Góc khuất khốc liệt làng mẫu Trung Quốc
Những góc khuất trong làng mẫu sôi động, đầy màu sắc nhưng cũng đầy cam go, khốc liệt ở Trung Quốc.
Mặc dù khái niệm người mẫu đã xuất hiện ở Trung Quốc gần 3 thập niên, thế nhưng ở đất nước này, những "ma nơ canh" biết đi vẫn chưa thực sự được chú ý. Phải đến cuối năm 2008, khi xuất hiện thông tin một nữ người mẫu ở Lệ Giang đột tử, lúc này công chúng và truyền thông mới thực sự chú ý đến ngành nghề tuy cắm gốc rễ khá lâu nhưng chưa thực sự được xã hội để mắt. Loạt bài viết trong chuyên đề Góc khuất khốc liệt làng mẫu Trung Quốc dưới đây sẽ phần nào mở ra một góc nhìn mới vào làng người mẫu Trung Quốc với nguồn nhân lực hùng hậu nhất hành tinh. |
Làng mẫu gây chú ý bằng những scandal
30 năm trước, khi một người Pháp đưa 6 nữ người mẫu đến một nhà hàng ở Bắc Kinh, đánh dấu bước đầu có sự xuất hiện của giới người mẫu ở Trung Quốc. Ngày nay, số lượng người mẫu Trung Quốc đã vượt quá con số 1 triệu người. Họ, những con người cống hiến tuổi thanh xuân và chịu quy luật đào thải khốc liệt, xuất hiện những cụm từ "quy tắc ngầm" không còn xa lạ gì đối với dư luận và truyền thông.
Làng mẫu sôi động với số lượng người mẫu lên đến con số hàng triệu ở Trung Quốc. Ảnh: ChinaNews.
Hàng loạt những vụ scandal xảy ra trong giới người mẫu khiến xã hội không còn thể làm ngơ với thế giới người mẫu, đó là một vụ nữ người mẫu người Thanh Đảo chết một cách bí hiểm ở Lệ Giang như đề cập ở trên. Hay vụ scandal ảnh nóng khỏa thân của một người mẫu nam nổi tiếng, anh từng là á quân một cuộc thi người mẫu danh tiếng của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc bị tung tràn lan trên mạng, hoặc một vụ thành viên một nhóm nhạc người mẫu nam gây gổ đánh người dẫn đến bị trấn thương nghiêm trọng và hủy hoại nhan sắc...
Đó chỉ là những bề nổi của một tảng băng chìm về những scandal trong giới người mẫu đầy chông gai và lắm cạm bẫy ở Trung Quốc. Từ đây người ta bắt đầu tìm hiểu một cách sâu sắc về thế giới người mẫu rộng lớn ở đất nước tỷ dân, để rồi nhận thấy những góc tối về nghề người mẫu khiến xã hội không khỏi rùng mình.
Thứ hạng các cuộc thi được sắp đặt trước, muốn có giải phải chi tiền!
Đối với những nam thanh nữ tú muốn trở thành một người mẫu, họ buộc chỉ có duy nhất hai con đường để tiến thân vào làng mẫu: Thứ nhất là tham gia một lớp đào tạo người mẫu của một vài công ty đào tạo người mẫu có tiếng. Thứ hai là cách mà nhiều người chọn nhất, đó là tham gia vào những cuộc thi tìm kiếm người mẫu đang nở rộ ở Trung Quốc hiện nay.
Không ít cuộc thi người mẫu ở Trung Quốc bị thao túng bởi tiền.
Những cô nàng, anh chàng chân dài này đăng quang liệu có phải bằng sức mạnh đồng tiền? (Ảnh mang tính minh họa).
Giá cả trong thị trường làng mẫu cũng được định hình từ những cuộc thi trên, những gương mặt xuất sắc, những quán quân từ các cuộc thi người mẫu chuyên nghiệp sẽ có một tương lai sáng lạn hơn, cầm chắc sự nghiệp trên sàn catwalk lâu dài và bền bỉ hơn.
Thông thường người ta vẫn chỉ quen nhận định, người đoạt giải từ các cuộc thi mẫu mới chỉ là bước đầu tiên giúp người mẫu kiếm kế sinh nhai với nghề, về sau như thế nào còn phụ thuộc vào sự nghiệp của người mẫu đó tiến triển ra làm sao. Thế nhưng trong thực tế lại không phải như vậy, chính những gương mặt quán quân mới là cái giúp thay đổi cuộc sống sinh nhai của các người mẫu.
Những cuộc thi người mẫu đang ngày một xuất hiện ồ ạt như nấm mọc sau mưa ở Trung Quốc, dẫn theo là hàng trăm những chiêu trò, góc khuất, scandal cũng như những luật định ngầm, quy định bất thành văn. Báo chí nước này từng bóc mẽ vụ một nữ thí sinh người mẫu vướng phải quy định ngầm trong giới, đó là toàn bộ người mẫu phải ký "hợp đồng nội bộ" hay dùng tiền để mua danh hiệu quán quân... Do đó việc ra giá tại các cuộc thi trở thành một hiện tượng quá phổ biến ngày nay.
Đơn cử cuộc thi người mẫu cấp khu vực do một đài truyền hình đứng ra tổ chức năm 2009, những người mẫu muốn lọt vào cuộc thi phải bỏ số tiền gọi là "phí đào tạo" mà nhà đài này đề xuất là 1000 NDT (khoảng 3,4 triệu đồng). Đặc biệt, hiện tượng công khai bảng giá cho những thí sinh muốn lọt vào Top 10 cuộc thi không phải chuyện hiếm.
Ngoài ra còn vô số các cuộc thi người mẫu "ao làng" nhưng mang những cái tên rất "oách" là cuộc thi người mẫu quốc tế, người mẫu toàn cầu... Những cuộc thi này, vị trí nhất, nhì, ba đều đã được sắp đặt trước dựa theo giá tiền giữa thí sinh và ban tổ chức trao đổi với nhau trước khi diễn ra đêm chung kết.
Cuộc thi tìm kiếm người mẫu New Silk Road được coi là có uy tín và danh giá của làng mẫu Trung Quốc.
Theo tiết lộ của anh Vương, biên đạo phục trang top 10 người đẹp tại cuộc thi người mẫu toàn quốc năm 2004 cho biết, tất cả những hoạt động ngầm đều do phía đơn vị tổ chức hoặc nhà tài trợ các cuộc thi người mẫu có quy mô lớn định đoạt. Việc tuyển chọn người mẫu thông thường đều do các công ty người mẫu đứng ra chịu trách nhiệm.
Hoạt động này không hề liên quan đến bất kỳ hình thức bầu chọn từ số phiếu của công chúng, thay vào đó sẽ có người định đoạt người mẫu đó được hay không, có đạt yêu cầu hay chưa. Người này càng không phải người quản lý của công ty người mẫu, cũng không phải ban giám khảo, mà chính là khách hàng.
Những người quản lý hay đại diện của công ty người mẫu là những người am hiểu về nhu cầu của khách hàng nhất. Do đó trong suốt quá trình bình chọn, công ty quản lý người mẫu sẽ ngấm ngầm tạo ra những thành tích ngoạn mục cho thí sinh của họ.
Nói cụ thể là, bất kỳ cuộc thi người mẫu nào cũng đều là một hệ thống hoạt động ngầm tự tung tự tác của các công ty quản lý người mẫu hoặc tổ chức, họ dùng thủ đoạn dựa vào đội ngũ tuyên truyền, quảng bá, truyền thông của công ty nhằm đưa tên tuổi người mẫu của mình lên. Đây được coi là một hành vi thương mại của các công ty người mẫu.
Quyết định thắng thua của các thí sinh người mẫu không phụ thuộc vào số đông.
Trong khi quyền quyết định thắng thua tại các cuộc thi người mẫu sẽ do đơn vị tổ chức quyết, họ không phải là một tổ chức công ích của xã hội, cũng không lấy ý kiến hay lá phiếu từ công chúng. Theo giải thích của anh Vương, nguyên nhân của những luật bất thành văn trên rất đơn giản, việc các công ty người mẫu tuyển người mẫu với mục đích bao thầu người của chính mình, hy vọng mang lại lợi nhuận và tiền bạc càng nhiều về cho công ty của mình.
Những cú lừa từ các cuộc thi người mẫu trá hình
Có thể kể đến bằng chứng về một công ty tư nhân ở Singapore từng tổ chức một cuộc thi người mẫu tự xưng mang đẳng cấp quốc tế, cho dù chưa bao giờ tổ chức ở Âu - Mỹ, Nhật Bản... Hơn nữa, vì thiếu tài trợ nên thường phải cách 2 - 3 năm mới tổ chức một lần. Mặc dù vậy, cuộc thi này vẫn được kỳ vọng nhiều ở Trung Quốc. Trong số đó có các công ty người mẫu ở Trung Quốc.
Năm đầu tiên tổ chức, gặp trường hợp một vài nơi chỉ định không được phép thí sinh tham gia cuộc thi này. Vì vậy năm thứ hai, ban tổ chức đã phải kêu gọi đội ngũ thí sinh là các sinh viên đại học từ các nước và không được đào tạo gì về chuyên môn, tham gia cho đủ số lượng người, trong số này có một cô trở thành quán quân chung kết toàn cầu.
Một người mẫu nam từng bị tước danh hiệu quán quân vì phát hiện bị ban tổ chức cho ăn... "bánh vẽ".
Nào ngờ công ty vốn được khẳng định là sẽ khiến thí sinh có tiền đồ sáng lạn đã bị bóc mẽ là một tổ chức không hề có thị trường hay danh tiếng gì trên thế giới cũng như trong khu vực. Bên cạnh đó, danh hiệu quán quân "số một thế giới" bước ra từ cuộc thi trên cũng chỉ là một cái danh hão. Đặc biệt, một công ty "lỡ dại" tài trợ cho cuộc thi trên cũng đã tự an ủi bằng cách chuyên tâm kinh doanh và kiên quyết không bao giờ tham gia bất kỳ sự kiện nào như cuộc thi trên nữa.
Hay như một cuộc thi người mẫu diễn ra năm 2008 tại Phúc Kiến, do một xưởng rượu đứng ra tài trợ tổ chức. Giải nhất hạng mục người mẫu nam sau đó đã bị tước, thay vào đó là một người mẫu nam mới toe của địa phương này đứng ra nhận giải.
Trước đó, nam người mẫu đã phải bỏ ra hơn 40.000 NDT (hơn 1 tỷ VND) tiền "phí cửa" cho ban tổ chức. Bởi theo lời người của ban tổ chức từng đảm bảo với người mẫu nọ rằng, giải thưởng của họ còn uy tín hơn cả giải thưởng thời trang Lycra của MTV. Kết quả là sau khi nhận giải nhất, nam người mẫu mới phát hiện tên tuổi của anh không hề được đề cập trên bất kỳ bài báo nào.
Quá hối hận nên người mẫu này đã đòi lại số tiền từng nộp cho ban tổ chức. Tiền không những không đòi lại được, nam người mẫu còn bị người của ban tổ chức làm mặt lạnh coi như không quen biết.
Có không ít những chiêu trò, lừa lọc từ những cuộc thi người mẫu "ao làng".
Sự việc này được truyền thông Trung Quốc sau khi điều tra và rút ra kết luận, đây chính là một vòng tuần hoàn ác tính, bởi các doanh nghiệp ngày càng không mấy mặn mà với việc làm nhà tài trợ cho các cuộc thi người mẫu. Điều này khiến cho những cá nhân từng mong phát tài nhờ tài trợ thêm thất vọng.
Thậm chí, một số công ty tổ chức cuộc thi người mẫu đã tìm đến các doanh nghiệp để xin tài trợ nhưng đều không được như mong đợi. Cách cuối cùng của họ là chính là thu tiền phí báo danh từ các thí sinh tham gia dự thi. Từ khâu ghi danh cho đến vòng sơ tuyển, vòng thi loại, vòng bán kết cho đến chung kết, đều do thí sinh phải bỏ tiền ra khi vào từng vòng. Mỗi vòng tương ứng với vài trăm tệ, cộng gộp lại cũng phải lên đến con số hàng chục ngàn tệ.
Kỳ 2: Người mẫu Trung Quốc bị ví như món hàng đăng tải vào ngày mai (4/10)