Tào Tháo: Gian hùng lẫy lừng trên màn ảnh
Cho đến nay Bào Quốc An được đánh giá là người vào vai Tào Tháo thành công nhất.
Bào Quốc An "điêu đứng" vì Tào Tháo
Là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, Tào Tháo không chỉ được nhắc đến trong thi ca, nhạc họa, hình ảnh của ông còn được phim ảnh tái hiện một cách sinh động và bằng lối diễn đạt, khắc họa dưới nhiều góc độ. Tuy vậy, nhân vật Tào Tháo luôn được thể hiện ở hai khía cạnh chính, một danh tướng xảo quyệt nhưng mang nghĩa khí của một người anh hùng kiệt xuất, có tài ở cả lĩnh vực quân sự lẫn văn nghệ thi ca.
Nhắc đến các tác phẩm điện ảnh có đề cập đến Tào Tháo, tuy nhiên, để lại ấn tượng sâu sắc và khiến khán giả nhớ lâu nhất phải kể đến tạo hình nhân vật Tào Tháo của Bào Quốc An, Trương Phong Nghị và Trần Kiện Bân.
Người đầu tiên được nhắc đến với tạo hình kinh điển và khiến khán giả nhớ nhất vẫn là ngụy quân tử Tào Tháo của lão nghệ sĩ Bào Quốc An, trong bộ phim truyền hình Tam Quốc Diễn Nghĩa sản xuất năm 1994.
Tào Tháo kinh điển của Bào Quốc An.
Bản thân Bào Quốc An từng thể hiện nhiều hình tượng những nhân vật anh hùng lớn nhỏ trên phim truyền hình, thế nhưng phải đến vai diễn phản diện Tào Tháo mới thực sự là đỉnh cao trong nghiệp diễn xuất của ông. Khi mới khởi quay bộ phim, tổ đạo diễn đã đặt ra yêu cầu cho vai diễn này là "Trên phải vừa lòng tổ tông, dưới phải hợp lòng công chúng". Trước yêu cầu có vẻ "khó nhằn" trên, Bào Quốc An càng thêm quyết tâm và không hề nhụt chí, dành thời gian miệt mài nghiên cứu vai diễn, không còn tâm trí đầu óc nghĩ đến chuyện gia đình vợ con.
Với vai diễn Tào Tháo lần này, Bào Quốc An không chút câu nệ sách vở, ông dựa vào sự kết hợp giữa hiểu biết và ghi chép trong lịch sử về nhân vật, từ đó nhằm khắc họa và lột tả một nhà chính trị gia cơ mưu cầu trí biệt tài và hay cười. Và với lối diễn như vậy, Tào Tháo của Bào Quốc An đã nổi tiếng khắp Trung Quốc và một số nước châu Á khi công chiếu Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hình ảnh Tào Tháo của Bào được nhiều người hâm mộ yêu mến và đánh giá cao, dành nhiều lời ngợi khen từ công chúng và truyền thông, giới chuyên gia điện ảnh. Đến nỗi sau khi bộ phim hoàn thành Bào Quốc An đã không dám nhận lời tham gia bất cứ bộ phim cổ trang nào khác trong một thời gian dài, ông từng thề sẽ không bao giờ đóng phim cổ trang.
Cũng có lẽ vai diễn Tào Tháo đã thành công đến nỗi "vận" vào con người Bào Quốc An. Thế nhưng có thể do ngày càng có nhiều đoàn phim cổ trang đến mời ông, đảm nhiệm những vai diễn ngày một "nặng ký", vì vậy Bào đã quyết định "tái xuất". Nói về vai diễn Tào Tháo, Bào Quốc An thở dài: "Vì một vai Tào Tháo đã hại tôi quá chừng!".
Long Long vai Tào Tháo của phía Đài Loan sản xuất năm 1995.
Những phiên bản Tào Tháo gây nhiều tranh cãi
Năm 1995, phía Đài Loan ra mắt bộ phim truyền hình Tam Quốc anh hùng truyện chi Quan Công dài 44 tập. Vai diễn Tào Tháo do nam diễn viên Long Long đảm nhiệm. Bốn năm sau, Đài Loan cho ra mắt phiên bản bộ phim Tào Tháo một thời ngang dọc, với tạo hình Mạnh Đức Tào Tháo do Kha Tuần Hùng thủ vai.
Năm 2000, nam diễn viên Diêu Lỗ thủ vai Tào Tháo trong bộ phim cùng tên.
Bộ phim Lữ Bồ và Điêu Thuyền sản xuất năm 2001, riêng vai nhân vật Tào Tháo do hai diễn viên là Nhiếp Viễn và Chiêu Phong đảm nhiệm
Năm 2002, phía Hồng Kông sản xuất bộ phim Lạc Thần, nhân vật Tào Tháo do Lưu Đan thể hiện.
Bộc Tồn Hân.
Cũng trong cùng năm này, Trung Quốc đại lục cho ra mắt bộ phim Tào Tháo và Thái Văn Cơ. Nhân vật chính Tào Tháo được giao cho nam diễn viên Bộc Tồn Hân, mặc dù trước đó ông từng được giao vai Tào Trực (con trai Tào Tháo) trong vở kịch Con cưng thiên tử (1995).
Lưu Tùng Nhân trong Rồng tái sinh.
Năm 2007, nam tài tử Hồng Kông Vương Bân thủ vai Tào Tháo trong bộ phim Ngụy Vương Tào Mạnh Đức. Phía Hồng Kông tiếp tục ra mắt bộ phim Tam Quốc chí: Rồng tái sinh/Three Kingdoms: Resurrection of the Dragon (2008) Lưu Tùng Nhân thủ vai, bên cạnh dàn sao Lưu Đức Hoa vai Triệu Vân, Hồng Kim Bảo vai La Bình An, Maggie Q vai Tào Anh (nhân vật hư cấu), trong khi Bộc Tồn Hân xuất hiện với vai Gia Cát Lượng.
Cạnh tranh với Rồng tái sinh trong năm 2008, bộ phim Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm cũng làm mưa làm bão các rạp chiếu năm đó với dàn sao sáng chói của điện ảnh Hoa ngữ như Lương Triều Vỹ (Chu Du), Kim Thành Vũ (Gia Cát Lượng), Triệu Vy (Tôn Thượng Thư), Hồ Quân (Triệu Vân), Trương Chấn (Tôn Quyền), Lâm Chí Linh (Tiểu Kiều)...
Trương Phong Nghị trong Xích bích.
Trích đoạn Tào Tháo (Trương Phong Nghị) và Tiểu Kiều (Lâm Chí Linh) trong Xích Bích.
Đặc biệt, vai diễn nhân vật Tào Tháo do nam diễn viên gạo cội Trương Phong Nghị diễn xuất. Mặc dù, nhiều ý kiến nhận xét, Tào Tháo của Trương Phong Nghị quá nho nhã và yếu đuối, tuy vậy đạo diễn Ngô Vũ Sâm lại lập luận, cách nhìn nhận trên chủ yếu do phần lớn mọi người bị ảnh hưởng quá sâu đậm từ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác gia La Quán Chung. Trong khi Tào Tháo trong cách nghĩ của Ngô lại là một con người hoàn toàn như bao người, nhưng ẩn sâu trong đó là một thiên tài quân sự và một nhà văn đại tài.
Tài năng văn học thi ca của Tào Tháo không kém gì những Gia Cát Lượng hay Chu Du. Hơn nữa, ở Trương Phong Nghị vừa toát ra được khí chất đó, vừa mang lại cảm giác về một gian hùng xảo quyệt của Tào Tháo. Như vậy, hình tượng Tào Tháo của Trương Phong Nghị mà đạo diễn Ngô Vũ Sâm muốn tạo dựng không phải một Tào Tháo uy quyền và bá vương như trong ấn tượng của công chúng từ tiểu thuyết hay từ hình tượng kinh điển của Bào Quốc An trước đó.
Một Tào Tháo thời hiện đại của Trần Nãi Vinh
Năm 2009, một phiên bản phá cách về Tam Quốc Diễn Nghĩa do Đài Loan sản xuất, bộ phim thần tượng Chung cực Tam Quốc, vai diễn Tào Tháo do nam diễn viên Trần Nãi Vinh đóng. Phim hoàn toàn đưa các nhân vật thời Tam Quốc vào khung cảnh thời hiện đại. Các nhân vật đều được phục trang như những chàng trai cô gái của thế kỷ 21.
Với những nhân vật dũng tướng anh hùng trong Tam Quốc như Tào Tháo, Quan Vũ, Trương Phi, Lữ Bố, Triệu Vân, Mã Siêu được phục trang như những sĩ quan trẻ trung, điển trai, những "hotboy" thời Tam Quốc. Trong khi những nhân vật sĩ phu như Chu Du, Tôn Quyền, Tôn Sách... lại mặc bộ vest lịch lãm và hút hồn các cô gái trẻ.
Tào Tháo hài hước của Quách Đức Cương.
Một tạo hình gây tranh cãi của Quách Đức Cương.
Năm 2010, nam diễn viên Quách Đức Cương thủ vai Tào Tháo trong bộ phim hài cổ trang Việt quang bảo hợp/Just Another Pandora's Box của đạo diễn Lưu Chấn Vỹ. Phim quy tụ hàng loạt những cây hài nổi danh của điện ảnh Hoa ngữ như Tăng Chí Vỹ, Ngô Quân Như, Hoàng Bột, Thái Thiếu Phân, Chung Chấn Đào...
Vì là một phim hài kịch, vì vậy nhân vật Tào Tháo đã không còn hống hách, bạo ngược và hung dữ. Thay vào đó, hình tượng Tào Tháo đã trở nên tươi vui, hóm hỉnh, thậm chí có lúc lả lướt qua cách diễn xuất hài hước, gây cười của nghệ sĩ Quách Đức Cương. Một Tào Tháo trong thân hình béo ục ịch, gương mặt tròn xoay khiến nhiều người liên tưởng đến một thái giám hơn là một nhà quân sự kiệt xuất Tào Tháo.
Trần Kiện Bân.
Tào Tháo qua tạo hình của Trần Kiện Bân trong Tam Quốc.
Cùng trong năm 2010, nhân vật Tào Tháo của nam diễn viên Trần Kiện Bân trong Tam Quốc/Three Kindoms của đạo diễn Cao Hy Hy, giúp người hâm mộ Trung Quốc lấy lại "cân bằng" sau phiên bản Tào Tháo hài của Quách Đức Cương. Là một bộ phim truyền hình dài 95 tập của Trung Quốc đại lục, vì vậy phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng của đại lục như Lục Nghị (Gia Cát Lượng), Trần Hảo (Điêu Thuyền), Hà Nhuận Đông (Lữ Bố), Nhiếp Viễn (Triệu Vân), Lâm Tâm Như (Tôn Thượng Hương)...
Với tạo hình Tào Tháo của Trần Kiện Bân, rất nhiều khán giả đã đặt câu hỏi nghi vấn, liệu Tào Tháo của anh có trẻ đến vậy không? Câu trả lời là không, bởi với Tam Quốc lần này, chủ yếu tập trung khắc họa hình ảnh nhân vật Tào Tháo thời thanh niên, nội dung cốt truyện về nhân vật này khi mới 20 tuổi. Vì vậy cũng khó có thể đem ra so sánh với một Thào Tháo quyền uy, bá đạo như của Bào Quốc An.
Khương Văn trong bộ phim Quan Vân Trường.
Những ngôi sao đình đám vào vai Tào Tháo
Với bộ phim điện ảnh Quan Vân Trường/The Lost Bladesman (2011) của nam tài tử võ thuật Chân Tử Đan thủ vai chính, nhân vật Tào Tháo do nam tài tử Khương Văn thủ diễn. Đây là bộ phim cổ trang đầu tiên do cặp đạo diễn Trang Văn Cường và Mạch Triệu Huy liên kết dàn dựng, theo đó nội dung phim là sự tranh tài của hai người anh hùng Quan Vân Trường và Tào Tháo. Vai Quan Vũ đã được "chấm" cho Chân Tử Đan, trong khi Tào Tháo được viết cho nam diễn viên Khương Văn, bởi theo nhận xét của nhà sản xuất, Khương Văn sẽ là một Tào Tháo có một không hai.
Tuy vậy, đoàn phim vẫn lo ngại khi thời gian này Khương Văn đang thực hiện cho vai diễn trong bộ phim Để viên đạn bay/Let The Bullets Fly, vì vậy sẽ khó tham gia được với đoàn phim Quan Vân Trường. Nhờ mưu mẹo học được từ Tam Quốc Diễn Nghĩa khi dùng kế của Lưu Bị mời Quan Vũ, cuối cùng Văn Chương đã nhận lời. Hình tượng Tào Tháo của Khương Văn đã không khiến phụ lòng mong đợi của đoàn phim, ngôi sao Cao lương đỏ đã khắc họa được một Tào Tháo đầy quyền lực, xảo quyệt, hống hách và gian hùng.
Bộ phim điện ảnh Chung Dao (2011) của đạo diễn Ngũ Bảo Quốc với sự xuất hiện nhân vật Tào Tháo được nam diễn viên Ngô Quảng Lâm thủ diễn.
Tạo hình Tào Tháo của Châu Nhuận Phát.
Năm 2012, nam tài tử Chu Nhuận Phát vào vai Tào Tháo trong "bom tấn" của điện ảnh Hoa ngữ Đồng Tước Đài/The Assassins của đạo diễn Triệu Bản Sơn dàn dựng. Nội dung phim đề cập đến đời sống tình cảm của con người Tào Tháo, là chuyện tình giữa ông với người đẹp Linh Thư, người đang mang sứ mệnh ám sát ông. Hơn nữa, tình cảm giữa Linh Thư với Mục Sư Thanh (Hiroshi Tamaki) lại là một cặp thanh mai trúc mã.
Thế nhưng khi tiếp cận với Tào Tháo, sự kiệt xuất và tài ba của ông đã khiến nàng không nỡ ra tay, đồng thời xuất hiện tình cảm với kẻ nàng phải xuống tay. Mối quan hệ tình cảm tay ba trong phim trở thành một đề tài khá thú vị để khai thác về con người Tào Tháo, một thử thách mới cho ngôi sao Bến Thượng Hải, anh đã thể hiện được một Tào Tháo khiến ai cũng muốn giết theo nội dung kịch bản. Tạo hình và diễn xuất thành công của Chu Nhuận Phát khiến đạo diễn Triệu Lâm Sơn nhận xét, sau khi hoàn thành phim, Nhuận Phát đã biến mất vì anh diễn quá xuất sắc nhân vật Tào Tháo.
Trần Lập Tân.
Trong bộ phim cùng tên, nhân vật Tào Tháo của nam diễn viên Trần Lập Tân, một nam diễn viên không mấy tên tuổi. Tuy vậy, lý do nữ đạo diễn Hồ Mai chọn anh bởi, cát-xê trả cho một diễn viên hạng A không đủ với kinh phí của đoàn. Hơn nữa, phim truyền hình nào cũng chú ý quá nhiều đến chọn diễn viên tên tuổi, rất khó cho các diễn viên trẻ có cơ hội trưởng thành. Với vai Tào Tháo lần này, Trần Lập Tân không lo bị so sánh với đàn anh, lý do đưa ra là nhân vật Tào Tháo của anh không chỉ là một nhà chính trị gia, nhà văn, nhà quân sự mà còn là một kẻ háo sắc.
Mới đây nhất, nam diễn viên sinh năm 1975 Lý Tiến Vinh đã được mời thủ vai Tào Tháo trong bộ phim truyền hình Tân Lạc Thần (2013) dài 65 tập do công ty điện ảnh Hoa Sách sản xuất. Nhận được vai diễn trên, Lý Tiến Vinh hết sức vui mừng, vì được thể hiện vai Tào Tháo vốn là niềm mơ ước của bất kỳ nam diễn viên nào. Thế nhưng khi chính thức cầm kịch bản, anh khá áp lực bởi hình tượng nhân vật từng thể hiện đều là những vai thư sinh, anh chàng hiền lành, trẻ trung và hoàn toàn khác biệt hình ảnh Tào Tháo.
Lý Tiến Vinh
Nhiều khán giả cho rằng, Tào Tháo của Lý Tiến Vinh có vẻ hấp tấp và nóng nảy, hơi một tí là nổi trận lôi đình. Trong khi nam diễn viên 35 tuổi lại giải thích, tính cách con người Tào Tháo khá phong phú, vừa là người cha, người chồng, lại là một người đàn ông quyền lực tối cao. Hơn nữa, trong phim còn là câu chuyện tình cảm phức tạp giữa Tào Tháo với cô con gái Chân Mật. Trong trường hợp như vậy, Lý Tiến Vinh đã chọn cách thể hiện một Tào Tháo hống hách, cuồng nộ thay vì âm mưu và xảo quyệt.