Người mẫu béo: Ngọc thô hay “trò đùa” của làng mốt?
Người mẫu béo vẫn phải ép cân, nhịn đói nhưng lại bị sa thải, chê bai thậm tệ.
Người mẫu béo vẫn phải nhịn đói
Ngoài những cô người mẫu “mình hạc xương mai”, mẫu béo hay quá khổ (plus size model) vẫn là một phần không thể thiếu của làng thời trang quốc tế. Nếu như những “chân dài” thông thường phải giữ mình ở size 0 hay size 2 (siêu gày) thì mẫu quá khổ được định nghĩa là những cô nàng từ size 14 trở lên (số đo 3 vòng từ 97 – 76 – 104 trở lên).
Người mẫu quá khổ được ăn uống "thả cửa" là hiểu lầm của rất nhiều người.
Nhiều người cho rằng đây là biểu hiện tích cực của làng mẫu khắc nghiệt vì đã chấp nhận một hình ảnh lành mạnh, tươi mới. Họ cũng nghĩ cuộc sống của người mẫu quá khổ được trải hoa hồng vì vẫn kiếm được nhiều tiền mà được ăn uống thả cửa, không phải luyện tập.
Có một sự thật “bất thành văn” mà không phải ai cũng biết: Những người mẫu quá khổ hiện nay được thuê chụp ảnh quảng cáo, diễn catwalk hầu hết có size 6, 8, 10 hoặc 12, nói cách khác, họ chỉ là những người có đường cong cơ thể chứ không thể gọi là mẫu béo. Chính những siêu mẫu nổi tiếng như Cindy Craword hay Christy Brinkley cũng từng có thời kỳ lên tới size 6.
Carre Otis, người từng 10 năm làm việc với vai trò là một người mẫu plus size khẳng định điều này trên tờ Vogue của Australia. Cô hé lộ rằng ngay cả khi mang danh mẫu béo, cô và những người đồng cảnh vẫn phải chịu áp lực của việc ép cân như người mẫu bình thường.
Carre Otis từng phải tìm cách nôn ra thức ăn, sử dụng thuốc giảm cân và nhịn đói. Vì giảm cân không phanh, cô gặp không ít vấn đề sức khỏe như mất ngủ, rụng tóc, thiếu nước trầm trọng. Carre Otis cho biết nhiều người mẫu béo thậm chí còn phải hút thuốc, dùng tới những chất gây nghiện bị cấm để đạt được mục đích của mình.
Cựu người mẫu plus size này cũng khẳng định rằng để giữ vững vị trí làm mẫu của mình, cô phải cắn răng im lặng sau khi bị Gerald Marie, ông trùm của hãng người mẫu Elite Paris cưỡng dâm.
Carre Otis từng bị cưỡng dâm nhưng vẫn phải im lặng để giữ vững vị trí trong làng mẫu.
Alex La Rosa, người mẫu từng lên bìa khá nhiều tạp chí nổi tiếng cũng ngậm ngùi cho rằng việc những cô gái vừa phải (cỡ 8 đến 12) được gọi là mẫu quá khổ khiến vị trí của những mẫu béo thực sự (size 14 trở lên) bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ “tuyệt chủng”.
Madeline Jones, tổng biên tập một tạp chí chuyên về người mẫu quá khổ cho hay: “Tôi là một người có size 22 và tôi thấy cực kỳ khó tìm quần áo trên mạng vì hầu hết người mẫu đều quá bé nhỏ.”
Trên thực tế, có tới 50% phụ nữ Mỹ có size 14, thế nhưng những người mẫu đại diện cho lớp phụ nữ này lại vẫn bị loại ra khỏi danh sách được tuyển chọn khi chụp ảnh quảng cáo sản phẩm.
Chính những "chân dài" cũng cảm thấy phật lòng vì bị gọi là mẫu béo. Robyn Lawley là một trường hợp điển hình. Robyn từng xuất hiện trong rất nhiều bộ ảnh quảng cáo và tạp chí thời trang danh tiếng, tuy nhiên, cô vẫn bị xếp vào hàng mẫu plus size dù chỉ là size 12.
Robyn thấy “bị xúc phạm và phát ốm” vì kiểu xếp hạng này. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Clique, người mẫu Australia khẳng định cơ thể của cô lành mạnh, có nhiều đường cong chứ không phải là quá khổ.
Cũng như những “chân dài” khác của làng mẫu, Robyn Lawley từng bị ám ảnh bởi cân nặng: “Tôi đã cố hết sức. Tôi cố gắng giảm calo, uống thuốc giảm cân và nhịn ăn tưởng chừng chết đói.”
Thậm chí, người mẫu béo còn “bi kịch” hơn mẫu thông thường vì vừa giảm cân, họ còn gặp áp lực không được giảm quá đáng để vẫn giữ được cái danh “plus size”. Crystal Renn, người mẫu béo đình đám của Mỹ từng bị “tẩy chay” vì giảm cân quá mức. Những người phụ nữ quá cân cho rằng Crystal đã phản bội lại chính hình ảnh đẹp mà cô dấy lên trong lòng người hâm mộ.
Người mẫu béo vừa chịu áp lực giảm cân, lại vừa sợ bị "tẩy chay" vì... không còn béo!
Mẫu béo: “Trò đùa” của làng thời trang?
Trong một bài phỏng vấn, Julien Macdonald, nhà thiết kế thời trang kiêm giám khảo chương trình Britain’s Next Top Model (BNTM) đã gây phẫn nộ khi coi người mẫu quá khổ là những “trò đùa” của làng thời trang. Ông khẳng định: “Người mẫu catwalk phải có size 6 hoặc 8.”
Julien Macdonald cũng tuyên bố: “Đây là một show nghiêm túc (Britain’s Next Top Model). Bạn không thể để một cô người mẫu plus size trở thành người thắng cuộc – Nó sẽ trở thành một trò đùa mất.”
Marquita Pring là một “nạn nhân” của định kiến này. Sau 8 năm làm việc cho hãng Ford Models, cô bị sa thải. Người quản lý của hãng đã quyết định không tiếp tục thuê bất cứ một người mẫu béo nào nữa mà chỉ tập trung vào những người mẫu thông thường, có size 0 đến 4.
“Tôi bất ngờ nhận được một email với dòng chữ: Bạn không còn là đại diện của Ford nữa. Sếp mới của hãng không còn muốn đầu tư cho sự nghiệp của người mẫu quá khổ!” Marquita còn là trường hợp may mắn vì sau đó, cô có thể ký lại hợp đồng với hãng mẫu IMG và vẫn được gửi đi casting tại các tuần lễ thời trang.
Marquita Pring bị hãng mẫu Ford Models sa thải.
Theo cô, vấn đề lớn nhất của người mẫu quá khổ là do họ vẫn bị xếp riêng khỏi làng “chân dài”. Nhiều người vẫn còn nghĩ rằng từ béo đồng nghĩa với không hấp dẫn.
Brendan Kew, một blogger có tiếng ở Australia thậm chí còn khá cực đoan khi cho rằng việc chấp nhận người mẫu béo là biểu hiện của sự xuống cấp trong tiêu chuẩn xã hội.
Brendan Kew cho rằng việc quảng bá cho những phụ nữ béo là tôn vinh sự phì nộn và xấu xí, “ru ngủ” những cô gái rằng béo cũng chẳng có vấn đề gì, mạng lại cho họ “sự tự tin giả tạo” rằng cơ thể mình chỉ có nhiều đường cong chứ không hề mất thẩm mỹ.
“Những người béo đều ốm, bệnh… Cholesterol, nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, tiêu chảy, ung thư… đều tăng cao đối với người béo” – Brendan Kew tuyên bố. Với ông, việc xã hội này chấp nhận và lăng xê các cô mẫu béo càng khiến phụ nữ lười biếng tập luyện hơn, trì trệ hơn.
Lập luận này tất nhiên không làm vừa lòng nhiều người. Robyn Lawley từng trả lời phỏng vấn về vấn đề tương tự trên tạp chí: “Mọi người nghĩ người mẫu béo không rèn luyện – trên thực tế, chúng tôi vẫn phải tập, không phải để thay đổi vóc dáng cơ thể, mà là để giữ gìn sức khỏe!”
Robyn Lawley nổi giận vì bị gọi là mẫu plus size.
Chấp nhận mẫu béo: Lợi đủ đường
Trước sự gay gắt của nhà thiết kế Julien Macdonald, Caryn Franklin, đồng sáng lập của một dự án cổ xúy cho việc đa dạng hóa người mẫu khẳng định: “Người mẫu có đường cong hoàn toàn có thể kiếm ra nhiều tiền, ai cũng biết điều đó, trừ Julien!”
Tháng 6/2009, Alexandra Shulman, tổng biên tập tạp chí Vogue Anh cũng viết thư cho các nhà thiết kế, yêu cầu họ tìm người mẫu có size đa dạng vì tạp chí của bà luôn phải chỉnh sửa ảnh để người mẫu trông có vẻ đầy đặn hơn. Việc này đã thúc đẩy họ tìm kiếm và thuê những người mẫu có đường cong, thay vì những cô chỉ có xương mà không có ngực.
Người mẫu quá khổ đánh vào thị hiếu của những người bình dân, có vóc dáng đẫy đà, chiếm phần trăm khá lớn trên thị trường kinh doanh trang phục. Khi thuê người mẫu béo, các hãng thời trang ứng dụng đã tiến thêm một bước, đến gần và thân thiện hơn với khách hàng của họ.
Tess Munster, một người mẫu plus size từng công khai rất nhiều bình luận của fan gửi cho cô trên trang cá nhân, trong đó, họ đều ca ngợi Tess là người “truyền cảm hứng”, đem lại niềm vui sống cho những người thừa cân.
Jennie Runk, người mẫu béo quảng cáo bikini cho H& M được cho là người truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái thừa cân.
Một nghiên cứu của trường đại học Durham cũng chỉ ra rằng việc “lăng xê’ hình ảnh người quá khổ trong ảnh thời trang, tạp chí và truyền hình cải thiện thái độ của mọi người đối với chế độ ăn uống. Nói cách khác, người mẫu béo góp công không nhỏ trong việc thay đổi tình trạng biếng ăn, ép cân kiểu “bóp miệng” thậm chí dẫn tới tử vong của nhiều cô gái trẻ.
Vấn đề còn lại của ngành thời trang là làm thế nào để đưa người mẫu thực sự béo vào làng catwalk và gạt đi định kiến không mấy hay ho của những ai đánh đồng béo với xấu xí và thiếu lành mạnh.