7 dấu hiệu bạn nên “đập đi xây lại” công việc mơ ước
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 7 dấu hiệu giúp bạn tỉnh táo để biết khi nào cần “đập đi xây lại” mơ ước.
Hầu như ai cũng có một công việc bản thân luôn mơ ước và khát khao đi đến thành công. Tuy nhiên, không phải ước mơ nào cũng có khả năng trở thành hiện thực và cùng với thời gian, bạn sẽ nhận ra có những ước mơ thiếu thực tế, cần phải thay đổi. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 7 dấu hiệu giúp bạn tỉnh táo để biết khi nào cần “đập đi xây lại” mơ ước. Từ đó, giúp bạn tránh tiêu hao thời gian, công sức một cách vô ích và dễ thăng tiến trên con đường phù hợp hơn.
Năng lực “giậm chân tại chỗ”
Khởi đầu sự nghiệp, bạn có thể chấp nhận sự ì ạch, chậm tiến khi phải đối diện với nhiều khó khăn vượt quá khả năng của mình. Nhưng sau khoảng thời gian lao động miệt mài nhiều năm ròng rã, nếu bạn tự nhận thấy mình vẫn không có sự phát triển đáng kể về chuyên môn, thành tích bình thường, và thậm chí hoàn toàn “mờ mịt” về con đường tương lai, thì nên chuyển hướng mơ ước. Bởi nếu cố gắng “bám trụ” thì bạn sẽ còn đương đầu với nhiều thử thách ngày càng cam go, và khó có một kết quả tốt đẹp.
Không có sự thăng tiến
Thực ra vài năm làm cùng một vị trí là chuyện tương đối phổ biến, nhưng nếu bạn đã rất nỗ lực và khoảng thời gian cống hiến là trên 10 năm nhưng vẫn không có sự thăng tiến thì nên xem lại. Ví dụ bạn khởi đầu với vị trí nhân viên kế toán, nhưng lại chẳng thể thăng tiến đến cấp cao hơn như kế toán trưởng, hoặc giám đốc tài chính…, thì khả năng sự lựa chọn nghề kế toán thiếu khôn ngoan. Hoặc có thể, môi trường hiện tại không phù hợp với bạn, khi đó sự chuyển hướng mơ ước đơn giản là thay đổi môi trường, chuyển sang công ty khác.
Cảm xúc bị “chai sạn”
Có thể nói rằng một nghề nghiệp mơ ước là dạng công việc “vừa làm vừa chơi”. Tức là bạn luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, luôn có nhiều niềm vui trong công việc, chứ không phải “chơi” theo nghĩa bỏ bê, lơ là. Nhưng nếu trong khoảng thời gian dài, bạn không còn thấy hào hứng, thậm chí chán nản, áp lực khi nghĩ đến công việc thì nên cân nhắc tìm việc làm mới. Nhưng trước khi ra quyết định, bạn cần chút “đổi gió” như nghỉ phép, du lịch ngắn hạn để có suy nghĩ thấu đáo nhất.
Kế hoạch “ngẫu hứng” xuất hiện
Có câu “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, và thực tế có không ít trường hợp tình cờ đến với với một công việc nào đó nhưng lại trở thành đam mê và mong muốn gắn bó lâu dài. Đôi khi trong cuộc sống của bạn sẽ xuất hiện những yếu tố bất ngờ, những cơ hội mà bạn chưa bao giờ hình dung tới. Vấn đề là bạn đừng quá cứng nhắc mà hãy cởi mở, linh hoạt. Từ đó, khi cơ hội đến, bạn có thể nắm bắt và khám phá ra nhiều điều tuyệt vời, các thế mạnh nổi trội khác của bản thân, cũng như gặt hái nhiều thành công ngoài mong đợi.
Luôn cảm thấy sợ hãi
Tất nhiên ai cũng đều có ít nhiều sự lo lắng, đôi khi “mất ăn mất ngủ” với một số nhiệm vụ khó trong công việc. Nhưng nếu sự sợ hãi luôn thường trực và bạn không còn thấy chút kì vọng tốt đẹp nào với công việc hiện tại, thì nên chuyển sang một ước mơ khác. Bởi nếu bạn luôn làm việc trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng tột độ thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, và cũng khó lòng đi đường dài.
Nhận lời khuyên về sự từ bỏ
Đừng chỉ tự chất vấn và suy xét cảm tính về mọi thứ, bạn còn rất nhiều bạn bè, người thân bên cạnh. Họ sẽ sẵn sàng đưa cho bạn các lời khuyên, ý kiến chân thành về công việc. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các “tiền bối” nhiều thâm niên, hoặc những ai có liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của bạn nhằm có được những góp ý chân thành và xác đáng nhất.
“Tiếng gọi” của trái tim
Cuối cùng, bạn hãy lắng nghe một cách cẩn thận tiếng nói ở bên trong mình. Đôi khi, sự phân tích, đắn đo của lý trí khiến bạn càng thêm hoang mang và không biết phải quyết định thế nào. Ngoài ra, khó có ai hiểu rõ được hoàn cảnh, điểm mạnh – điểm yếu và mong muốn của bản thân mình hơn chính bạn. Vì vậy, nếu trái tim hay trực giác của bạn luôn gửi đến thông điệp rằng, bạn hãy mạnh dạn thay đổi hướng đi, tìm đến một công việc khác, thì nên cân nhắc việc thoát ra khỏi “vùng an toàn” để đến với ước mơ mới của bạn.