Hài hước xem tín đồ thế giới "chém gió" về thời trang

Có tín đồ lầm tưởng Betsy Ross, người may lá cờ Mỹ đầu tiên là một nhà thiết kế.

Tuần lễ thời trang Milan diễn ra vào tháng 9 vừa qua là nơi quy tụ của vô vàn nhà thiết kế, stylist, người mẫu và các tín đồ thời trang (fashionista) từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây để tận hưởng “đại tiệc màu sắc và ánh sáng” nhưng cũng không ít người tới để thể hiện bản thân với những trang phục cá tính, bắt mắt.

Hài hước xem tín đồ thế giới "chém gió" về thời trang - 1

Tuần lễ thời trang là nơi thể hiện bản thân của những tín đồ sành điệu.

Tuy nhiên, có một thực tế mà không phải ai cũng biết về những “yêu nữ”, “yêu nam” hàng hiệu này. Đó là rất nhiều trong số họ chỉ biết ăn diện, chải chuốt để lên ảnh chứ hoàn toàn không hiểu gì về thời trang – niềm đam mê dẫn lối họ tới các sự kiện tương tự.

Vừa qua, một video clip phỏng vấn các tín đồ, “cây bút” chuyên viết về thời trang đã được tung lên mạng và nhận được không ít phản hồi phần ngao ngán, phần hài hước.

Trong những đoạn phỏng vấn chớp nhoáng này, các tín đồ thời trang sành điệu được hỏi các câu có liên quan tới kiến thức thời trang, trong đó, có “cài cắm” những câu hỏi “xoáy” về những thứ hoàn toàn không thuộc về thời trang. Điều đáng ngạc nhiên là dù chẳng biết gì, các tín đồ thời trang tự phong này vẫn hồn nhiên bình luận về chúng.

Khi được hỏi rằng liệu có chịu đội chiếc mũ Qaboos bin Said hay không, hầu hết các “yêu nữ hàng hiệu” đều khẳng định là có. Một cô gái còn “mạnh miệng” mô tả rằng chiếc mũ đó khá to, nếu đội ở quê nhà có thể người ta sẽ cho cô vào trại thương điên nhưng ở kinh đô Milan thì mọi thứ đều được.

Trên thực tế, Qaboos bin Said chẳng phải một loại mũ thời trang ấn tượng nào cả mà là… tên của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ.

Hài hước xem tín đồ thế giới "chém gió" về thời trang - 2

2 tín đồ thời trang Ý khẳng định họ biết về chiếc mũ mang tên Qaboos bin Said trong khi trên thực tế đây là tên của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ.

Hài hước xem tín đồ thế giới "chém gió" về thời trang - 3

Một fashionista "chém gió" về thiết kế của Keiichiro Kimura trong khi ông này là họa sĩ vẽ truyện tranh.

Rất nhiều nam thanh, nữ tú ăn mặc sành điệu sẵn sàng bốc phét đến tận mây xanh về những thứ họ mới nghe lần đầu. Chẳng hạn như khi được hỏi là đã xem thiết kế của Keiichi Kimura (một họa sĩ vẽ truyện tranh Nhật Bản) hay chưa, các fashionista đều khen ngợi “thiết kế” trang phục của ông "rất thú vị, dễ mặc"!

Phóng viên cũng đặt câu hỏi về các “show trình diễn thời trang” của Tom Fazio, một kiến trúc sư xây dựng sân golf, Jim Carrol, một nhà thơ Mỹ và Domenico Lupattelli, một nhà yêu nước người Ý.

Không ai nghĩ ra rằng đây chỉ là những cái tên được bày ra để thử mà đều tung hô “thiết kế” của họ bằng những mỹ từ như: “Tôi thích kết cấu trang phục của ông”, “Đúng là một nhà thiết kế vĩ đại” thậm chí còn dám khẳng định đã từng tận mắt chiêm ngưỡng trang phục do họ thiết kế khi đi dự show.

Sốc hơn cả là khi được hỏi về Andrea Incontri, một nhà thiết kế thời trang thực thụ và là giám đốc sáng tạo của hãng Tod’s, hai tín đồ thời trang đều lắc đầu, bĩu môi tỏ ra không biết và khẳng định chưa nghe thấy tên ông này bao giờ.

Xem phóng sự ngắn cho thấy sự hiểu biết kém cỏi của các fashionista tại tuần lễ thời trang Milan

Đây không phải lần đầu những người tự nhận là am hiểu về thời trang tỏ ra kém hiểu biết về chính thứ mà mình đam mê. Trước đó, trong tuần lễ thời trang New York diễn ra vào đầu năm nay, một nhóm phóng viên thuộc chương trình truyền hình thực tế Jimmy Kimmel cũng đã tung ra một video clip tương tự.

Những người thực hiện phóng sự dạo quanh khu trung tâm Lincoln ở New York và đặt câu hỏi về những thứ không tồn tại hoặc không liên quan tới thời trang như Chandler Bing - một nhân vật hư cấu trong phim truyền hình Friends, Bartle and Yaymes - một hãng nước ngọt, Teddy Ruxpin – một chú gấu bông…

Một lần nữa, các fashionista lại “nổ” tung trời về những thứ họ hoàn toàn chưa hề nhìn thấy, thậm chí không có khái niệm. Những ngôn từ hoa mỹ như: “Thanh lịch, sành điệu, kỳ diệu…” được tuôn ra không chút ngập ngừng.

Nực cười hơn cả là một phóng viên thời trang ở Mexico, người từng đưa tin về các tuần lễ thời trang ở Paris, Milan, New York… cũng nhầm lẫn khi tưởng Betsy Ross, người may lá cờ đầu tiên của nước Mỹ với tên một nhà thiết kế.

Thậm chí, khi bị hỏi “lỡm” là có thấy những trang phục của Betsy Ross có quá nhiều kẻ sọc không (ám chỉ những cái sọc trên cờ Mỹ), fashionista hồn nhiên cho biết: “Với tôi không bao giờ là đủ!”

Hài hước xem tín đồ thế giới "chém gió" về thời trang - 4

Phóng viên thời trang này bốc phét "tung trời" về thiết kế với "các đường thẳng, góc cạnh" của Betsy Ross trong khi bà không phải nhà thiết kế mà là người đầu tiên may quốc kỳ Mỹ.

Video clip "vạch trần" sự hiểu biết về thời trang ở New York

Những “yêu nữ”, “yêu nam” hàng hiệu cũng sẵn sàng mặc một chiếc váy che kín mặt kỳ cục và khẳng định không ngại bỏ 3 ngàn đô la ra mua nó để thể hiện bản thân.

Hai video clip hài hước này đã dấy lên khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng những người đam mê thời trang. Nhiều người cho rằng chúng nói lên một thực trạng đáng buồn và đáng cười trong làng thời trang thế giới.

Đó là ngày càng có nhiều người bị “ảo tưởng” về gu thời trang của bản thân, “hữu danh vô thực”. Họ chỉ thích khoe khoang những thứ mình có được trên mạng, hay trên đường phố mà thực sự chẳng đóng góp được gì cho làng mốt. Nhiều người cực đoan còn dùng những từ ngữ hết sức gay gắt để chỉ trích như: ngu ngốc, nực cười…

Trên thực tế, để có thể nhận danh xưng fashionista, một người cần có kiến thức sâu rộng về thời trang. Cao hơn nữa, họ phải có những đóng góp tích cực cho làng thời trang như vạch ra xu hướng mới, thiết kế trang phục ấn tượng, lạ mắt, sáng tạo ra các cách thức làm đẹp mới, viết blog thời trang cung cấp kiến thức cho mọi người... thay vì chỉ ăn diện và chụp ảnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đánh giá một cách thiển cận về những người hoạt động trong giới thời trang chỉ qua những phóng sự nhanh như chớp này. Phe ủng hộ thậm chỉ còn tỏ ra thông cảm và cho rằng việc bịa chuyện về những thứ mình không biết cũng chỉ là cách giữ thanh danh cho các tín đồ thời trang.

Dù đứng về phe ủng hộ hay phản đối thì vẫn có một sự thật mà ai cũng phải công nhận: Làng mốt đang ngày càng “ảo” do sức công phá quá lớn của mạng xã hội và cần hết sức cẩn trọng khi tin vào bất cứ lời khuyên nào của các “fashionista từ trên trời rơi xuống”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Vũ (Theo Vision) ([Tên nguồn])
Các vụ bê bối trong thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN