Venezuela: Dù cho chết đói vẫn phải thi hoa hậu?
Bây giờ Venezuela không chỉ nổi tiếng là cường quốc hoa hậu, dầu lửa, mà còn chiếm vị trí nổi bật trên các bản tin thế giới như đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, bạo lực, đói ăn,... tuy nhiên các cuộc thi hoa hậu vẫn diễn ra rầm rộ hàng năm và các đại diện nước này vẫn đoạt thành tích cao khi đi thi quốc tế. Có một điều nghịch lý gì ở đây chăng?
Niềm tự hào quốc gia
Dù các cuộc thi hoa hậu trên thế giới ngày càng trở nên lỗi thời và không còn thu hút được người xem, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên khi nhắc đến hoa hậu, quốc gia đầu tiên nhiều người biết đến là Venezuela dù rằng tên nước này quá dài và khó đọc. Và đối với người dân quốc gia Nam Mỹ này thì việc giành chiến thắng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế không chỉ là một niềm tự hào dân tộc, một nghĩa vụ công dân, mà quan trọng hơn nó còn là một thương hiệu quốc gia, một phần quan trọng thuộc về bản sắc văn hóa tại đây. Điều này đã được khuyến khích từ giữa những năm 1950 dưới thời của nhà độc tài Marcos Perez Jimenez, người đã khởi xướng rất nhiều chương trình cộng đồng dựa trên bản sắc Venezuela (Venezuela identity), nhất là sau khi Susana Duijm đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới 1955.
Thà chịu đói để được đẹp
Mặc kệ lạm phát cao kỷ lục cả ngàn phần trăm, thiếu thốn nhu yếu phẩm, kinh tế tê liệt, thất nghiệp tràn lan nhưng các cuộc thi hoa hậu luôn cuốn hút người dân nước này lao vào như những con thiêu thân bên ánh đèn. Tại Venezuela, hoa hậu không chỉ là cuộc thi để mua vui mà nó còn thắp nên khát vọng đổi đời cho các cô gái nghèo. Nhiều phụ huynh không tiếc tiền chi cho con cái theo học những trường đào tạo hoa hậu để mong chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn nếu may mắn đăng quang. Thậm chí, có những gia đình tiền để ăn còn không đủ nhưng vẫn bạo tay vay nặng lãi để gửi con vào trường dạy làm hoa hậu. Nếu như thu nhập của một gia đình khoảng 50 USD thì chỉ tính riêng học phí cùng đủ loại tiền trang phục, trang điểm cũng tốn ít nhất 25 USD. Không ít gia đình có hai, ba, hoặc nhiều hơn các cô con gái học tại lò luyện hoa hậu.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng không quá ảnh hưởng đến giới nhà giàu ở nước này, vì nguồn tiền của họ nằm ở nước ngoài (nhất là đến từ Florida, New York, hay Texas) và các cô hoa hậu đa phần là người gốc châu Âu da trắng thiểu số cũng nằm trong số này. Còn nếu xuất thân nghèo khó thì các cô có thể làm bạn gái của những tên tội phạm buôn ma túy hoặc vũ khí, các đại gia phạm pháp rửa tiền chẳng hạn, hoặc may mắn hơn thì sẽ được các nhà thiết kế, chuyên gia thẩm mỹ tài trợ với những hợp đồng ràng buộc về sau.
Đa số các cô gái đoạt giải cao tại cuộc thi Hoa hậu Venezuela, để tìm đại diện thi Hoa hậu Hoàn Vũ hay Hoa hậu Thế Giới thì sẽ mở ra một cánh cửa rộng lớn, nhiều cơ hội thăng tiến cho bản thân ở bất kỳ lĩnh vực nào trong nước. Tất nhiên đối với người giàu, phần thưởng là danh tiếng, còn đối với người nghèo là để đổi đời.
Phần lớn các cô sau khi hết thời gian đương nhiệm đều tìm kiếm một công việc và phát triển sự nghiệp ở một quốc gia khác, thoát ra khỏi sự khủng hoảng tồi tệ ở quê nhà. Cụ thể như tất cả các cựu Hoa hậu Hoàn Vũ có đến từ Venezuela như Maritza Sayalero (1979) đang sống tại Mexico, Stefanía Fernández (2009) thì ở Colombia; còn lại tất cả đều đến Mỹ định cư như Bárbara Palacios (1986), Alicia Machado (1996), Dayana Mendoza (2008), và Gabriela Isler (2013) còn có quốc tịch Thụy Sĩ. Các cô có thể dễ dàng phát triển sự nghiệp ở bất kỳ quốc gia hay các tiểu bang có đông người Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha. Và con đường duy nhất để trở nên nổi tiếng dễ dàng hơn chính là tham gia và chiến thắng tại các cuộc thi sắc đẹp.
Xem hoa hậu để quên đói nghèo
Giữa một đất nước bị bao trùm bởi một màn đen u tối thì những cuộc thi hoa hậu là cứu cánh để người dân ở quốc gia giàu dầu mỏ này phần nào quên đi cơn bĩ cực trong cuộc sống thời khủng hoảng. Các cuộc thi hoa hậu không chỉ mang đến danh tiếng và chỗ đứng trên trường quốc tế cho quốc gia Nam Mỹ này, họ còn xuất khẩu nhân lực cho ngành công nghiệp hoa hậu từ các nhà thiết kế thời trang tên tuổi, chuyên gia đào tạo hoa hậu, cho đến việc nhiều nước mượn thí sinh hoa hậu của Venezuela để mang về thành tích cao cho nước mình (ví dụ như Natascha Börger đại diện Đức năm 2002, Francys Sudnicka là hoa hậu Ba Lan năm 2006), Laura Gonçalves đại diện cho Bồ Đào Nha năm 2011...
Và giữa muôn vàn khó khăn thì các ngành như nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ tại Venezuela vẫn ăn nên làm ra. Tình trạng khan hiếm đồng USD giúp người nước ngoài tại đây có thể đổi ngoại tệ tại thị trường chợ đen với tỷ giá cao gấp 130 lần so với tỷ giá ngân hàng, qua đó thúc đẩy nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của khách hàng quốc tế tại đây. Mỗi tháng có hàng trăm khách hàng từ nước láng giềng Brazil vượt qua hơn 16 trạm kiểm soát quân sự tại biên giới để đến làm phẫu thuật thẩm mỹ tại Venezuela. Một gói dịch vụ bao gồm, nâng ngực, hút mỡ và bơm mông tại đây chỉ có giá bằng 1/3 so với tại Brazil. Phần lớn những khách hàng này là những chị em không đủ điều kiện tài chính để thực hiện phẫu thuật tại Brazil.
Hoa hậu Venezuela - Sthefany Gutierrez có ngoại hình và phong cách hao hao Kim Kardashian?