Cá mập, Next top và chú heo tự nướng

Tôi không bênh Xuân Lan. Có thể trong những hợp đồng bản quyền của format gốc, người ta yêu cầu mỗi tập của chương trình phải kịch tính như vậy.

1. Tuần qua, một người bạn của tôi, giám đốc thương hiệu thành công, đang bước vào một giai đoạn mới trong công việc, có vẻ như nhiều thử thách. Anh chia sẻ câu chuyện “Put a Shark in your tank - Cá mập trong thùng cá" trên facebook: Người Nhật vốn thích ăn cá với những món sushi, sashimi được chế biến từ thực phẩm tươi sống. Họ ăn cá sành nhất thế giới. Các vùng biển gần bờ của Nhật vốn đã bị khai thác lâu đời và kiệt quệ, nên những người fisherman phải đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ. Đi xa thì ngày rời đất liền càng dài và cá khó mà tươi, mà người Nhật thì một mực muốn ăn cá quẫy đuôi vừa vớt từ lòng biển. Người ta bèn đưa các thùng đá lớn lên tàu để bảo quản cá. Nhưng cái miệng người Nhật quá sành, họ vẫn ghét cá đông lạnh. Người đánh cá tiếp tục bỏ những con cá mới vớt vào thùng cá (ship tank) cho chúng tiếp tục bơi. Nhưng trong tank ngục tù, cá chán chẳng buồn bơi, lờ đờ sống như chết, vị cũng kém ngon và những cái lưỡi của người Nhật tiếp tục khước từ.

Và, những người đánh cá không từ nan, quyết định bỏ cá mập vào những thùng cá. Một con cá mập có thể nuốt mất vài con cá trong thùng, nhưng “phần còn lại của thế giới” sẽ phải rượt đuổi và bơi miệt mài trong suốt thời gian trên tàu. Thế nên, vị vẫn rất tươi ngon và người Nhật lại hào hứng với sushi, sashimi… Cá mập thì quá ác, nuốt cả đồng loại. Nhưng nếu không có cá mập, liệu cá nhỏ có thực sự sống cho ra sống, hay mãi là thứ cá ươn trong những chiếc thùng công nghiệp rồi trở thành món hàng kém chất lượng?

Tất nhiên, câu chuyện này nhằm vào việc ngợi ca tinh thần vượt khó của người Nhật, khó cỡ nào cũng tìm được lối ra. Nhưng một thông điệp khác, trong cuộc sống, khi bạn có một thành quả nào đó, bạn dừng lại hoặc tự mãn, nghĩa là bạn sẽ tự đánh rớt mình khỏi mọi đường đua. Những “chú cá mập” gieo vào ta một chút sợ hãi của kẻ bị săn đuổi và bị “nuốt chửng”, nhưng nó cũng là một thứ dây cót tinh thần để ta buộc phải xuất sắc để vượt lên, như những chú cá phải bơi điên cuồng để tồn tại trước chiếc hàm sắc của tử thần.

2. Chuyện của bạn, chủ yếu bàn về tinh thần của một cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng thực ra, câu chuyện ấy đúng trong nhiều lĩnh vực khác. Nó làm tôi lại nhớ tới show truyền hình "chanh chua" nhất trong lịch sử truyền hình Việt Nam: Vietnam’s Next Top Model. Một bộ phận dư luận chỉ trích cô người mẫu Xuân Lan sao mà cay nghiệt, đuổi thí sinh khỏi cuộc thi, “tôi không muốn nhìn thấy mặt em” và ép các thí sinh tập luyện cực khổ trong điều kiện khắc nghiệt. Chân dung Xuân Lan trong cuộc thi này sao mà giống một “mụ phù thủy” - ai đó nói. Một đồng nghiệp của cô thì chỉ trích, “nghĩ đây là môi trường quốc tế sao”? Và một đồng nghiệp khác, “ai nói với cô rằng cứ đi catwalk là phải vắt chéo hai chân vậy”? Đại loại, là trong môi trường người mẫu còn nghiệp dư như vậy, thì ai cũng có lý của mình. Và khi Xuân Lan làm “host” một chương trình truyền hình thực tế, cô càng phải giữ cái lý của mình hơn…

Cá mập, Next top và chú heo tự nướng - 1

Cũng là đầu đội đĩa, mắt nhìn thẳng, chân bắt chéo để dáng đi đẹp trên sàn catwalk, nhưng có vẻ là phim thì dễ chấp nhận, còn thực tế lại bị cho là “làm quá”

Tôi không bênh Xuân Lan. Có thể trong những hợp đồng bản quyền của format gốc, người ta yêu cầu mỗi tập của chương trình phải kịch tính như vậy. Và trong các format được “franchise” toàn thế giới, thì việc sao chép những tình huống để tạo kịch tính là hoàn toàn hiểu được. Một chương trình dài tập, mà thiên hạ không khen cũng không chửi, thì đó mới là bi kịch của nhà sản xuất.

Thực ra, những bài tập của Xuân Lan bày cho các thí sinh cũng chẳng có gì cao xa. Cô và các đồng nghiệp của mình đã bày biện nó trong phim “Những cô gái chân dài” của Vũ Ngọc Đãng gần chục năm trước. Cũng là đầu đội đĩa, mắt nhìn thẳng, chân bắt chéo để dáng đi đẹp trên sàn catwalk, nhưng có vẻ là phim thì dễ chấp nhận, còn thực tế lại bị cho là “làm quá”. Nhưng trên thực tế, một người mẫu muốn đưa được thân mình ra ngoài biên giới, bán được nó cho các buổi chụp hình tạp chí hay những buổi trình diễn runway, thì những bài tập có vẻ nghiệt ngã đó chẳng là gì. Hàng trăm bài học khác mà bạn cần phải học. Trước hết là bài học đúng giờ, 90% những người mẫu vedette hiện tại không có khả năng đó. Thứ hai là kỷ luật làm việc, dường như cả mẫu nam và nữ đều quên rằng người mẫu thể hiện ý đồ của nhà thiết kế chứ không phải thể hiện mình, thế nên nữ mới vào hậu trường trát thêm phấn son và nam thì thích bung áo ra khỏi quần, bới tóc bồng cao lên như cao bồi dở hơi chỉ vì một mục đích duy nhất: "chặt chém" đồng nghiệp trên sàn diễn. Thứ ba là, nếu bạn từng làm báo hoặc làm stylist, bạn sẽ tự hiểu sự đỏng đảnh đến vô độ của rất nhiều người mẫu lúc nào cũng lên báo vỗ ngực về sự chuyên nghiệp. Có một cô người mẫu, nổi vì sự xấu lạ của mình, bắt cả ê kíp của stylist Quang Tuyến và nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam cùng người mẫu Trang Trần chờ 6 tiếng đồng hồ đến để thực hiện concept cặp đôi ấn tượng, xong rồi cô này đến và bỏ về với một lý do cực kỳ vớ vẩn. Những hình ảnh trễ giờ, õng ẹo, không chịu thực hiện ý đồ của stylist vì… sợ xấu, đó là hình ảnh rõ nét nhất của không ít cô người mẫu đang được gọi là vedette... Khi bạn vẫn còn “junior” như vậy, mà lại sớm mắc chứng bệnh trầm kha, thì biết khi nào mới “pro”? Đường này đúng là… xa vạn dặm!

Thật tiếc vì sàn catwalk chưa có một bầy cá mập!

3. Hôm qua tôi đi xem một bộ phim Hàn Quốc có tên “All about my wife”. Bộ phim nói về sự nhàm chán và tìm kiếm lại ý nghĩa thực sự của một cuộc hôn nhân “lấy nhau vì tình”. Motif không mới, nhưng chi tiết thì cực kỳ thú vị. Cô vợ có cá tính không tầm thường, sẵn sàng chỉ trích thẳng vào mọi thói xấu, đạo đức giả, những trò mị dân và cả những giáo điều đúc sẵn trong sách giáo khoa. Một trong những điều cô cảm thấy kinh khủng là mẫu quảng cáo một thương hiệu đồ nướng là hình một chú heo đang cầm đĩa thịt (của chính mình) nướng và hào hứng nhảy múa trên một cái bếp than lửa đỏ rực. Tự nướng mình làm mồi nhậu cho người khác mà còn tươi cười nhảy múa như vậy được sao? Thật phản cảm! Nhưng, hầu như tất cả thực khách thường quên đi sự vô lý đến độc ác đó. Một tháng sau khi cô lên đài phát thanh chỉ trích chuyện ấy, tấm biển hiệu của nhà hàng đó đã được thay mới, bằng một hình ảnh dễ chịu hơn. Người bạn đường của cô nói, cô đã làm được, đã tạo nên sự thay đổi. Từ những thứ nhỏ như vậy nhưng không ai làm cả, mà từ đó sẽ thay đổi cả thế giới.

Bạn luôn nghĩ rằng, những điều nhỏ bé đó chẳng đáng. Nhưng khi bạn vẫn quyết định chấp nhận những mẫu quảng cáo rùng rợn trên truyền hình quốc gia theo kiểu một bà dớ dẩn nào đó chạy vào toilet nhà người khác, đổ nước tẩy vào cọ rồi dùng những ngón tay trần trụi miết lên cài bồn cầu để chứng tỏ đã tiệt trùng thì tôi nghĩ, sẽ chẳng có điều gì thay đổi được. Cái dở cũng như cái hay, ta phải sống chung quá lâu cũng thành quen và dần chấp nhận như một lẽ thường.

Nhưng cứ chấp nhận hoài, chúng ta sẽ đi tiếp như thế nào? Chấp nhận thành những chú cá ươn?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Bình Nguyên (theo Vnnew.vn)
Vietnam's Next Top Model Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN