9 công việc dành cho người thích nói chuyện

Đa số các ngành nghề đều cần ít nhiều khả năng giao tiếp, nhưng một số nghề đặc thù rất cần kỹ năng mềm này nếu muốn tiến xa trên con đường sự nghiệp. Dưới đây là những lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời cho những người thích nói chuyện mà CareerLink.vn đã tổng hợp, qua đó họ không những có thể tận dụng lợi thế hoạt ngôn mà còn tìm thấy sự vui vẻ, hứng thú trong công việc.

Chăm sóc khách hàng

Vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng, trong khi người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn, nên các doanh nghiệp rất chú trọng tuyển dụng vị trí chăm sóc khách hàng. Nhiệm vụ của bạn là trực tiếp nhận các thắc mắc, phản hồi về sản phẩm, dịch vụ thông qua điện thoại, email, ứng dụng chat trực tuyến hoặc gặp mặt trực tiếp. Bạn cần phải có tính nhẫn nại, mềm mỏng để giải thích thông tin, hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho khách hàng, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm đưa ra các câu trả lời phù hợp.

Nhân viên bán hàng/ kinh doanh

Nếu bạn yêu thích công việc liên quan đến mua bán thì có thể ứng tuyển vào các vị trí như nhân viên bán hàng tại cửa hàng hoặc kinh doanh thị trường. Đây là công việc không chỉ giúp bạn thỏa mãn niềm đam mê gặp gỡ mà còn mở ra thách thức cũng như cơ hội thu nhập cao tương xứng. Để làm được nghề này thì bạn cần các điều kiện tương tự như chăm sóc khách hàng, nhưng phải bổ sung thêm một kỹ năng quan trọng đó là thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của bạn.

9 công việc dành cho người thích nói chuyện - 1

Tổ chức sự kiện

Bạn là một người giàu ý tưởng, yêu thích sự náo nhiệt và muốn làm những điều độc đáo thì hãy cân nhắc nghề tổ chức sự kiện (đám cưới, sinh nhật, khai trương công ty...). Có rất nhiều các lựa chọn cho bạn như điều phối viên, nhân viên tổ chức hoặc tư vấn ý tưởng. Ngành nghề này yêu cầu bạn phải nói rất nhiều nhằm đảm bảo chất lượng tương tác giữa các bên, cũng như liên tục chịu áp lực “căng như dây đàn”. Bù lại, bạn sẽ có những trải nghiệm thăng hoa đầy tươi mới trong hoạt động thường ngày.

Dẫn chương trình

Với giọng nói truyền cảm và kèm chút “duyên” ăn nói, thì bạn hoàn toàn có thể thử thách với việc dẫn chương trình. Công việc chính là “cầu nối” giữa các tiết mục, đảm bảo sự mạch lạc xuyên suốt của chương trình. Tuy nhiên, nghề nghiệp này thường yêu cầu cao về ngoại hình nên sẽ không phù hợp với những bạn có vẻ ngoài ít thu hút.   

Diễn giả

Dù không phải là nghề dành cho số đông, nhưng đây là lựa chọn phù hợp cho những người thích chia sẻ về kiến thức, trải nghiệm. Công việc này yêu cầu bạn phải là người hoạt ngôn, ứng biến lanh lẹ, kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực và đủ sâu trong chuyên môn chính. Thường bạn sẽ hoạt động tự do và nhận lương theo hợp đồng cá nhân trong các sự kiện, hội thảo giao lưu.

9 công việc dành cho người thích nói chuyện - 2

Thông dịch viên

Thông dịch viên giúp mọi người giao tiếp, vượt qua các rào cản ngôn ngữ bằng cách chuyển đổi một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thường là trong văn phòng, trường học, phòng xử án, bệnh viện và trung tâm hội nghị. Điều này có nghĩa là một thông dịch viên là một phần của tất cả các cuộc hội thoại diễn ra với sự hiện diện của khách hàng của họ.

Hướng dẫn viên du lịch

Nếu bạn ưa thích “xê dịch” hoặc khám phá điều mới thì có thể xem xét lựa chọn hướng dẫn viên du lịch toàn thời gian hoặc cộng tác tự do. Bên cạnh khả năng giao tiếp, truyền đạt thông tin rõ ràng thì bạn còn cần khả năng chịu áp lực, thường xuyên đào sâu kiến thức nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho hành khách trên suốt chuyến đi.

Quan hệ công chúng

Đây được xem là một nghề “thời thượng” bởi sự yêu cầu cao đi cùng mức lương hấp dẫn. Nhiệm vụ của bạn là tìm cách giới thiệu, quảng bá thông tin về sản phẩm/ dịch vụ hoặc thành tựu doanh nghiệp thông qua các hội nghị, họp báo, sự kiện giao lưu trực tuyến. Do đó, kỹ năng giao tiếp không chỉ dừng lại ở mức độ xã giao mà còn phải “nâng cấp” để thuyết phục nhà đầu tư hoặc thuyết trình trước đám đông.

Livestreamer

Một công việc cực kì thu hút giới trẻ, và phù hợp với người yêu thích công nghệ, đó chính là livestreamer. Điều kiện bắt đầu đơn giản chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại với camera tốt, đường truyền ổn định. Tuy nhiên, nghề livestream là một thế giới “cạnh tranh” khốc liệt không kém bất kì ngành nghề nào. Do đó, bạn cần phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị như micro chất lượng, background độc đáo và có chiến lược đúng đắn theo từng lựa chọn riêng như ca hát, vũ đạo, game thủ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Thành ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN