Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu

Các phiên bản Next Top đang mất dần sức hút bởi quá thiên về tính giải trí.

America Next Top Model (ANTM) – chương trình gốc của hơn 50 show truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu trên khắp thế giới, hiện đang phải đối mặt với vấn đề suy giảm tỷ suất người theo dõi.

Sau gần 22 mùa thi, kéo dài 12 năm, đây là một điều được giới chuyên môn cho là tất yếu, bởi loạt chương trình này dần đi vào lối mòn chạy theo những kịch tính, sự giả tạo, scandal mà coi nhẹ vấn đề chuyên môn. Đi theo lối mòn của chương trình gốc, hầu như các phiên bản khác của ANTM cũng đều trở thành những chương trình mang nặng tính giải trí dưới mác tìm kiếm, đào tạo người mẫu “hàng đầu”.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 1

Chương trình America Next Top Model (ANTM)

Bản chất thực sự của một show truyền hình thực tế

Vào năm 2003, ANTM ra đời và trở thành hiện tượng trên sóng truyền hình nước Mỹ bởi vào thời điểm ấy, thế giới của các chân dài vẫn là một ẩn số đối với công chúng. Thông qua chương trình, người ta sẽ được chứng kiến phần nào cuộc sống và công việc của các người mẫu.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, người phụ nữ thông minh Tyra Bank đã vô cùng khôn ngoan khi định hướng chương trình của mình sẽ có hương vị chính là tính giải trí. Tất nhiên trong đó, một chút chuyên môn sẽ là thứ gia vị không nồng đượm nhất nhưng vẫn cần phải có để giúp món ăn của cô hấp dẫn với các thực khách.

Giới truyền thông nước ngoài từng nhận định một người am tường về thời trang sẽ không chịu nổi chương trình này quá vài tập bởi họ sẽ dễ nhận thấy những điểm phi lý và cường điệu thái quá nơi màn ảnh.

Trên thực tế, chuyện các người mẫu đấu đá nơi hậu trường hay cạnh tranh “bẩn” là hoàn toàn có thật song nó không hề dữ dội như trong chương trình của Tyra Banks. Nữ người mẫu da màu bị cho là đã tạo ra một bức tranh khá méo mó về giới người mẫu, với toàn những thị phi, toan tính, đố kỵ. Tuy nhiên, các chi tiết đó lại là điểm đặc biệt hấp dẫn đối với những người xem thuần túy.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 2

Tyra Bank từng bị mỉa mai là "chúa làm màu"

Nếu theo dõi một số mùa của show truyền hình thực tế này, người xem dễ thấy mô tuýp chọn người quen thuộc của Tyra Banks, đó là những cô gái hay chàng trai có cá tính kỳ quặc thích gây sự, dễ nổi nóng, có hoàn cảnh gia đình đáng thương, có quá khứ phức tạp và nhiều nhất là những người sở hữu thân hình khác xa với chuẩn người mẫu thường thấy.

Không nói đâu xa, trong mùa mới nhất của chương trình, Tyra Bank đã chiêu mộ không ít các thí sinh chẳng hề có tiềm năng làm người mẫu chuyên nghiệp, chẳng hạn như thí sinh nữ Ava Capra cao 1m63, thí sinh nam Bello Sanchez cao 1m75 hay anh chàng Devin LJ Clark “xấu nhưng không lạ” với phong cách dị hợm…. Hầu như tập nào cũng có chuyện gây lộn, cãi cọ, bất hòa làm điểm nhấn. Ngoài ra chuyện yêu đương của các thí sinh cũng bị phơi bày trên màn ảnh nhỏ.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 3

Concept chụp hình kỳ cục của ANTM

Các cựu thí sinh của chương trình như Angela Preston hay quán quân mùa 7 CariDee English cũng từng lên tiếng tố Tyra Bank cố khai thác hình ảnh xấu xí của các thí sinh để câu khách. Angela Preston cho biết chương trình lợi dụng câu chuyện đời đau thương của cô nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.

ANTM xoáy sâu vào loạt chi tiết đời tư đầy bi bịch của Angela như sinh ra trong khu ổ chuột, ít học, con gái chết sau khi sinh 3 tuần. Cô lên án chương trình không hướng dẫn chuyên môn cho thí sinh mà chỉ cố biến họ thành trò hề bằng cách khai thác các mặt tối trong cuộc sống.

Rời khỏi chương trình, Angelea bị kỳ thị vì hình ảnh mà cô bị chương trình xây dựng quá xấu xí và cô chấp nhận làm gái gọi vì không thể kiếm nổi việc. Từng tham gia tới 2 mùa Next Top và lọt sâu vào các top cuối, song Angela Preston vẫn không phải là người mẫu, lại càng chắc chắn không phải người mẫu hàng đầu như trong tên gọi của chương trình.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 4

Angelea Preston và Tyra Bank

Kết quả là những người mẫu bước chân khỏi cuộc thi mang tiêu chí “scandal đẩy lên, chuyên môn tụt xuống” không thể tìm nổi một chỗ đứng tàm tạm trong giới người mẫu chuyên nghiệp vốn lắm cạnh tranh và khắc nghiệt. Thậm chí cái mác người mẫu “Next Top” còn trở thành trở ngại với họ khi tìm kiếm cơ hội, theo như lời tự sự của một chân dài từng tham gia cuộc thi là Fatima Siad.

Trong một bài phỏng vấn, Fantima cho biết một năm đầu tiên sau khi được xướng tên trong top 3 của chương trình, cô gần như không nhận được hợp đồng nào vì các thương hiệu không muốn tên tuổi liên quan tới những chương trình truyền hình thực tế lắm chiêu nhiều trò.

Tờ New York Times từng có nhận định rất chính xác về bản chất của chương trình tìm kiếm người mẫu. Kẻ chiến thắng trong chương trình không bao giờ là một cô Nik, Kim, Nicole hay Lisa nào đó mà chính là Tyra Banks. Những lý giải dễ nhận thấy mà New York Times đưa ra đó là thí sinh trong cuộc thi thường quá “già” để phát triển sự nghiệp trong ngành công nghiệp nhiều gương mặt trẻ tài năng, quá “mập” để thành danh trong thế giới của các chân dài khẳng khiu, không đủ đẹp để cạnh tranh với các nhan sắc xuất sắc trong giới…

Và sau hơn 12 năm, bằng việc khuếch đại và khoa trương về mặt trái của giới chân dài, Tyra Bank đã đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng. Cô đặt được chân vào giới có tầm ảnh hưởng truyền thông mạnh mẽ nhất tại Mỹ.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 5

Một concept chụp hình quảng cáo khó hiểu khác của ANTM

Trông người lại ngẫm tới ta

Ra đời từ năm 2010, Next Top Model phiên bản Việt (VNTM) từng là cái nôi phát hiện nhiều chân dài đầy sáng giá với gương mặt và thân hình hợp tiêu chuẩn quốc tế. Những cái tên là Trang Khiếu, Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Kha Mỹ Vân, Thùy Trang là loạt gương mặt tiêu biểu cho dàn người mẫu thế hệ mới. Họ rất dũng cảm, lăn xả tại các thánh địa thời trang trên thế giới và được đón nhận. Đây là điều mà thế hệ người mẫu đi trước không làm được.

Nhờ công phát hiện của chương trình, lần đầu tiên công chúng nước nhà được ngắm nhìn các người mẫu trẻ Việt Nam sải bước tại sàn catwalk của các kinh đô thời trang lớn nhất như New York, Paris, London hay Milan.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 6

Mùa đầu tiên của Next Top phiên bản Việt cung cấp cho làng thời trang Việt nhiều gương mặt sáng giá

Nếu như giới người mẫu của nước ngoài vốn thừa mứa các chân dài triển vọng thì ngược lại, ở nước ta lại hoàn toàn thiếu. Do đó, trong những mùa đầu, các gương mặt được VNTM phát hiện rất dễ phát triển và giành được chỗ đứng nhất định trong giới. Tuy nhiên, tới các mùa sau, mọi chuyện lại không diễn ra theo mô tuýp tương tự.

VNTM dần đi theo thiên hướng giải trí như bản gốc. Người xem ngày càng ngán ngẩm khi nhiều thí sinh được chọn trong chương trình thừa chiều cao nhưng lại kém về chất lượng bao gồm nhan sắc, kỹ năng, tố chất. 

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 7

Hoàng Thùy

Trong mùa mới nhất của chương trình, một Hồng Xuân cao tới gần 2 mét từng bị đánh giá là không có tố chất người mẫu lại có thể lọt vào tới top 4 của chương trình hay cô nàng Nguyễn Thị Hợp với bức ảnh tạo dáng kỳ cục dưới nước vẫn có thể nghiễm nhiên bước chân vào vòng cuối cùng.

Trong khi đó một số thí sinh khá khẩm hơn lại dừng chân ở các vòng ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Hồng Xuân không cao và không có hoàn cảnh éo le như vậy, Nguyễn Thị Hợp hay Nguyễn Thị Oanh không thể hiện tính đanh đá, chảnh chọe thì chắc chắn họ sẽ chẳng thể trụ lại trong nhà chung cho tới những ngày cuối cùng.

Những quán quân được VNTM vinh danh cũng đi theo xu hướng “càng tìm càng lặn mất tăm”. Các quán quân như Mai Giang, Nguyễn Thị Oanh, Tạ Quang Hùng đều không có dấu ấn gì sau khi đăng quang. Quán quân mới nhất Nguyễn Hương Ly, người có vẻ khá nhất trong top 4 năm nay cũng không giành được nhiều kỳ vọng bởi gương mặt dễ quên, khung xương không đạt chuẩn.

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 8

Hồng Xuân từng bị coi không có tố chất người mẫu

Bắt đầu từ năm 2010, phiên bản Next Top gốc đã bị suy giảm rating. Thậm chí Washington Post còn nhận định rằng dần dà sẽ chẳng còn mấy ai hứng thú với chương trình này. Marie-Agnes Parmentier, một giáo sư marketing tại Đại học Montreal phân tích rằng người xem đang dần phát ngán với mớ hỗn độn mà chương trình đưa ra, và không cảm thấy nó gắn với “thời trang cao cấp” như tôn chỉ ban đầu của nhà sáng lập Tyra Banks.

Bởi vậy, rất có thể phiên bản Việt của chương trình cũng sẽ mất hoàn toàn sức hút đối với người xem nếu như tiếp tục với cách xây dựng chương trình nhiều scandal và ít tính chuyên môn như hiện tại. 

Giải mã "hạt giống" khó nảy mầm của lò luyện người mẫu - 9

Kể từ mùa 5, khán giả Việt đã bắt đầu chán ngấy với tiêu chí quá thiên về giải trí của chương trình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Vietnam's Next Top Model Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN