Những bộ xương di động trên sàn catwalk

Đôi khi để có số đo "chuẩn", nhiều mẫu trẻ đã phải "ép cân" đến chết.

Hầu như bất kỳ cô gái trẻ nào cũng từng mơ ước được sở hữu một thân hình tuyệt mỹ, còn hơn thế nữa là khát khao được diện hàng trăm bộ quần áo đẹp, được khoe vẻ lộng lẫy của mình dưới ánh đèn sân khấu như những người mẫu chuyên nghiệp và quyến rũ nhất. Thế nên, nghề người mẫu là một trong những nghề thu hút nhiều khát khao cháy bỏng của bạn trẻ, mặc cho những scandal vẫn thường xuyên xuất hiện khắp các mặt báo, mặc cho có lúc phải “hy sinh” những giá trị khác trong cuộc sống để có cơ hội một lần sải chân trên sàn catwalk…

Nhưng cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác trong thế giới giải trí, nghề mẫu không là con đường phẳng lặng chỉ toàn trải hoa hồng. Để bước chân vững vàng trên con đường đầy phù hoa này, không ít mẫu trẻ đã phải đánh đổi bằng những vết thương rướm máu, có khi là cả nhan sắc, tương lai và cuộc sống của chính mình. “Người mẫu: Nghề không chỉ có hoa hồng” sẽ mở ra cho độc giả những khía cạnh đen tối khác đã tồn tại rất lâu trong làng người mẫu, phía sau ánh hào quang mê hoặc của những ngọn đèn catwalk.

Ngành công nghiệp thời trang khác với ngành công nghiệp giải trí ở chỗ, các mẫu nam mẫu nữ, nhất là ở những kinh đô thời trang lớn như Paris, New York, London hay Milan, xem việc duy trì vóc dáng chuẩn theo yêu cầu của nhà thiết kế là vấn đề “sống còn”. Ngày càng có nhiều mẫu trẻ tin rằng để nhanh chóng thành danh trên sàn catwalk, họ phải có một thân hình mỏng mảnh, thậm chí “siêu gầy”, và buồn thay, quan điểm này lại được nhiều nhà thiết kế ngấm ngầm ủng hộ.

Vì vậy mặc dù bị truyền thông và xã hội liên tục chỉ trích trong một thời gian dài, tại các tuần lễ thời trang danh giá thế giới, người ta vẫn thấy những “bộ xương di động” lả lướt như những “xác chết” vô hồn trên sàn catwalk. 

Trào lưu mẫu “siêu gầy” 
 
Mở màn cho trào lưu của những “xác ướp biết đi” có phần ảnh hưởng khá lớn của siêu mẫu Kate Moss, vốn một thời từng được xem là “chuẩn mực” của xu hướng thời trang “heroin chic” (đẹp kiểu con nghiện) với vẻ đẹp lờ đờ, vật vã, thiểu não và ốm nhách như con nghiện ma túy. Từ khi Kate Moss xuất hiện trong chương trình quảng cáo cho Calvin Klein thì lần đầu tiên, các tạp chí mốt mới đua nhau giới thiệu những người mẫu mình dây, ngực lép, mắt kẻ chì thâm quầng và trang điểm theo “gam màu” nhợt nhạt tái xanh.

Thậm chí cây bút thời trang Stephane Pilote ở Paris không ngại khẳng định: “Nếu trông không giống như đang bị “phê” ma túy, bạn không có cơ hội xuất hiện trên các tạp chí thời trang lớn. Người ta không còn thích người mẫu kiểu truyền thống như Claudia Schiffer”. Qua bao năm tháng, quan niệm này trong giới thời trang dường như không thay đổi mấy, minh chứng là sự xuất hiện của hàng loạt “bộ xương di động” trong các tuần lễ thời trang danh giá tại Milan, London, New York hay Paris...

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 1

Alana Zimmer và Chloe Memisevic, hai “bộ xương di động” trên sàn diễn gây sốc cho khán giả của Tuần lễ thời trang Milan trong 2  năm 2011 và 2010

Mặc dù từ năm 2006, chính quyền thành phố Milan (Ý) từng ban hành luật cấm dùng người mẫu có chỉ số hình thể (BMI) dưới 18,5 để tuyên truyền hình ảnh về một nền thời trang lành mạnh, khỏe khoắn, nhưng ngay trong Tuần lễ thời trang Milan được tổ chức vào năm 2011, người tham dự đã có dịp bị “sốc” khi hàng loạt “bộ xương di động” vẫn liên tục sải bước điềm nhiên trên sàn catwalk. Đại diện nổi bật nhất cho những mẫu “siêu gầy” có chỉ số BMI dưới 18,5 là chân dài Alana Zimmer với bộ ngực lép kẹp, đôi mắt thụt sâu vô hồn và thân hình mỏng dính. Sự xuất hiện của Zimmer đã trở thành tâm điểm tranh cãi tại sự kiện thời trang này và các chuyên gia y tế thì không ngừng lo ngại, đây có thể là khởi đầu cho sự trở lại của trào lưu dùng người mẫu siêu gầy trên sàn catwalk.

Tuy nhiên, quy định của thành phố Milan không chỉ bị phá rào trong Tuần lễ thời trang 2011, bởi trước đó, vào năm 2010, cũng tại tuần lễ thời trang đình đám này, người mẫu Chloe Memisevic đã gây sốc cho toàn bộ khách tham dự khi xuất hiện không khác gì một “xác ướp khô” trên sàn diễn. Được biết khi đó chỉ số BMI của Chloe chưa đạt đến con số 15, quá thấp và xa vời so với con số 18,5 vốn là số BMI chuẩn dành cho người khỏe mạnh, bình thường.

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 2

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 3

Người mẫu siêu gầy có chỉ số IBM dưới 15 được sử dụng phổ biến khắp các kinh đô thời trang lớn như Paris, London, New York …

Trào lưu dùng người mẫu “siêu gầy” không chỉ có ở Milan, bởi tại London những năm qua nhiều nhà tạo mẫu còn thường xuyên sử dụng các người mẫu có chỉ số hình thể từ 12 đến 14. Trong tuần lễ thời trang New York năm nay, người ta cũng đã chứng kiến hàng loạt chân dài ốm “tong teo” tự tin sải bước trong những thiết kế hàng hiệu và danh giá nhất. Lý giải cho việc nhà thiết kế “phớt lờ” những ý kiến chỉ trích của giới truyền thông, các chuyên gia y tế cũng như dư luận, Krystle Kelley, cựu người mẫu và hiện là Giám đốc công ty Người mẫu Desert – California, Mỹ cho biết, đối với các tạp chí, hình ảnh người mẫu nóng bỏng, gợi cảm xuất hiện trên trang bìa thường thu hút độc giả.

Trong khi đó,  lĩnh vực thiết kế thời trang lại hoàn toàn đối lập. Đồng tình với Krystle Kelley, stylist David Zyla khẳng định: “Các nhà thiết kế cần khoe trang phục của họ chứ không phải khoe người mẫu. Vì vậy, họ thường sử dụng các người mẫu siêu gầy và lưỡng tính để khán giả không chú ý vào vòng eo hay cặp mông đầy đặn của họ mà chỉ quan tâm đến trang phục. Thông thường, các bộ sưu tập được thiết kế cho người có size 0 đến size 2, tức chỉ có những người mẫu rất gầy và cao mới mặc vừa và mới giúp nhà thiết kế đạt được ý đồ của mình”.

Chính quan niệm và trào lưu chuộng mẫu “siêu gầy” này đã hành hạ biết bao mẫu trẻ vốn luôn khát khao chạm đến đỉnh cao quyền lực và danh giá trong làng thời trang thế giới. Vì vậy, để ép mình phải giảm cân, giảm cân và giảm cân liên tục, nhiều người mẫu đã phải áp dụng những chế độ ăn kiêng khốc liệt, đôi lúc cực đoan đến khó tin như uống thuốc nhuận trường, dùng ma túy, chất gây nghiện, thuốc chán ăn, nhịn ăn hàng tuần liền, móc miệng sau khi ăn để nôn hết các thức ăn vừa nuốt vào, chỉ dùng dầu giấm và nước chanh…, hay thậm chí ăn cả giấy vệ sinh, ăn bông gòn, xúc ruột hàng ngày để giảm được vài kg cân nặng.

Trong cuốn sách mới xuất bản “The Vogue Factor”, tác giả Kirstie Clements, Tổng Biên tập tại vị hơn 10 năm của tờ tạp chí Australia Vogue, thừa nhận bà từng tận mắt chứng kiến rất nhiều người mẫu trẻ ăn khăn giấy lụa hay nhịn đói liền 3 ngày để giữ thân hình mảnh dẻ, dù họ thừa biết rất nguy hiểm. Chưa kể có cô còn phải đi phẫu thuật giảm size ngực khi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt vẫn không giúp vòng 1 của họ nhỏ đi theo tỷ lệ thuận của cơ thể. Tiết lộ gây “sốc” nhất của bà chính là việc bà từng chứng kiến nhiều mẫu trẻ nhịn đói đến biếng ăn hoặc chết vì nhịn đói. Một sự thật dù rất rùng rợn nhưng lại phổ biến trong giới thời trang thế giới.

Những “ bộ xương khô” thiệt mạng vì giảm cân

Để ép cân theo chuẩn của nhà thiết kế, nhiều mẫu trẻ đã phải nhịn ăn hoặc hạn chế ăn rất ít trong thời gian dài. Tâm lý e sợ món ăn, áp lực giảm cân hết mức để đạt chuẩn “lòi xương càng nhiều càng tốt” là nguyên nhân chính dẫn đến chứng chán ăn, biếng ăn ở các người mẫu và có không ít mẫu trẻ đã phải trả giá cho ước mơ trở thành mẫu “siêu gầy” bằng chính sinh mạng của mình.

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 4

Siêu mẫu xinh đẹp Ana Carolina Reston trước và sau khi mắc căn bệnh biếng ăn, dẫn đến cái chết đột ngột khi mới vừa tròn 22 tuổi

Trong thời gian qua, làng thời trang thế giới đã phải đau đớn chứng kiến những cái chết oan uổng vì mong muốn trở thành “bộ xương khô” của nhiều mẫu trẻ đáng ra đã có thể hưởng một cuộc sống lành mạnh hơn, một sự nghiệp và tương lai xán lạn hơn. Điển hình cho trường hợp chết vì giảm cân chính là chân dài Brazil Ana Carolina Reston.

Khởi nghiệp người mẫu từ năm 13 tuổi, chân dài sinh năm 1984 nhanh chóng vướng vào căn bệnh biếng ăn và không còn được chọn làm mẫu độc quyền cho Armani nữa. Quay về Brazil chữa bệnh trong cú “sốc” quá lớn này, Ana đã qua đời không lâu sau đó khi mới vừa tròn 22 tuổi. Trước khi chết Ana không thể ăn uống gì trong một thời gian dài ngoài cà chua và táo, và khi mất, cô gái từng một thời rất xinh đẹp cao 1m72 này chỉ còn nặng 40 kg. Cân nặng của cô lúc bấy giờ là cân nặng phù hợp với bé gái 12 tuổi với chiều cao hơn 1m5. Một cái chết vì biếng ăn khác chính là siêu mẫu Israel Hila Elmalich bị đột quỵ và qua đời tại nhà do suy tim vào năm 2007, khi sự nghiệp vẫn đang gặt hái nhiều thành công. Lúc chết, Hila mới có 34 tuổi và nặng chưa tới 27 kg.

Trước cái chết gây rúng động làng thời trang Israel của Hila là cái chết của hai chị em người mẫu Uruguay: Luisel Ramos, 22 tuổi và Eliana Ramos, 18 tuổi. Luisel Ramos ngất và chết ngay trên sàn catwalk khi đang trình diễn trong Tuần lễ thời trang Montevideo do suy tim vì thiếu ăn. Ba tháng trước đó chân dài này chỉ ăn rau diếp và uống coca để giảm cân. Khi chết cô nặng 44 kg trong khi cao đến 1m75. Sáu tháng sau khi chị gái qua đời, người mẫu Eliana Ramos được phát hiện chết trong phòng ngủ do thiếu dinh dưỡng vì mắc chứng chán ăn ở tuổi 18.

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 5

Hai chị em mẫu Uruguay, nạn nhân của trào lưu dùng mẫu siêu gầy ra đi mãi mãi ở độ tuổi còn rất trẻ: Luisel Ramos mất năm 22 tuổi và Eliana Ramos mất năm 18 tuổi

Ngoài làng thời trang Brazil, Israel, hay Uruguay, làng thời trang Pháp cũng đã phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của người mẫu, diễn viên Isabelle Caro khi cô mới tròn 36 tuổi. Chiến thắng trong chương trình truyền hình Opportunity Zavaroni khi mới 11 tuổi, đến năm 13 tuổi Zavaroni đã mắc chứng bệnh chán ăn trong lúc đang trên đỉnh cao danh vọng của sự nổi tiếng. Chứng biếng ăn đã cướp mất tương lai của cô gái trẻ, có thời điểm Caro chỉ nặng có 25 kg. Không lâu sau khi được cả thế giới biết đến qua bộ ảnh nude với thân hình gầy trơ xương trong chiến dịch tuyên truyền chống chứng bệnh chán ăn do Bộ y tế Italy phát động, Caro cũng trút hơi thở cuối cùng vào năm 1999.

Mặc dù có đến 90% phái nữ mắc bệnh biếng ăn, nhưng cũng có trường hợp nam giới lại là nạn nhân của chứng bệnh này, điển hình là trường hợp của mẫu nam Jeremy Gillitzer. Từng thu hút biết bao ánh mắt ngưỡng mộ của phái nữ bởi vẻ ngoài điển trai với thân hình săn chắc và cơ bụng sáu múi, vì áp lực giảm cân cho phù hợp với yêu cầu của làng thời trang, Jeremy Gillitzer đã mắc phải căn bệnh biếng ăn và trải qua 25 năm tập luyện gian khó để đối chọi lại căn bệnh này. Tuy nhiên cuối cùng anh đã bỏ cuộc và qua đời năm 38 tuổi, với cân nặng chỉ ở khoảng 30 kg.

Hệ lụy từ trào lưu “những bộ xương di động” trên sàn catwalk

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 6

“Bộ xương khô” Ollie Roche, minh chứng cho những hệ lụy đáng buồn ảnh hưởng từ trào lưu sử dụng “bộ xương di động” trên sàn catwalk

Không chỉ gây ra hàng loạt cái chết tức tưởi cho người mẫu, trào lưu sử dụng “bộ xương di động” trên sàn catwalk còn ảnh hưởng đến giới trẻ - những người dễ bị ảnh hưởng bởi truyền thông giải trí và sẵn sàng ao ước, học tập để có được thân hình “cò hương” như thần tượng của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh biếng ăn phổ biến ở trẻ tuổi vị thành niên, trong số đó có không ít bạn trẻ đã gầy trơ xương và đánh mất nhiều cơ hội hay tương lai của mình vì mong muốn được sở hữu vẻ đẹp mỏng manh, “siêu gầy” như người mẫu.

Trường hợp của cậu thiếu niên 18 tuổi Ollie Roche ở Anh có thể được xem là điển hình từ việc ảnh hưởng của trào lưu mẫu gầy trơ xương đối với suy nghĩ và quan niệm về cái đẹp của thanh thiếu niên. Ấp ủ ước mơ trở thành người mẫu, Ollie cố gắng “gồng mình” giảm cân bằng chế độ ăn phản khoa học , chỉ với 1 lát bánh mì mỗi ngày. Kết quả đến năm 18 tuổi, cậu thanh niên Ollie hết sức gầy gò, chỉ số BMI có 12,5, nặng 38 kg. Cả nhà phải đưa Ollie vào bệnh viện cấp cứu vì tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Mặc dù đã bị chỉ trích liên tục, nhưng trào lưu này vẫn chưa có dấu hiện dừng lại, thậm chí đã bắt đầu lan sang làng thời trang Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu trước kia, người mẫu Việt thường có thân hình tròn trịa theo quan niệm cái đẹp Á Đông, thì nay, không khó để chiêm ngưỡng những chân dài được mệnh danh là “bộ xương di động” trên sàn catwalk Việt. Nhất là với việc tổ chức những cuộc thi tìm kiếm người mẫu theo phiên bản quốc tế, người ta lại càng có dịp ngắm nhiều thân hình “cò hương” hơn nữa. Đơn cử như những chân dài từng được xem là mẫu siêu gầy của thời trang Việt như Xuân Lan, Hoàng Thùy, Lê Thúy, Hoàng Oanh, Thùy Dương v.v…Ngay cả siêu mẫu Võ Hoàng Yến một thời có thân hình khá chuẩn cũng đã phải giảm cân để ngày càng ốm hơn, nhằm tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác với các hãng thời trang nước ngoài khi sự giao lưu về văn hóa và kinh tế đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Đến nay mặc dù Hoàng Yến có thể đã toại nguyện với thân hình và khuôn mặt “ốm chuẩn” của mình, nhưng không ít người hâm mộ lại tặc lưỡi tiếc nuối cho vóc dáng gợi cảm cũng như những đường nét quyến rũ chỉ còn trong quá khứ của siêu mẫu này…

Theo các chuyên gia y tế, việc ép cân khốc liệt của các người mẫu có thể dẫn đến những nguy hại không lường về sức khỏe và tính mạng, gây suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng, mất sức đề kháng, vận động khó khăn, ảnh hưởng độ minh mẫn của trí não … Cái chết khi mới 22 tuổi của siêu mẫu Trung Quốc Ai Wei Wei vào năm 2011 do chứng biếng ăn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng “mẫu siêu gầy” bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến làng thời trang Châu Á. Tuy nhiên, cho đến nay dường như chỉ có báo chí và dư luận là e sợ nguy cơ gầy đến chết ở các mẫu Châu Á và thế giới, còn người trong cuộc vẫn “nhắm mắt làm ngơ” vì dù sao, còn quan niệm mẫu siêu gầy các chân dài còn phải giảm cân khắc nghiệt để giữ được “cần câu cơm” cho mình nếu không muốn mau chóng bị tẩy chay trong cuộc đua khốc liệt trong giới thời trang.

Những bộ xương di động trên sàn catwalk - 7

Ngày càng có nhiều mẫu “siêu gầy” trên sàn catwalk Châu Á, trong đó có không ít mẫu Việt Nam

Lạm dụng ma túy hay ép cân đến mức thành “bộ xương khô” của các người mẫu chưa phải là toàn bộ mặt tối của làng thời trang. Bởi ngành nghề đòi hỏi ngoại hình hoàn hảo đến từng chi tiết này có thể gây ám ảnh khôn nguôi cho những chân dài xinh đẹp và quyến rũ nhất, dẫn đến bi kịch lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ “tiền mất tật mang” của nhiều siêu mẫu. Mời quý vị đón đọc nội dung này trong phần 3: Trượt dốc không phanh vì ám ảnh nhan sắc vào 7h sáng thứ 7 (31/5).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Miêng ([Tên nguồn])
Người mẫu: Nghề không chỉ có hoa hồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN