Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ

“Tôi thậm chí còn chẳng biết mình có thích chúng không nữa”, một blogger thú nhận sau khi khoe chiến tích mua sắm.

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 1

Thời trang giá rẻ khiến nhiều người phát cuồng, nhưng chúng có thực sự chỉ mang lại toàn lợi ích?

Hàng triệu người yêu, thậm chí phát cuồng vì thời trang giá rẻ. Làm sao mà không yêu cho được khi bạn có cả một tủ quần áo có vẻ nhiều đấy, nhưng một sáng thức dậy lại thấy chẳng còn gì đáng mặc, bạn chỉ cần tới cửa hàng gần nhất của Zara hay Joe Fresh, quẹt chiếc thẻ tín dụng, mang về vài món đồ mới, hợp xu hướng, hợp với mức giá rất vừa tầm.

Các công ty may mặc ngày nay thường đo độ thành công của mình bằng những sản phẩm trên sàn runway hoặc trên kệ của các trung tâm mua sắm. Họ có lẽ không bao giờ nghĩ đến những bà mẹ buộc phải xa con mình, lao động trong những công xưởng sản xuất thời trang nhanh với đồng lương bèo bọt không quá 3USD/ngày.

Đôi khi, các công nhân còn không được trả lương cho tới khi hoàn thành khối lượng công việc được giao, thường là cao một cách vô lý. Điều này có nghĩa họ sẽ làm việc tới 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, không nghỉ ngơi.

Và mặc dù vụ cháy nhà máy tại Bangladesh vào tháng 11 năm 2012 khiến 112 nhân công thiệt mạng vì cửa thoát hiểm bị đóng kín khiến dư luận phẫn nộ, thì những chuyện tương tự vẫn không ngừng diễn ra. Từ năm 1990 tới 2012, ước tính có ít nhất 33 vụ cháy lớn đã xảy ra tại các xưởng may mặc ở Bangladesh, cướp đi mạng sống của 500 con người. 

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 2

Nhiều công ty may mặc bị cáo buộc không đảm bảo điều kiện làm việc cần thiết cho nhân công

Điều tệ hại hơn, không chỉ có người lớn bán mạng trong các công xưởng tồi tàn, mà theo thống kê, có khoảng 55 triệu trẻ em dưới vị thành niên (5-14 tuổi) đang làm việc suốt cả ngày tại Ấn Độ, không hiếm trong số ấy bị bán thành nô lệ.

Hình ảnh những đứa trẻ đi phun thuốc trừ sâu trên các cánh đồng trồng bông của Ấn Độ, vụ sâp nhà máy Rana Plaza kinh hoàng tại Bangladesh vào năm 2013 khiến hơn 1100 nhân công thiệt mạng, những dòng sông ô nhiễm nặng nề bởi hóa chất may mặc hay hàng núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti đang dần chứng minh quần áo giá rẻ hay thời trang nhanh không lý tưởng như những gì chúng ta từng nghĩ.

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 3

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 4

Công nhân làm việc trong những xưởng may tồi tàn không có thiết bị bảo hộ

Theo giáo sư Elizabeth Moreno, một giảng viên về lịch sử thời trang tại Đại học New York, vào thập niên 40,50, bạn dễ dàng tìm thấy những sản phẩm có dán nhãn “Made in US” (Sản xuất tại Mỹ). Nhưng cho tới thập niên 60, khi những nhà thiết kế như Mary Quant giới thiệu với công chúng các sản phẩm may mặc chỉ dùng một lần (ví dụ như chiếc váy bằng giấy), tầng lớp thanh niên khi ấy lập tức nói “không” với những món đồ cổ điển thừa kế từ ba mẹ chúng, thay vào đó là những món hợp thẩm mỹ hơn và dễ mua hơn vì giá vô cùng rẻ.

Nếu trước thập niên 60, Mỹ tự sản xuất tới 60% sản phẩm may mặc thì tới nay, con số ấy chỉ vào khoảng hơn 3% (1% cho giày dép và 2% cho quần áo). Phần còn lại bị đẩy sang các nước đang phát triển, nơi hàng ngày có cả triệu nhân công đang bị giết dần giết mòn trước máy may và thuốc nhuộm vải.

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 5

Một người phụ nữ từng làm việc tại Kanpur, Ấn độ. Cô bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hóa chất động hại trong công xưởng may mặc

Với thế hệ các bà mẹ của chúng ta, mua một chiếc váy mới là cả một sự kiện. Họ ngắm nghía nó qua cửa kính các tiệm thời trang, mơ về nó hàng đêm, làm việc cật lực vì nó và cuối cùng, phần thưởng là chiếc váy được gói ghém kỹ, thơm phức mùi vải mới. Họ sẽ nâng niu nó từng chút một và tự hứa chỉ diện nó trong những dịp đặc biệt.

Nhưng ngày nay, bạn có thể mua cả chục chiếc váy như vậy trong một lúc chỉ bằng một cái click chuột.

Chúng ta dường như chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt mà lờ đi hậu quả. Trên thực tế, chỉ 10% quần áo quyên góp được tái chế. Các thương hiệu bình dân thì không phải lúc nào cũng bán được tất cả những gì mình sản xuất, và họ thường kết liễu chúng tại bãi rác.

Cái giá không rẻ của thời trang giá rẻ - 6

Những núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti

Phải mất tới 200 năm để các chất liệu may mặc bị phân ủy, cho nên đống quần áo không được mặc tới sẽ chỉ tích tụ ở đó, gây tổn hại cho bầu không khí và con người qua hàng thế kỷ.

Tổ chức môi trường thế giới Greenpeace từng kiểm nghiệm mẫu sản phẩm của 12 thương hiệu thời trang, trong đó có American Apparel, Disney, Adidas, Burberry, Primark, GAP, Puma, C&A và Nike, phát hiện ra trong nhiều sản phẩm của các hãng này có chứa hóa chất độc hại như perfluorated chemicals (PFCs), phthalates, nonylphenol, nonylphenol ethoxylate (NPE), và cadmium.

Thời trang giá rẻ có thể thân thiện với ví tiền của bạn, nhưng lại là cả một thảm họa với nhân loại. Xin đừng lờ đi sự thật ấy, một khi bạn đang đọc bài viết này!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huân Y Thảo ([Tên nguồn])
Các vụ bê bối trong thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN