữa công nghệ và Tiếng Việt

Nghiên cứu về sự biến hoá của tiếng Việt, Đối thoại “Dự án Tiếng Việt: Điểm giao thoa giữa Công nghệ và Tiếng Việt” mở ra cuộc trò chuyện với Lướt Code và 3 thành viên của dự án (Dmarc Lê, Đông-Trúc, thou), chia sẻ với khán giả về một cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc bao gồm các nghiên cứu khởi đầu về tính đơn âm tiết và tính biến âm của tiếng Việt sử dụng Python và các kỹ thuật NLP trên Từ điển tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê.

Cùng với đó ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã diễn ra Workshop "Lắng nghe vật liệu” nơi người tham gia được học kỹ thuật gắn sơn mài với vỏ trứng lên các sản phẩm đặc biệt bao gồm những chú cá nhỏ làm từ bột đá ép và nilon tái chế giúp giảm thiểu tác động lên thiên nhiên, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp cổ truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Workshop “Lắng nghe vật liệu” mang tới trải nghiệm thú vị với sơn mài

Workshop “Lắng nghe vật liệu” mang tới trải nghiệm thú vị với sơn mài

Trong những ngày sắp tới, người yêu sáng tạo Hà Nội có thể tiếp tục đồng hành cùng chuỗi sự kiện VFCD 2024 với các hoạt động như Đối thoại Hoán vị: Tiếp cận Thiết kế Kiến trúc Bền vững. Hay các tour đi bộ trải nghiệm những con phố, những địa danh, khám phá hệ sinh thái bản địa đặc trưng của địa phương. Từ đó cho thấy nghệ thuật công cộng có thể tái tạo hoàn toàn và thổi sức sống vào một khu vực xuống cấp, đồng thời thúc đẩy người dân địa phương yêu thích không gian chung của họ hơn.

Các hoạt động đi bộ bao gồm:

1. Khám phá Hà Nội: Từ phố Hoè Nhai đến cầu Long Biên (20.11.2024)

2. Tuyến trải nghiệm sinh thái bản địa khu vực bờ vở sông Hồng (21.11.2024) khởi điểm từ Công viên rừng Chương Dương

3. Khám phá cách nghệ thuật công cộng tái tạo không gian và cộng đồng (21.11.2024) khởi điểm từ Cầu đi bộ Trần Nhật Duật

Đặc biệt trưng bày “Nhìn lên đáy giếng” sẽ mở cửa từ 20.11 - 30.12.2024 tại The Outpost Art Organisation. Các tác phẩm của nghệ sĩ Hachul Lệ Đổ và Vũ Diệu Hương hứa hẹn mở rộng các yếu tố di sản Việt Nam, đặt câu hỏi về cách sản xuất kiến ​​thức và trao đổi liên văn hóa có thể được diễn đạt bằng hình ảnh và ngôn ngữ.

Hành trình của VFCD sẽ tiếp tục tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 29/11 đến 6/12/2024. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập:

Trang web: https://vfcd.events/     

Facebook: https://www.facebook.com/vfcd.events   

Instagram: https://www.instagram.com/vfcd.events   

YouTube: https://www.youtube.com/VietnamFestivalofCreativityDesign 

X (Twitter): https://x.com/vfcd_events 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN