Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“

"Nhà thiết kế chọn người mẫu để thể hiện sản phẩm trí tuệ của họ nên họ có quyền lựa chọn theo yêu cầu cũng như quan điểm cá nhân. Phân biệt màu da là việc của họ, thể hiện bản thân, cá tính mới là chuyện của mình." - Kha Mỹ Vân nhận định.

Sau hơn 3 tháng làm việc tại Milan (Italia), Kha Mỹ Vân đã có 1 tuần về nước để nghỉ ngơi, thăm gia đình và thực hiện một số hợp đồng. Khi hoàn tất các thủ tục tại Việt Nam, chân dài "mắt hý" sẽ tiếp tục thử sức ở thị trường châu Á trước khi trở lại với những kinh đô thời trang lớn.

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 1

Với kinh nghiệm casting chuyên nghiệp và thể hiện tốt thế mạnh của bản thân, Kha Mỹ Vân đã có bước đầu khá thành công tại thị trường thời trang Milan

Trao đổi với phóng viên, chân dài sinh năm 1989 đã chia sẻ những điều khá thú vị về thời gian làm việc tại kinh đô thời trang Milan, Ý:

- Sau hơn 3 tháng làm việc, Vân tự thấy kinh nghiệm "chạy đua" với các người mẫu quốc tế đã được cải thiện thế nào so với ngày mới đặt chân sang Milan?

Ngoài việc tự tin hơn, rành đường hơn so với những ngày đầu thì cái "được" lớn nhất mà tôi thấy là kinh nghiệm thể hiện bản thân. Kỹ năng của tôi được cải thiện lên rất nhiều. Mỗi người mẫu chỉ có một phút để tỏa sáng, vì vậy nắm bắt cơ hội và thể hiện được hết cá tính của mình trước những nhà thiết kế khó tính có lẽ là điều mà tôi thu hoạch được nhiều nhất.

- Quá trình tuyển chọn người mẫu ở những show thời trang tầm cỡ quốc tế có khác biệt gì so với các show diễn trong nước?

Quá trình tuyển chọn cũng khá giống nhau, nhưng chất lượng lựa chọn lại hoàn toàn khác. Ở sàn diễn quốc tế, để có một show diễn trong tuần lễ thời trang bạn phải đấu tranh với hàng trăm người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ không chỉ cao, đẹp mà còn vô cùng cá tính, nổi bật. Nhìn họ thôi là bạn cũng đủ cảm thấy mình như sắp bị đánh bật trước khi bước vào phòng casting.

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 2

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 3

Kha Mỹ Vân ngày đầu trở lại Việt Nam sau hơn 3 tháng làm việc tại môi trường thời trang quốc tế

- Nhiều người cho rằng, Vân trúng được nhiều show diễn lớn ở Milan một phần do sự hậu thuẫn đắc lực từ phía công ty. Vậy công ty đã hỗ trợ Vân thế nào?

Ở thị trường thời trang quốc tế, công ty quản lý chỉ giúp kết nối người mẫu với khách hàng để họ tự đến casting theo lịch. Có nhiều show diễn cần đến 3, 4 vòng casting và nhiều giờ chờ đợi. Tôi không nghĩ là có một kịch bản nào dựng sẵn ở đó.

Hơn nữa, nếu "giúp đỡ" cho một người mẫu thiếu chuyên nghiệp và không thực sự xứng đáng, công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến danh tiếng và thiệt hại về nhiều mặt. Sân chơi quốc tế rất công bằng và kỹ tính. Nếu không "tỏa sáng" được đúng lúc, bạn sẽ ngay lập tức bị từ chối thẳng thừng cho dù có là một ngôi sao tiếng tăm hạng nhất.

- Những người mẫu trong nước khi ra nước ngoài thường gặp trở ngại lớn là rào cản ngôn ngữ. Vân thì sao?

Ngoại ngữ không phải là vấn đề quá lớn đối với tôi. Điều tôi e ngại là có quá nhiều đối thủ "đáng gờm" xung quanh.

- Bước chân vào làng thời trang thế giới ở tuổi 26, Vân không còn là một người mẫu trẻ. Đây có phải là vấn đề đáng ngại cho sự phát triển sự nghiệp của Vân?

Tôi nghĩ tiềm năng phát triển của người mẫu ở thị trường quốc tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi độ tuổi mà phụ thuộc vào tố chất người mẫu, khả năng nắm bắt ý tưởng của nhà thiết kế và cách "tỏa sáng", thể hiện cá tính đúng thời điểm.

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 4

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 5

Hình ảnh Kha Mỹ Vân trên phố Sài Gòn

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 6
Chân dài "mắt hý" sở hữu vóc dáng thanh mảnh, thon gọn đáng mơ ước

- Hiện nay, sự phân biệt chủng tộc có còn tồn tại ở sàn diễn quốc tế?

Mặc dù xã hội đã rất phát triển, tuy nhiên những định kiến về chuyện màu da vẫn chưa thể hoàn toàn chấm dứt. Tôi từng gặp một trường hợp nhà thiết kế đã không thèm nhìn đến porfolio (hồ sơ năng lực) của người mẫu khi biết rằng cô ta đến từ châu Á. 

- Lúc đó, Vân cảm thấy thế nào? 

Ban đầu, tôi cũng có chút khó chịu. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm một điều rằng nhà thiết kế chọn người mẫu để thể hiện sản phẩm trí tuệ của họ nên họ có quyền lựa chọn theo yêu cầu cũng như quan điểm cá nhân. Phân biệt màu da là việc của họ, thể hiện bản thân, cá tính mới là chuyện của mình.

Nếu không có những hành động miệt thị và thiếu tôn trọng thì tôi nghĩ mọi thứ đều có thể chấp nhận được. Tôi nghĩ các người mẫu nên tôn trọng suy nghĩ của các nhà thiết kế cũng như tôn trọng chính nghề nghiệp mà mình đã chọn.

- Tính đến thời điểm hiện tại, đâu là vấn đề khó khăn, áp lực nhất đối với Vân tại thị trường thời trang quốc tế?

Áp lực nhất đối với tôi là việc phải đa dạng hóa bản thân, thể hiện trong cả phong cách, suy nghĩ và tư duy với nghề mẫu. Đó cũng là một cách giúp người mẫu kịp thời cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất để nhanh chóng nắm bắt ý đồ của các nhà thiết kế khó tính.

Kha Vân: “Phân biệt màu da là quyền của nhà thiết kế“ - 7

Kha Mỹ Vân đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 3 tháng xa nhà (Ảnh: NVCC)

- Còn đâu là lợi thế lớn nhất của Vân?

Tôi nghĩ lợi thế lớn nhất của mình là đôi mắt hí một mí sắc lạnh và khuôn mặt đậm chất châu Á. Đây có lẽ là điểm lạ mắt và khác biệt nhất của tôi ở thị trường thời trang Milan. 

- Từ một môi trường quốc tế chuyên nghiệp trở về Việt Nam tiếp xúc với ngành công nghiệp thời trang còn non trẻ, có khi nào Vân có sự so sánh và cảm thấy hụt hẫng?

Lần này tôi về Việt Nam để xin gia hạn visa, đồng thời hoàn tất các thủ tục cho kế hoạch phát triển ở một thị trường thời trang mới là chủ yếu. Tôi chỉ có 1 tuần ở Việt Nam nên cũng không tham gia nhiều show diễn lắm. Tôi dành phần lớn thời gian để thư giãn, gặp gỡ gia đình sau 3 tháng đi xa. Đó cũng là một cách nạp năng lượng để tôi chuẩn bị chiến đấu trong những trận chiến dài sắp tới.

- Theo Vân, đâu là điều đâu tiên ngành công nghiệp thời trang non trẻ trong nước cần phải học hỏi ở những môi trường quốc tế chuyên nghiệp?

Tôi nghĩ điều đáng học hỏi nhất là sự nghiêm túc với nghề nghiệp. Ngoài ra, việc tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho người mẫu bằng các quá trình casting khắc nghiệt cũng là một phương pháp tốt giúp cho người mẫu không ngừng tiến bộ. Ở đâu có cạnh tranh và đào thải, ở đó chắc chắn có sự quyết tâm và không ngừng cầu tiến.

- Cảm ơn Vân về những chia sẻ rất thú vị.

Photo: Shin Vox

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Vietnam's Next Top Model Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN