Vì sao mẫu chuyển giới Việt bị từ chối?
Sự thiếu chuyên nghiệp trong mỗi cá nhân, cùng thái độ kỳ thị của số đông khiến người mẫu chuyển giới khó có cơ hội tỏa sáng.
Người đẹp chuyển giới luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bất cứ trong chương trình giải trí nào có sự góp mặt của chân dài chuyển giới đều gây sự chú ý đặc biệt vì tính hiếu kỳ tức thì của công chúng. Tuy nhiên, cuộc sống thật của đa số người mẫu chuyển giới khác nhiều so với những "chiêu trò" thường thấy trên báo đài, ti vi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Cuộc sống của người mẫu chuyển giới qua chuyên đề dài kỳ tuần này! |
Khi bài viết "Bí mật một ngày của người mẫu chuyển giới" lên trang, rất nhiều độc giả tỏ ra đồng cảm và chia sẻ với người mẫu chuyển giới 18 tuổi tên Vy. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến cảm thông, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, không đồng ý với cuộc sống của người chuyển giới, và cho rằng, đó là một dấu hiệu lệch lạc giới tính.
Nói vậy để thấy, dù cố gắng bám trụ với nghề và nuôi mơ ước được một lần sải bước trên sàn diễn lớn, nhưng có vẻ như, giấc mơ đó vẫn đang quá xa vời đối với người mẫu chuyển giới Việt trong thời điểm hiện tại vì nhiều nguyên do. Bài viết này sẽ tập trung đi sâu vào việc phân tích nguyên nhân vì sao người mẫu chuyển giới Việt chưa được một lần may mắn bước lên sàn diễn lớn.
Sự kỳ thị vẫn còn nặng nề
Câu chuyện về những người mẫu chuyển giới không còn xa lạ đối với số đông. Ở thế giới, người ta chứng kiến nhiều chân dài chuyển giới được công khai tham gia các cuộc thi sắc đẹp danh tiếng và cũng có người trở thành "vật báu" của làng mẫu thế giới nhờ sự cố gắng với nghề và vẻ đẹp lạ.
Tuy nhiên, đó có lẽ là giấc mơ dài đối với chân dài chuyển giới Việt. Bởi xét cho cùng, những nhân tố đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới tại nước ta vẫn bị nhận những ánh mắt "kỳ thị" của số đông. Câu chuyện nhập nhằng về giới tính từ lâu vẫn tạo ra những tranh cãi nảy lửa từ công chúng, dư luận và các nhà làm luật về hôn nhân. Trên thế giới hiện nay, mới chỉ 10 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng giới, 16 quốc gia cho phép những người cùng giới có thể "kết hợp dân sự" với nhau.
Con số nhỏ nhoi ấy đủ để hiểu được rằng, ngay cả trên thế giới, nơi các quốc gia phát triển nhất vẫn ít nhiều có tư tưởng "kỳ thị" người chuyển giới. Thì quả rất dễ hiểu khi ở Việt Nam, nơi có văn hóa Á Đông thiên hướng "khép kín", sự thông cảm, sẻ chia của xã hội, cộng đồng với người chuyển giới càng hiếm hoi hơn.
Dù xã hội ngày càng phát triển và hội nhập, tuy nhiên, rất ít người có khả năng chấp nhận một người nam mang giới tính nữ và ngược lại. Dù đó là sự đa dạng về giới tính đã được xác định trong y khoa, nhưng phần đông dành cho những người chuyển giới những ánh mắt khinh thị.
Một chân dài trong câu lạc bộ người mẫu chuyển giới đã từng chát chúa: "Đôi khi tôi thấy xã hội mình đang xếp người thuộc thế giới thứ 3 ngang hàng với người bán dâm. Họ nhìn hai lớp người chúng tôi bằng cùng một con mắt kỳ thị và khinh miệt".
Đó cũng chính là lý do, tại nước ta nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, nhiều người chuyển giới vẫn còn mãi "ở trong bóng tối", không dám công khai giới tính thật của mình.
Rất nhiều chân dài chuyển giới không dám công khai giới tính thật của mình vì sợ ánh mắt dò xét của người đời
Người mẫu trình diễn nghiệp dư
Ở Việt Nam, có lẽ số đông mới chỉ làm quen với danh từ "người mẫu chuyển giới". Bởi các chân dài "đặc biệt" này thường xuất hiện và trình diễn tại những phòng trà, quán bar nhỏ lẻ, rất ít người biết đến họ. Chuyện mẫu chuyển giới xuất hiện trong những show diễn thời trang ít nhiều có tiếng tăm trong nước chưa hề có tiền lệ. Cũng theo tâm sự của một "người đẹp" trong CLB chuyển giới, họ cho biết cũng từng ao ước được một lần sải bước trên sân khấu lớn một cách công khai, tuy nhiên, khi cố gắng liên lạc với ban tổ chức, họ đều nhận được những lời từ chối khéo.
Một phần nguyên do bởi đa số người tổ chức show chưa thực sự có đủ dũng cảm "lăng xê" cho những người đẹp "đặc biệt" này. Bởi thậm chí dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về người mẫu chuyển giới, với sự chưa cởi mở của xã hội, việc đưa chân dài này vào show diễn quy mô dường như là một động thái có phần mạo hiểm.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu tại các câu lạc bộ chuyển giới, hầu hết các chân dài đều chưa qua trường lớp đào tạo nào bài bản. Thông thường, các người mẫu tụ họp thành hai hoặc ba nhóm người, tạo thành câu lạc bộ và tự tìm show diễn mang tính chất "mua vui" là chính tại các quầy bar, club.
Cách đi đứng, trang điểm, thậm chí cả trang phục cho show diễn đều tự biên tự diễn. Thế nên, tính tổ chức, logic, kết nối trong chương trình còn quá nhiều hạn chế.
Điều kiện tuyển chọn thành viên cho các câu lạc bộ chuyển giới cũng không cao. Họ chưa có điều kiện đặt nặng vấn đề sắc vóc, hình thể, cân nặng hay chiều cao. Quan sát một vòng tại các câu lạc bộ chuyển giới, một số "người đẹp" cao dưới 1m60.
Về phần trình diễn, như đã nói ở trên, đa số người mẫu chuyển giới đều tự tìm các clip biểu diễn thời trang trên mạng và tự học cách đi catwalk. Thêm vào đó, cái "tôi" cá nhân của một số chân dài chuyển giới rất cao, một số luôn muốn mình phải nổi bật nhất trên sân khấu, bởi vậy, trên sàn catwalk, mỗi người trình diễn một kiểu, họ tự sáng tạo ra những chi tiết hoa lá cành, thêm "mắm, muối" vào cho màn biểu diễn sinh động. Vô hình trung, những chi tiết đó khiến màn biểu diễn thêm lôm côm, thiếu chuyên nghiệp.
Chính sự nghiệp dư đó khiến các chân dài chuyển giới khó có "đất sống" trong nghề mẫu chứ chưa nói là để bon chen vào làng mẫu Việt vốn xô bồ và cạnh tranh cao.
Đa số các show diễn của người mẫu chuyển giới đều hoạt động một cách thiếu tính chuyên nghiệp
Hy vọng mong manh của người mẫu chuyển giới
Dù khó khăn và còn nhiều kỳ thị, tuy nhiên, rất nhiều người đẹp chuyển giới mang trong mình khát khao và sự cố gắng bền bỉ. Bên cạnh nghề người mẫu, họ cố gắng tìm kiếm cho mình những cơ hội để tỏa sáng tại các cuộc thi.
Khoảng 2 năm trở lại đây, trong các chương trình thực tế đã xuất hiện bóng dáng của các chân dài chuyển giới. Trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2012, bộ tứ ban giám khảo đã từng quyết định để một thí sinh giả gái là Nguyễn Văn Hiếu lọt vào vòng bikini. Tuy nhiên, Hiếu không thể giành được tấm vé vào vòng phỏng vấn bởi hình thể thô và có phần nam tính "lộ diện" khi mặc áo tắm.
Trong vòng loại của cuộc thi Project runway khu vực miền Bắc vừa qua, một người mẫu chuyển giới là My My cũng gây chú ý bởi thể hình cao ráo, gương mặt nữ tính. Cô tham gia hoạt động với tư cách là người mẫu trình diễn thiết kế nhờ điều kiện có được bởi thí sinh dự thi Vũ Tiến Mạnh.
Vũ Tiến Mạnh sinh năm 1989 tại Hà Nội, sinh viên Cao đẳng Du lịch. Mạnh đang được bước tiếp vào vòng trong của cuộc thi thiết kế thời trang Project runway đang diễn ra rất sôi động. Anh được đánh giá cao về phong cách thời trang cũng như các thiết kế cá tính trong cuộc thi này. Được biết, Tiến Mạnh chưa từng học qua trường lớp về thời trang cũng như chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đi vào vòng trong. Tiến Mạnh (tên thường gọi là Trung Anh) đã thành lập một câu lạc bộ các người mẫu chuyển giới và bản thân anh cũng tham gia diễn như một người mẫu nữ.
Chỉ một vài trường hợp nhỏ lẻ thế thôi, nhưng rõ ràng, việc được xuất hiện và gây chú ý tại các chương trình quy mô phần nào tạo cơ hội tốt cho các "chân dài" chuyển giới phát huy tài năng và sống đúng với cá tính của mình.
Trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2012, bộ tứ ban giám khảo đã từng quyết định để một thí sinh giả gái là Nguyễn Văn Hiếu lọt vào vòng bikini
Mẫu chuyển giới My My trong vòng loại của cuộc thi Project runway khu vực miền Bắc
Trung Anh lọt sâu vào vòng trong của Project Runway với vai trò là nhà thiết kế