"Tẩy chay" Hồ Ngọc Hà: Đã đúng người, đúng "tội"?
Đây là lần đầu tiên nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự khi trên mạng xã hội đã thành lập nhóm tẩy chay các sản phẩm dùng hình ảnh cô làm đại diện.
Chuyện tẩy chay các sản phẩm có nghệ sĩ đại diện thương hiệu bị dính “scandal” có lẽ đã thành chuyện thường tình tại các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, ca sĩ Hồ Ngọc Hà đang là người đầu tiên đối đầu với thử thách không mấy dễ chịu này.
Trên mạng xã hội facebook, ngay sau scandal “nghi vấn Hồ Ngọc Hà là người thứ 3” trang cộng đồng “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà” được thành lập và hiện đã có 17.000 lượt “like” và hơn 15.000 thành viên.
Các thành viên của hội đã có những hành động khá bài bản khi họ gửi thư đến nhà sản xuất các nhãn hàng mà Hồ Ngọc Hà là người đại diện để yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, cổ vũ cho phong trào “hóa đơn không Hà”- không mua sắm các sản phẩm có liên quan đến nữ ca sĩ có lượng fan đông đảo nhất làng giải trí hiện nay.
Trong khi đó, những người hâm mộ nữ ca sĩ này cũng có các động thái để “bảo vệ thần tượng” nhưng rõ ràng là những phản ứng yếu ớt hơn. Đơn giản là vì fan của Hồ Ngọc Hà chủ yếu là các bạn trẻ tuổi teen, trong khi hội những người tẩy chay lại có nòng cốt là những phụ nữ nắm vai trò làm vợ, làm mẹ và quyết định việc chi tiêu trong gia đình.
Thực ra cho đến thời điểm này, chưa ai đưa ra một bằng chứng nào cụ thể hơn để chứng minh Hồ Ngọc Hà đích thực là “người thứ 3” trong việc phá vỡ hạnh phúc của gia đình một đại gia. Nữ ca sĩ cũng từng lên báo thanh minh rằng đó là quan hệ bạn bè bình thường.
Tuy nhiên, cơn phẫn nộ của hội những người tẩy chay Hồ Ngọc Hà thì chưa có dấu hiệu dừng lại và đang ngày càng loang rộng ra, đẩy nữ ca sĩ vào một cơn khủng hoảng truyền thông đúng nghĩa.
Nếu xét về văn hóa tiêu dùng, có thể thấy đây là một “bước tiến” mới của người tiêu dùng Việt Nam khi một nhóm những người quyết định tẩy chay mạnh một số sản phẩm vì scandal của người đại diện.
Điều này có tác động rất tích cực đến xã hội, bởi trong thời điểm rất nhiều các nhân vật của làng giải trí đang dựa vào scandal để nổi tiếng, càng có nhiều scandal càng đắt show thì việc người tiêu dùng bằng quyền “say no” (nói không) với các nhãn hàng có liên quan đã ra tay điều chỉnh nó. Đó là một công cụ mềm rất hữu dụng.
Thế nhưng để đỡ “án oan sai” trong việc tẩy chay nghệ sĩ, có lẽ công chúng cũng nên thật sự bình tâm, đừng bị cuốn theo phong trào “giết nhầm hơn bỏ sót” mà nên có những phân tích thấu đáo, tỉnh táo để tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát của một cuộc “đánh ghen tập thể”.
Từ trường hợp của Hồ Ngọc Hà, có thể thấy đây cũng là một kinh nghiệm quý cho tất cả các bên liên quan, nhà sản xuất, nghệ sĩ và công chúng. Nhà sản xuất đương nhiên sẽ phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn người đại diện nhãn hàng.
Nghệ sĩ thì buộc phải giữ gìn hình ảnh của mình nghiêm khắc hơn nếu không muốn bị tẩy chay và mất đi những hợp đồng lớn. Còn công chúng được gì? Cái lớn nhất họ được là ý thức rõ hơn về quyền lực tiêu dùng của mình.
Trong trường hợp tẩy chay “đúng người đúng tội” thì rõ ràng cả xã hội cùng được hưởng lợi, còn ngược lại, nghệ sĩ và nhà sản xuất rất thiệt thòi, đôi khi “chờ được vạ thì má đã sưng”.