Khi chân dài là “gà” độc quyền
Những công ty quản lý người mẫu ra đời trước sự phát triển mạnh mẽ của làng thời trang Việt. Khái niệm người mẫu độc quyền cũng được xuất phát từ đó.
Trong làng thời trang Việt Nam, không phải vô cớ mà một chân dài đột nhiên tỏa sáng thành sao. Sự nỗ lực và phấn đấu của mỗi cá nhân là điều không thể thiếu. Nhưng quan trọng hơn cả là đội ngũ tinh nhuệ, hậu thuẫn vững chãi. Chính những ekip chuyên nghiệp sẽ tìm mọi cơ hội, tạo đòn bẩy cho sự tiến nhanh và tiến xa của các cô gái trẻ. Thế lực “chống lưng” cho những cô gái chân dài trong làng mẫu tựa như tranh sáng tranh tối với những góc nhìn đa sắc diện. Cũng từ câu chuyện nhờ cậy vào sự hỗ trợ và giúp đỡ trong quá trình phát triển sự nghiệp, thị phi và tai tiếng cũng xuất hiện. Bởi không phải ai cũng cần mẫn trên cánh đồng nghệ thuật. Nhiều người không đủ kiên nhẫn đợi đến ngày hưởng trái ngọt. Chính những tham vọng cá nhân, mong muốn rút ngắn con đường đến đích thành công đã làm nảy sinh mọi ồn ào trong dư luận. Chuyên đề Chân dài và thế lực “chống lưng” sẽ khắc họa rõ nét hơn về công nghệ đẩy sao trong làng người mẫu Việt. Từ mô hình nhỏ gọn của một ekip tới các công ty quản lý đình đám, tất cả đều chứa đựng những tình tiết thú vị. |
Kỳ 2: Khi chân dài là “gà” độc quyền
Trên đà chuyên nghiệp hóa của thời trang Việt, nhiều công ty quản lý người mẫu đã ra đời. Hoạt động của các công ty nhằm tìm kiếm, đào tạo những nhân tố mới cho làng thời trang Việt. Việc này giúp các nhà tổ chức, đạo diễn chương trình không khó nhọc trong việc lựa chọn người mẫu cho các show diễn như trước đây.
Từ những bầu show, hay chủ nhiệm câu lạc bộ thời trang, cựu người mẫu… nhiều người phát triển công việc đào tạo người mẫu theo hướng chuyên nghiệp hơn bằng cách thành lập công ty. Từ sau những năm 2000, các công ty quản lý bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian 2003 đến 2007, công ty PL giữ vị trí độc tôn tại thị trường làng mẫu Việt. Năm 2007 làng thời trang xuất hiện công ty Venus với sự điều hành của “ông trùm chân dài” Vũ Khắc Tiệp. Cùng với những chiến lược táo bạo, Venus tạo được tiếng vang lớn trong showbiz Việt. Bên cạnh đó còn có các công ty như: Elite, New Talent, Be U…
Trước đây sự ra đời của các công ty tổ chức biểu diễn đã hình thành khái niệm “gà” trong thị trường ca nhạc. Và sự ra đời của các công ty quản lý người mẫu cũng mở mang cho những chiến lược “săn gà”. Dù rằng việc tìm kiếm người mẫu trẻ đã hình thành khá lâu.
Diệu Huyền có bước khởi sắc khi gia nhập gia đình Venus
Kim Dung vốn là "gà chiến" của công ty PL
Tiêu chí chọn “gà”
Mỗi công ty quản lý người mẫu có những đường lối và phương hướng riêng. Vì thế họ cũng có những tiêu chí riêng trong việc lựa chọn những gương mặt trẻ. Những yếu tố về dung mạo đẹp, hình thể đạt chuẩn là điều không thể thiếu. Công thức chung là nữ cao trên 1m70, nam cao trên 1m80, khuôn mặt sáng sân khấu, hình thể không dị tật và có khả năng catwalk.
Một số công ty thường chọn lọc các gương mặt ưu tú trong phong trào ca nhạc – thời trang của học sinh sinh viên. Từ đó họ có quá trình đào tạo và hướng dẫn các bạn trẻ đến với nghề mẫu chuyên nghiệp. Việc này thường mất nhiều thời gian, công sức vì đòi hỏi cả một quá trình bồi dưỡng và phát triển.
Việc “săn gà” tại các cuộc thi cũng khá phổ biến. Những gương mặt đạt giải cao trong các cuộc thi nhan sắc luôn nhận được những lời mời thú vị về công ty quản lý người mẫu. Dựa trên danh hiệu sẵn có, công ty sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của người mẫu, thành quả đến nhanh chóng hơn và mang lợi nhuận về cho cả đôi bên. Công ty quản lý có được “gà” nổi tiếng, còn người mẫu lại nhận được sự đầu tư để ngày một sáng giá.
Mạo hiểm hơn là cách chọn ngọc thô của nhiều chủ đơn vị. Từ việc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm nghề, họ có được cách nhìn người khá chính xác. Những cô gái chưa hề biết đến sân khấu, sàn diễn nhưng có sẵn tố chất về ngoại hình, khuôn mặt thu hút cũng sẽ được tuyển chọn.
Lan Khuê gương mặt nổi bật nhất Elite
Andrea cô nàng nóng bỏng và luôn gây xôn xao dư luận của Venus
Biến “gà” thành thiên nga
Đối với các công ty đào tạo người mẫu, diễn viên, các câu lạc bộ người mẫu… họ vẫn có giáo trình riêng với các khóa học về catwalk, ngôn ngữ hình thể, ứng xử trước truyền thông, xây dựng phong cách thời trang. Riêng các công ty quản lý người mẫu thường ít đầu tư về việc trang bị phòng ốc để thực hiện quá trình giảng dạy. Thay vào đó họ có những lịch tập huấn cùng các người mẫu thành danh. Từ đó khả năng catwalk và tạo dáng trước ống kính được nâng cao. Về phong cách thời trang và xây dựng hình ảnh lại có đội ngũ stylist riêng để hỗ trợ việc này.
Việc quan trọng nhất vẫn là “tút” lại “gà” vừa được tuyển lựa. Sự thật cho thấy, nhiều người đẹp trong đêm đăng quang hoa hậu cũng bị chê bai đủ đường. Sau một quá trình dài chăm chút cho sắc vóc họ mới thật sự tỏa sáng. Đơn cử như trường hợp của Mai Phương Thúy, Ngọc Hân, Trúc Diễm…Chính vì thế việc “tut” lại nhan sắc cho những cô gái trẻ mới bước chân vào nghề mẫu là điều không thể thiếu.
Nhiều người mẫu gần như “lột xác” hoàn toàn sau khi đầu quân cho các công ty quản lý người mẫu. Họ trở nên thu hút và ấn tượng hơn. Và để hóa thân thành những cô thiên nga xinh đẹp, các người mẫu tiềm năng tiếp tục được công ty đẩy mạnh việc thổi phồng tên tuổi. Họ với đến những giải thưởng cao hơn ngôi vị mình đã đặt được. Nhưng thành công chỉ đến với những con người có tài năng thực sự và chuyên tâm với nghề.
Hồng Quế có bước thụt lùi sau khi chia tay công ty New Talent
Huyền Trang chia tay công ty quản lý bởi lý do liên quan đến thu nhập
Cái lợi lớn nhất của người mẫu độc quyền là được công ty quản lý vạch ra đường hướng phát triển sự nghiệp. Họ có nhiều cơ hội được thể hiện khả năng của mình ở những sàn diễn lớn. Nguồn thu nhập ổn định và không chịu cảnh sống bấp bênh như nhiều người mẫu tự do. Trái lại họ phải tuân thủ những quy định khắt khe của công ty. Không được tự ý phá hỏng hình tượng và phong cách mà công ty dày công tạo dựng. Và không được hưởng trọn khoản tiền catxe trong mỗi show diễn.
Cũng bắt nguồn từ yếu tố thu nhập cá nhân mà nhiều chân dài độc quyền đã dứt áo ra đi. Mức lương thấp cùng việc trích giảm phần trăm catse quá chênh lệch khiến nhiều người mẫu chuyến hướng hoạt động tự do. Bên cạnh đó, một số nhân vật sau khi được công ty lăng-xê, trở thành ngôi sao đình đám vì quá tự tin về khả năng đã chia tay công ty. Nhiều trường hợp người mẫu sáng giá trở nên mất giá khi không còn là người mẫu độc quyền. Hồng Quế của New Tailent, Lan Hương, Minh Tú của Venus là những ví dụ điển hình.
Nhiều lời đồn thổi cho rằng Hoàng Thùy đang muốn rời bỏ công ty để hoạt động tự do
Kỳ 3: Chân dài vất vả thiếu người “chống lưng”