6 lỗi ngôn ngữ cơ thể nên tránh ở nơi làm việc
Ngôn ngữ cơ thể như là một “con dao hai lưỡi” trong giao tiếp. Bởi nếu bạn không biết cách biểu đạt sẽ cản trở sự cộng tác cùng đồng nghiệp và mất cả quan hệ tốt với khách hàng.
Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Nhân sự của CareerLink - một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm thì ngôn ngữ cơ thể cũng có khả năng và sức ảnh hưởng không thua kém lời nói. Do đó, nếu bạn có những thói quen xấu và không chịu sửa đổi sẽ cản trở khả năng giao tiếp, mở rộng quan hệ và cả cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 6 lỗi ngôn ngữ cơ thể nên tránh ở nơi làm việc giúp những cuộc trao đổi của bạn luôn diễn ra thân thiện, hiệu quả.
1. Khoanh tay trước ngực tạo tư thế phòng thủ
Nhiều người sẽ cảm thấy khó thoải mái khi “tay chân trống trơn” nên họ vô tình khoanh tay trước ngực như một thói quen. Tuy nhiên, đây là một dạng ngôn ngữ “phòng thủ” và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hội thoại bởi tư thế này khiến bạn trông có vẻ cách biệt và cố chấp.
Gợi ý là hãy làm những gì có thể để giữ cánh tay của bạn ở hai bên khi đứng hoặc đan hai tay tự nhiên vào nhau một cách thoải mái khi ngồi nói chuyện.
2. Không ngừng liếc nhìn đồng hồ, điện thoại
Ai cũng muốn nhận được sự tôn trọng thông qua biểu thị tập trung. Do đó, bạn nên hạn chế việc liếc nhìn đồng hồ hoặc điện thoại liên tục bởi điều này thể hiện rằng bạn đang thiếu sự quan tâm, chán nản hoặc không thoải mái. Vì vậy, hãy giữ sự giao tiếp mắt ở mức vừa phải để đối phương hiểu rằng bạn đang rất tập trung, tăng sự kết nối và xây dựng niềm tin. Nhưng cũng đừng nên nhìn chăm chăm khiến người đối diện bị “ngợp”, mất tự nhiên.
3. Giữ khoảng cách quá gần hoặc quá xa người cùng nói chuyện
Khoảng cách hợp lý khi hội thoại giúp tăng “thiện chí” gần gũi và trao đổi dễ dàng hơn. Do đó, nếu bạn giữ khoảng cách xa quá mức sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn thiếu tôn trọng, còn quá gần thì sẽ mất tự nhiên.
Tùy vào giới tính với người giao tiếp mà bạn có thể duy trì khoảng cách giao tiếp ở mức từ 1 -2,5 mét. Ngoài ra, cũng nên tránh dựa vào tường hay đồ nội thất khi nói chuyện bởi khi đó có nghĩa là bạn quá thoải mái và không thực hiện công việc một cách nghiêm túc.
4. Biểu lộ cử chỉ căng thẳng “tiêu cực” như vò đầu, bức tai
Khi rơi vào trạng thái suy nghĩ căng thẳng hay lo lắng, bạn sẽ vô tình biểu hiện các “phản xạ vô điều kiện” như vò đầu, bức tai, mắt đảo lia lịa. Động thái này là vô cùng bình thường nhằm “xoa dịu” tâm trí, nhưng nếu bạn làm những điều này trong sự chán nản đồng nghĩa với việc bạn đang giao tiếp với sự thiếu tự tin hoặc không đáng tin cậy trong một trình huống căng thẳng. Do đó, cố gắng giảm căng thẳng bằng cách hít một hơi thật sâu, nhớ lại những điều vui vẻ khiến bạn có tinh thần thoải mái hơn để giải quyết những khó khăn gặp phải.
5. Giữ khuôn mặt lạnh lùng thay vì một nụ cười
Gương mặt lạnh lùng không khác nào “bức màn băng” khiến cuộc hội thoại trở nên khô cứng, đầy xa cách. Trái lại, một nụ cười luôn là “liều doping” tinh thần hiệu quả. Bởi khi bạn chủ động mỉm cười sẽ đánh vỡ phần nào “tâm lý bảo vệ” của đối phương (nhất là người lạ) và giúp cuộc trao đổi trở nên thân tình hơn.
Nhưng nụ cười cũng có nhiều dạng như cười mỉm ý nhị, cười tươi xã giao, và cười đùa góp vui. Do đó, tùy vào tình hình để lựa chọn kiểu cười phù hợp, cũng như tiết chế vừa phải tránh cảm giác giả tạo.
6. Lắc lư cơ thể quá nhiều, hay tư thế đứng không vững vàng
Sự dao động cơ thể là cần thiết nhằm tạo sự tự nhiên cho cuộc hội thoại nhưng nếu bạn cứ “đứng ngồi không yên” như nghiêng trái nghiêng phải, chồm về trước về sau, nhịp chân liên hồi thì lại khiến đối phương ái ngại và hiểu rằng bạn đang căng thẳng. Ngoài ra, chứng “lưng cong” do cách ngồi sai cũng khiến bạn trở nên yếu thế trong giao tiếp. Hãy nhờ những người thân quan sát và góp ý chỉnh sửa, sau đó bạn cứ điều chỉnh dần dần. Thói quen xấu hoàn toàn có thể bỏ được nếu bạn hiểu vấn đề và tích cực “sửa sai”.
Cập nhật thông tin việc làm nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh