Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh

Hầu hết, các người mẫu chuyển giới phải kiếm thêm nghề tay trái khác mới mong có đủ tiền trang trải cuộc sống.

Người đẹp chuyển giới luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bất cứ trong chương trình giải trí nào có sự góp mặt của chân dài chuyển giới đều gây sự chú ý đặc biệt vì tính hiếu kỳ tức thì của công chúng. Tuy nhiên, cuộc sống thật của đa số người mẫu chuyển giới khác nhiều so với những "chiêu trò" thường thấy trên báo đài, ti vi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Cuộc sống của người mẫu chuyển giới qua chuyên đề dài kỳ tuần này!

Người chuyển giới (transexual) trong tiếng Anh dùng để chỉ những người có cảm nhận rằng mình có giới tính khác với giới tính bẩm sinh của mình, bất kể rằng người này có thực hiện quá trình chuyển đổi giới tính hay không. Trên thế giới, khái niệm về người chuyển giới đã không còn quá xa lạ.

Chuyện “cổ tích” của mẫu chuyển giới quốc tế

Từ giữa thế kỷ 20, ở các quốc gia Âu – Mỹ, nhiều người chuyển giới đã được biết đến thông qua cuộc cách mạng tình dục và giải phẫu chuyển đổi giới tính. Cho đến nay, rất nhiều người đẹp chuyển giới được công nhận trên thế giới, họ xuất hiện rất nhiều trong cách cuộc thi nhan sắc không chỉ dành riêng cho người chuyển giới. Thậm chí, một số người mẫu chuyển giới nổi tiếng và trở thành “hiện tượng” của làng mẫu quốc tế. Họ được cộng đồng ngưỡng mộ vì vẻ đẹp lạ và nét yểu điệu thục nữ.

Người mẫu Australia gốc Serbia Andrej Pejic, Người mẫu Brazil Lea T, Claudi Charriez, Florencia De La V, Sirapassorn Atthayakorn, Sri Lanka… là những người đẹp chuyển giới “nổi đình nổi đám” trong làng mẫu quốc tế và được rất nhiều “ông trùm” của ngành thời trang cưng chiều. Tại nhiều nước Âu – Mỹ, người chuyển giới có được đặc quyền tham gia những cuộc thi nhan sắc lớn, thậm chí trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 vừa qua, người đẹp chuyển giới đến từ Canada - Jenna Talackova lọt sâu vào top 12 của cuộc thi này.

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 1

Người mẫu Australia gốc Serbia - Andrej Pejic hiện tại đang là con cưng của nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng. Chân dài 9X này cũng từng được sải bước tại các tuần lễ thời trang danh tiếng ở 4 kinh đô London, Paris, Milan, New York

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 2

Người mẫu Brazil Lea T sinh năm 1981 với tên khai sinh Leandro Cerezo. Sau khi chuyển giới, Lea T trở thành một trong những người mẫu nổi tiếng nhất trong giới model chuyển giới. Hiện cô còn là "nàng thơ" của nhà mẫu Givenchy

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 3

Nhờ chuyển giới Claudi Charriez đã được nổi tiếng và trở thành một mẫu nữ quốc tế. Năm 2008, nhưng Claudi được vinh danh trong cuộc thi America’s Next Top Transsexual Model

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 4

Sirapassorn Atthayakorn, người Thái Lan, đăng quang Nữ hoàng Chuyển giới Quốc tế năm 2011

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 5

Jenna Talackova là thí sinh chuyển giới được chấp nhận tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012

Đó là những câu chuyện tưởng chừng như trong mơ của các người mẫu chuyển giới quốc tế. Trở về Việt Nam, đa số người mẫu chuyển giới trong nước vẫn đang chật vật để mưu sinh chứ chưa nói đến việc có được vinh dự tham gia vào các cuộc thi cũng như show diễn thời trang quy mô.

Đời sống của mẫu chuyển giới Việt

Khoan nói về việc mẫu chuyển giới Việt mưu sinh như thế nào. Trước hết, hãy cùng đi sâu tìm hiểu về đời sống và hình thức hoạt động của các câu lạc bộ chuyển giới tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại câu lạc bộ những người chuyển giới tại Hà Nội, phần đa người mẫu chuyển giới ở đây ở vào độ tuổi còn khá trẻ, phần lớn thuộc thế hệ 9X. Theo tiết lộ, thành viên nhiều tuổi nhất nơi đây mới chỉ sinh năm 1987 (25 tuổi). Do còn nhỏ tuổi và chưa có điều kiện kinh tế để thực hiện phẫu thuật chuyển giới, nên có đến 90% chân dài trong câu lạc bộ chuyển giới đều chưa có cơ hội chuyển đổi giới tính của mình. Họ là những người cảm nhận được giới tính của mình nhưng chưa thực hiện chuyển giới.

Qua tiếp xúc, cuộc trò chuyện cùng My My (người mẫu 17 tuổi từng tham gia trình diễn thiết kế tại vòng loại của chương trình Project Runway) và Vy (nickname: Tomy Koy - thành viên câu lạc bộ mẫu chuyển giới Hà Nội) đã đưa ra được cái nhìn rõ hơn về những khó khăn, trở ngại bên cạnh ước mơ, hoài bão và niềm đam mê nghề nghiệp của các chân dài "đặc biệt" này.

Bố mẹ My My chia tay đã lâu, ngay từ khi còn nhỏ cô đã không biết mặt bố. Chính sự thiếu thốn tình cảm của bố khiến My My trở nên yếu mềm và sớm phát hiện ra tính nữ dần chạy mãnh liệt hơn trong cơ thể mình. Dần dần, cô chọn cách thay đổi mình theo bản năng và sống thật với giới tính. My My tâm sự, cuộc sống chuyển giới thực sự rất khó khăn khi luôn nhận được ánh mắt dò xét của hàng xóm, bạn bè. Kể cả khi chưa ăn mặc giống nữ và bước vào nghiệp người mẫu, mẹ cô cũng đã khóc rất nhiều và ra sức khuyên bảo. Tuy nhiên, bản năng gốc trong My My khó có thể thay đổi, dần dần cô cũng thuyết phục được mẹ và bà chấp nhận đúng con người của mình. Hàng xóm cũng hiểu và bớt dị nghị với My.

Còn đồng nghiệp của My My là Vy thì hơn cô một tuổi. Vy tâm sự rằng bố mẹ cô vướng vòng lao lý từ khi còn nhỏ tuổi. Vy phát hiện trong mình mang tính nữ từ năm 8 tuổi. Khi facebook nở rộ, Vy tung hình giả gái của mình lên mạng xã hội và vô tình bị anh trai phát hiện ra. Thời gian đầu, anh trai Vy không đồng ý và từng nhốt Vy liên tục mỗi ngày nhằm ngăn cô tiếp xúc với môi trường bên ngoài - nơi anh cho rằng đó là đã không gian khiến em trai của mình sa ngã. Nhưng càng phản đối, Vy càng muốn sống thật với giới tính của mình từ hành xử đến diện mạo, bất chấp việc khi đến lớp, các bạn đều nhìn Vy như người "ngoài hành tinh".

Dù tỏ vẻ ngoài cứng rắn, nhưng Vy cho biết cô đã đau khổ rất nhiều. Đôi lần, cô còn có ý định tự tử vì chát chúa cho rằng: "Đôi khi tôi thấy xã hội mình đang xếp người thuộc thế giới thứ 3 ngang hàng với người bán dâm. Họ nhìn hai lớp người chúng tôi bằng cùng một con mắt kỳ thị và khinh miệt. Tôi băn khoăn tại sao họ không chấp nhận chúng tôi. Chúng tôi là con người, có đam mê, hoài bão. Chúng tôi không ăn bám xã hội và luôn biết tự làm lụng, kiếm sống bằng chính sức lao động của mình". Được biết, Vy tự lập từ năm mới lên 13 tuổi, từng làm nghề bán nước mía, phục vụ bàn để có tiền ăn học đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa.

Kể về mối duyên với nghiệp mẫu, Vy tâm sự: "Trong một lần tình cờ, tôi may mắn được gặp gỡ các bạn trong CLB Eva (CLB chuyển giới khá nổi tại Hà Nội) và được trình diễn cùng họ. Tôi nhận thấy khi trang điểm, ăn diện chải chuốt đầu tóc để lên sân khấu, tôi thấy mình khác hẳn, hoàn toàn trở thành tự tin với ngoại hình của một cô gái xinh xắn. Khi đó, tôi mong được sống với chính bản năng của mình nhiều hơn, được mặc váy, ăn diện như những cô gái thực sự." Đó là lý do Vy đến với nghiệp mẫu đã được 3 năm, dù tiền catse bèo bọt nhưng chân dài tuổi 18 này vẫn mỗi ngày gắng sức hơn để bám trụ với nghề.

Cũng như My My và Vy cùng phát hiện ra giới tính thật, cùng hoàn cảnh và dễ thông cảm, nhiều bạn trẻ đã tự liên kết với nhau hình thành nên các câu lạc bộ chuyển giới để “tìm đất” sống.

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 6

Mymy (17 tuổi, học lớp 11) hiện đang là người mẫu cho câu lạc bộ người mẫu Ruby

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 7

Trong vòng loại của chương trình Project Runway Việt Nam, cô xuất hiện với vai trò là người mẫu trình diễn

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 8 Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 9

2 hình ảnh khác biệt của Tomy Koy (tên thường gọi là Vy) cũng là một thành viên câu lạc bộ mẫu chuyển giới Hà Nội

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 10


Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 11

Trung Anh (với nichname A Kiu Kiu) được biết đến với vai trò quản lý của CLB chuyển giới Ruby

Công cuộc mưu sinh của mẫu chuyển giới

Cũng theo chia sẻ từ thành viên CLB chuyển giới, một số lựa chọn đi theo nghiệp mẫu vì muốn người ta biết đến mình, công nhận giới tính của mình chứ không coi nghề người mẫu như một nghề để kiếm cơm. Bởi catse cho mỗi show diễn mẫu thấp hơn người mẫu bình thường rất nhiều.

Nghề người mẫu đối với chân dài chuyển giới mà nói, chật vật vô cùng. Thông thường, với những người chuyển giới mới vào nghề, vài show diễn đầu xem như diễn thử, không có thù lao. Các show diễn sau họ nhận catse bèo bọt như “muối bỏ biển”. Mỗi show diễn của chân dài chuyển giới chỉ được trả thù lao từ 300 ngàn đến cao nhất là 500 ngàn, kể cả tiền son phấn, giày dép. 

Vy cho biết, thu nhập trong 1 tháng của hầu hết đồng nghiệp cô tại CLB chỉ tòm tèm khoảng từ 1 đến 2 triệu mà thôi. Bởi họa hoằn dăm bữa nửa tháng họ mới may mắn kiếm được một show diễn - mà hầu hết đó là những chương trình nhỏ lẻ, ít tên tuổi diễn ra tại các quầy bar hoặc những nơi dành riêng cho người chuyển giới và đồng tính. Đã nhiều lần, người quản lý câu lạc bộ người mẫu chuyển giới cố gắng liên lạc với các chương trình lớn để xin trình diễn, tuy nhiên, họ chỉ nhận được những lời khước từ khéo léo.

Mẫu chuyển giới Việt chật vật mưu sinh - 12

Show diễn chuyển giới thường diễn ra tại chương trình nhỏ lẻ, ít tên tuổi diễn ra tại các quầy bar

Hầu hết, các người mẫu chuyển giới phải kiếm thêm nghề tay trái khác mới mong có đủ tiền trang trải cuộc sống.

Kỳ 2: 1 ngày mưu sinh của người đẹp chuyển giới Việt được đăng tải vào thứ 5 ngày 11/4 tới đây!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hân Di ([Tên nguồn])
Cuộc sống của người mẫu chuyển giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN