Hoa hậu từ thiện và miệng đời

Những người ngồi nhà chửi bới chuyện người khác đi từ thiện, không biết đã bao nhiêu lần làm được điều đó?

Hoa hậu đăng quang xong không đi từ thiện thì kêu vô tâm, đi từ thiện thì kêu giả tạo, không son phấn thì kêu không tôn trọng người dân, tô son đánh phấn thì nói không phù hợp, không chụp ảnh lên báo thì kêu sao Hoa hậu mà không làm được gì cho đời, chụp ảnh thì chửi phô trương, lúc chưa có giải đi từ thiện không báo nào đăng nên không ai biết, lúc có giải được báo đăng thì comment chửi sao lúc vô danh không đi từ thiện, cười với người dân thì kêu kệch cỡm, khóc thì kêu xảo trá, không cười không khóc thì nói vô cảm. Chửi chán chê mê mỏi thì kết luận bằng câu: “Đúng là chỉ có ở Việt Nam!”

Đây là câu status tôi viết trên facebook sau khi đọc những bình luận dưới các bài báo viết về chuyến đi từ thiện của Hoa hậu Đặng Thu Thảo. Có lẽ điều này không chỉ đúng với trường hợp của Tân Hoa hậu, mà còn có thể “gắn” vô bất kỳ nghệ sĩ nào từng đi từ thiện. Là người ngoài cuộc, chỉ đọc comment thôi mà tôi đã cảm thấy… tức nghẹn, huống chi những người trực tiếp có mặt trong các chuyến đi ấy.

Hoa hậu từ thiện và miệng đời - 1

Hoa hậu Đặng Thu Thảo trong chuyến từ thiện khi vừa đăng quang

Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo vừa đăng quang tối 25/8, sáng ngày 27/8 hầu hết các báo mạng đưa tin rầm rộ về buổi đi từ thiện của cô cùng các người đẹp nằm trong top 10 vào buổi chiều hôm trước. Những tưởng chuyến thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng của Hoa hậu sẽ được hoan nghênh và ghi nhận, nhưng thực tế lại không phải vậy.

Trong số rất nhiều comment bên dưới chùm ảnh của các báo mạng, hoặc trên các diễn đàn, không ít người bình luận rất ác ý. Một số người cho rằng đây là hình thức đánh bóng tên tuổi của người đẹp, của ban tổ chức hơn là những hành động xuất phát từ tâm. Khoan bàn đến việc hoạt động từ thiện này xuất phát từ cái gì, tôi chỉ muốn hỏi một câu đơn giản: “Bạn không phải là họ, sao bạn biết những gì người ta làm không từ trái tim?”. Thay vì nhìn mọi thứ ở góc độ tiêu cực, sao bạn không nhìn nó ở khía cạnh tích cực hơn?

Là con người, ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, ngay cả những cô gái được coi là hoàn mỹ nhất trong một cuộc thi nhan sắc, họ cũng chỉ ở độ tuổi 18, đôi mươi và sẽ còn rất nhiều thiếu sót trong cuộc đời. Chuyến từ thiện đầu tiên (được báo chí quan tâm) đối với một Hoa hậu vừa đăng quang có lẽ sẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất kể từ khi họ chính thức trở thành người của công chúng. Bạn có bao giờ nghĩ, nếu họ đọc được những gì bạn viết thì tâm lý của họ thế nào hay không…?

Hoa hậu từ thiện và miệng đời - 2

Tân Hoa hâụ Đặng Thu Thảo

Chúng ta tổ chức một cuộc thi Hoa hậu, cốt yếu cũng để tìm ra được người có sức ảnh hưởng đến xã hội trong phạm vi nhất định, để hướng cộng đồng đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Những hoạt động từ thiện của một Hoa hậu quốc gia đôi khi không còn mang tính chất cá nhân, mà đại diện cho cả một tập thể, cho cả đất nước. Một tấm ảnh hoặc thậm chí cả một chùm ảnh đăng tải trên báo không bao giờ ghi nhận hết được công sức của họ. Bạn chỉ nên hằn học, chửi bới khi chính bạn đã tham gia chuyến đi đó và “mắt thấy, tai nghe” những gì diễn ra xung quanh. Còn nếu bạn chỉ ngồi nhà và xem được một vài tấm ảnh, sau đó chửi bới thì thực sự bạn mới là người đáng bị lên án chứ không phải Hoa hậu.

Thú thực, tôi chưa tự đứng ra tổ chức một chuyến đi từ thiện nào, nhưng tôi may mắn từng tham gia một vài chuyến đồng hành cùng các nghệ sĩ mà mình quen biết. Dù trong số những chuyến đi đó, không phải lúc nào cũng là tiền của nghệ sĩ, nhưng thực sự tôi thấy khâm phục họ ở nhiều phương diện, nhất là về mặt thời gian. Hầu như chúng ta ai cũng bận rộn với công việc riêng, đi làm xong chỉ muốn chạy ngay về nhà hoặc tụ tập bạn bè, chứ ít ai hào hứng với việc phải tập trung bàn bạc kế hoạch từ thiện. Chưa kể, nếu bạn là “chủ xị” của một hoạt động nào đó, chính bạn sẽ phải đứng ra vận động mọi người cùng đóng góp.

Thực sự, để làm từ thiện không dễ. Nếu bạn muốn “đánh bóng” bản thân mà thực sự không có tâm thì sẽ không thể nào làm được việc gì ra hồn, dù đó là việc bạn đi “cho”. Người ta nói, “cho” phải đúng cách là vì vậy. Mạng là ảo, nhưng đau lòng là thật. Một bình luận của bạn có thể sẽ làm ai đó buồn cả ngày. Bạn cũng biết buồn, biết xót xa cho những hoàn cảnh đáng thương, hẳn bạn cũng là người có trái tim vĩ đại. Vậy thì hãy nhìn những gì người khác làm bằng trái tim vĩ đại đó, hơn là để trái tim bị “méo mó” vì những suy nghĩ tiêu cực…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hàn Quốc Việt (Vnnew)
Hoa hậu Việt Nam 2012 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN