Vietnam’s Next Top Model: Nhà sản xuất “lạm quyền” hay thí sinh bất chấp?
Trải qua nhiều mùa giải, chưa bao giờ chương trình Vietnam’s Next Top Model lại gây bức xúc dư luận như năm nay.
Không chỉ các thí sinh cãi cọ, thậm chí dùng vũ lực gây tổn thương cho nhau, mà ngay cả các giám khảo cũng khiến khán giả “bỏng mắt, bỏng tai” bởi những màn đấu đá.
Thí sinh Vietnam’s Next Top Model trong tập 4. Ảnh: TL
Tạo kịch tính?
Năm nay, Vietnam’s Next Top Model có điểm khác biệt là hội tụ những thí sinh đã là người mẫu trưởng thành từ những mùa thi trước thay vì gương mặt mới chập chững vào nghề. Cũng bởi điều này nên khán giả không khỏi thất vọng khi chứng kiến các cô gái đấu “võ mồm”, rồi dùng cả vũ lực với nhau. Một người mẫu như vậy có xứng đáng không? Một chương trình mang đến cảm xúc tiêu cực như vậy có nên dừng?... Đó là những câu hỏi mà khán giả đang đặt ra với những gameshow dạng này.
Trong tập 4 chương trình vừa lên sóng, màn thí sinh cãi vã, hắt nước, ném đồ vào mặt nhau bị cho là hành động ứng xử thiếu văn hóa, không nên xuất hiện trên truyền hình. Đành rằng, format chung của truyền hình thực tế là tập trung vào xây dựng kịch tính, nhưng đó không phải là cái cớ bao biện cho lời nói, hành động thiếu văn hóa.
Xưa nay, giới “chân dài” luôn chịu áp lực về định kiến “chân dài, não ngắn”. Vì thế, rất nhiều Hoa hậu, người mẫu đã nỗ lực vượt qua mặc định ấy bằng năng lực của mình không chỉ trên sàn cawalk.
Tuy nhiên, với cách thức mà các người mẫu được coi là đã “trưởng thành” của Vietnam’s Next Top Model thể hiện ở mùa thi năm nay liệu có đi ngược với khát vọng này? Những cô gái trẻ đang ấp ủ ước mơ trở thành người mẫu có ngán ngẩm, chùn bước khi chứng kiến cảnh “chướng tai, gai mắt” qua màn ảnh nhỏ?
Bên cạnh lối ứng xử ồn ào, tai tiếng của dàn thí sinh, các giám khảo Vietnam’s Next Top Model cũng bị chỉ trích vì “nêu gương xấu”. Giám khảo Nam Trung được nhắc đến bằng sự “đanh đá”, hay xỉa xói thí sinh, đồng nghiệp nhiều hơn là trình độ chuyên môn.
Ngay từ tập 1 chương trình, chính Nam Trung đã công kích giám khảo Võ Hoàng Yến về chuyện cô bênh vực học trò, đồng thời yêu cầu cô ra khỏi phòng chụp hình. Đến tập 4, một lần nữa hai vị giám khảo này lại đối đầu nhau đến nỗi siêu mẫu Võ Hoàng Yến bức xúc rời bỏ buổi đánh giá khi đang nhận xét dở dang phần thể hiện của thí sinh Cao Thiên Trang.
Chia sẻ về ranh giới giữa sự kịch tính và thiếu kiểm soát đến mức thành lỗi trong văn hóa ứng xử, siêu mẫu Xuân Lan cho biết: “Có những chương trình khai thác rất tốt cá tính của thí sinh, giám khảo nhưng vẫn giữ được ý chính đó là: Kỹ năng nghề nghiệp, sự nỗ lực, học hỏi không ngừng và thể hiện qua những vòng thử thách cam go. Nhưng ngược lại, có những chương trình chỉ tập trung khai thác vào sự tranh cãi, đẩy cao nhu cầu quan trọng của một số thành viên để câu view mà quên mục tiêu chính của nghề nghiệp được đề cập theo suốt cuộc thi. Khán giả không thấy thí sinh, giám khảo học hỏi được gì, chỉ thấy hơn thua. Điều đó dần dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận định của khán giả với đặc thù riêng của mỗi ngành nghề”.
Nhà sản xuất “lạm quyền” hay thí sinh bất chấp?
Về lùm xùm mâu thuẫn giữa các thí sinh Vietnam’s Next Top Model, Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko - một người có tầm ảnh hưởng khá lớn trong giới thời trang nhận định, đó hoàn toàn không phải tính cách thật của các thí sinh mà có sự dàn dựng.
“Ở ngoài đời, các em dễ thương, lễ phép và chuyên nghiệp, trái ngược hẳn với những hình ảnh mà tôi thấy trên chương trình này. Hẳn là những điều ấy không hoàn toàn đến từ phía các em mà từ những người làm chương trình muốn tạo tình huống gây tranh cãi và bàn tán để câu view”, anh nói.
Truyền hình thực tế là cơ hội cho nhiều đối tượng đang ôm mộng thành “sao” thử sức, khẳng định bản thân. Trên thực tế, nhiều thí sinh đã trưởng thành vượt bậc khi bước ra khỏi những gameshow dạng này như: Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Mâu Thủy… Còn các người mẫu cùng thế hệ của họ đang tham gia vào mùa thi năm nay tuy được khoác thêm cái mác “người mẫu trưởng thành” mà nghịch lý ở chỗ khán giả chỉ đang thấy hình ảnh của họ “xuống dốc” và rõ ràng việc bất chấp tìm cơ hội cho mình mà thiếu sự kiểm soát chẳng khác nào “con dao hai lưỡi”.
Vài năm trở lại đây, các chương trình truyền hình thực tế liên tục “chiếm sóng” truyền hình. Tuy nhiên, khán giả dường như càng lúc càng “bội thực” chiêu trò, cảm xúc tiêu cực từ “chiến dịch rating”.
Câu chuyện dùng mảng miếng lệch chuẩn văn hóa để “cứu” nội dung tẻ nhạt chính là bằng chứng tố cáo tham vọng của nhà sản xuất một cách rõ ràng nhất. Và tất nhiên, trong câu chuyện ấy, các giám khảo, thí sinh cũng không thể là đối tượng “vô can”.
Chương trình Next Top Model 2017 đang nhận được nhiều chỉ trích từ phía công chúng lẫn nghệ sĩ.