NSƯT Kim Cúc: 40 năm đọc truyện đêm khuya

Đã hơn 40 năm qua, cứ vào mỗi buổi tối muộn, hàng triệu người Việt Nam lại nghe thấy giọng đọc quen thuộc của NSƯT Kim Cúc vang lên trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Bà được coi là một trong những phát thanh viên có giọng đọc vàng của Đài tiếng nói Việt Nam.

Trước đây có thông tin cho rằng, bản tin chiến thắng vào ngày 30/4 được PTV Nguyễn Thơ và Tuyết Mai đọc vào lúc 17h ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, trong một bài viết về sự kiện lịch sử Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi rõ: "Tại Tổng hành dinh, sau khi nhận tin Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện, tôi chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng Cục Chính trị điện ngay cho Thông tấn xã và Đài TNVN kịp thời loan tin thắng lợi và viết thông báo chiến thắng. Chỉ 15 phút sau, Đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn triệu con tim Việt Nam đang đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng".

Mãi tới cách đây vài năm, người ta với biết NSƯT Kim Cúc chính là người đầu tiên đọc bản tin chiến thắng lịch sử đó.

NSƯT Kim Cúc: 40 năm đọc truyện đêm khuya - 1

NSƯT Kim Cúc khi còn trẻ

NSƯT là người đầu tiên đọc bản tin chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam vào trưa ngày 30/4. Thế nhưng phải tới gần 30 năm sau, mọi người mới biết. Tại sao bà lại giữ im lặng?

Có nhiều người cũng nói với tôi rằng, đấy là vinh dự, tại sao lại giấu đi nhưng không, tôi quan niệm rất đơn giản, một phát thanh viên là phải hoàn thành nhiệm vụ. Tin chiến thắng được chuyển đến Đài vào đúng ca trực của tôi và chị Kim Tuyến.  Vì thế, chúng tôi phải có trách nhiệm chuyển tin vui đó đến với đồng bào cả nước một cách nhanh nhất. Nó cũng giống như việc người lính, cầm súng là phải chiến đấu, phải hoàn thành nhiệm vụ, chứ không có ý nghĩ gì cả.

Tôi không coi đó là một thành tích và tôi chỉ nghĩ rằng, mình đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Sau khi tôi đọc lần đầu tiên thì bản tin lại được vang lên qua giọng miền Nam của chị Kim Tuyến một lần nữa.

Tuy nhiên, cách đây vài năm tôi có đọc được bài báo nói rằng, bản tin chiến thắng được phát lần đầu tiên trên Đài tiếng nói VN vào lúc 18h30 ngày 30/4 thì tôi quyết định nói ra sự thật. Nếu không, mọi người sẽ hỏi tại sao một cơ quan thông tấn lớn nhất lúc bấy giờ lại có thể để tin chiến thắng tới tận chiều tối mới phát. Hơn nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bản tổng kết ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh có nói rằng, ngay sau khi nhận được tin chiến thắng, Đại tướng đã lệnh cho Bộ tổng tham mưu đưa tin sang đài tiếng nói Việt Nam và 15 phút sau, chính Đại tướng đã nghe bản tin chiến thắng trên đài.

Sau khi tôi đọc trực tiếp bản tin chiến thắng đó thì Đài tiếng nói mới xây dựng chương trình chào mừng và phát vào lúc 18h30 cùng ngày. Bản tin đó đã được những giọng đọc hay như Tuyết Mai, Đình Thơ gửi tới khán giả.

Bà có thể chia sẻ cảm giác của mình sau khi đọc bản tin chiến thắng đó?

Lúc đọc xong, hoàn thành ca trực, tôi lấy xe đạp ra bờ Hồ. Bên cạnh niềm vui mừng độc lập như những người Việt Nam khác, trong cái tâm, cái cảm của người phụ nữ, tôi thấy hạnh phúc lắm. Lúc đó tôi đã 31 tuổi, chưa có gia đình, nếu cứ chiến tranh mãi, không biết có chồng không nhỉ? (cười).

Khi biết tin chiến thắng, tự nhiên trong người như trút được một gánh nặng, như bay lên. Lúc chiến tranh thì đến cái áo cũng chẳng có mà mặc, bố mẹ cũng chả có thời gian về thăm, cũng chẳng biết tương lai của mình sẽ ra sao. Thôi, bây giờ chẳng còn chiến tranh nữa, mình có thể đi chơi này, có thể làm những cái này, cái kia. Cảm giác lạ lắm bạn ạ. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình xúc động.

NSƯT Kim Cúc: 40 năm đọc truyện đêm khuya - 2

NSƯT Kim Cúc (phải) là người đọc bản tin chiến thắng của quân đội nhân dân VN vào trưa 30/4. Sau khi bà đọc lần 1, PTV Kim Tuyến (giọng Sài Gòn) đọc lại lần hai

Thưa NSƯT Kim Cúc, việc từng là ca sĩ trong đoàn văn công Lục Ngạn có giúp gì cô nhiều khi chuyển sang làm phát thanh viên không?

Người ta nói muốn bật lên được cao hơn thì phải có một xuất phát điểm thật tốt. Khi là ca sĩ, tôi được học luyện thanh, biết cách giữ hơi, biết cách phát âm cho tròn vành, rõ chữ và tạo được độ vang cho giọng, tạo cho mình một bản sắc riêng cho giọng của mình.

Do cảm thu âm nhạc tốt nên giọng đọc của tôi có thể lên bổng, xuống trầm và tạo được ấn tượng riêng đối với thính giả. Tôi có thể làm cho giọng đọc của mình trở nên trong veo khi đọc các thể loại ký, giọng hùng biện ở các thể loại bình luận. Tôi thường nói vui rằng, có khi mình đang là con dao pha thịt, chém chặt khi đọc các thể loại chính luận thì lập tức lại trở thành con dao cắt tỉa hoa, tinh tế với những mẩu truyện ngắn.

Bà có tâm sự rằng, bà phải làm việc nghiêm túc vì rất sợ việc đọc sai. Vậy, đã khi nào bà mắc phải lỗi này chưa?

PTV là công việc bình thường hàng ngày. Nó như một cái máy dệt con thoi chạy đi chạy lại. Có khi nào mắc lỗi không? Có chứ. Lúc đó Đài tiếng nói Việt Nam có 8 phòng thu. Có khi đọc ở phòng này vừa xong ngay lập tức đã phải chuyển sang phòng thu khác, văn bản chưa kịp xem qua thì đã phải lên sóng. Nhiều khi chỉ là lỗi in thôi cũng khiến mình đọc sai.

Tuy nhiên, kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất có lẽ là trong một bản tin có nhắc tới nhà điêu khắc Michelangelo. Lúc đó tôi đâu có biết ngoại ngữ đâu, thấy văn bản ghi phát âm là Mi-ken-Lăng-giê-lô thì tôi đọc thế. Sau đó, một phóng viên, biên tập lớn tuổi lại là nhà thơ đã nói thẳng với tôi thế này: "Phát thanh viên gì mà ngu thế". Nói đúng ra thì chỉ cần nói dốt thế, không biết gì là được rồi, đằng này dùng từ ngu khiến tôi ít nhiều tự ái. Chính vì thế, tôi xác định mình phải học.

Cũng may, ngày còn bé, nhà tôi có một tiệm sách nhỏ. Khi còn ở trong quân đội, dù đồng lương ít ỏi nhưng tôi vẫn trích ra một số tiền nhất định để mua sách về đọc. Những cuốn sách đó đã dần dần lấp đầy những thiếu hụt về kiến thức của tôi.

NSƯT Kim Cúc: 40 năm đọc truyện đêm khuya - 3

NSUT Kim Cúc đã quen thuộc với hàng triệu thính giả của Đài VOV qua chương trình Đọc truyện đêm khuya

Sau khi đất nước hòa bình, bà lập gia đình với một người làm cùng Đài và sinh liền hai con nhỏ. Bà làm cách nào để có thể vừa hoàn thành công việc của một PTV và chăm sóc con cái?

Ngày đó, gia đình tôi cũng như những gia đình khác cực lắm. Hai vợ chồng với hai đứa con nhỏ, không ai trông giúp. Đi họp chi bộ, chồng ôm theo cô con gái lớn. Sau này tôi hay trêu con ngấm tư tưởng của Đảng từ nhỏ đấy.

Còn tôi khi đi thu, tôi mang theo cậu con trai út. Mẹ ở trong phòng thu, con đứng ngoài tưởng mẹ bị nhốt trong phòng thu thì khóc um lên, tôi phải nhờ người đưa cháu đi ra xa. Lúc bấy giờ mình như làm sao ấy, không lý giải được. Vào tới phòng thu là quên hết, nghe thấy tiếng khóc thì nghĩ là của đứa trẻ con nào chứ cũng không nghĩ đó là con mình. Công việc tạo cho mình thói quen khi bước chân vào phòng thu là bỏ lại tất cả mọi thứ, chỉ có mình và văn bản.

Nhiều lúc cảm thấy mình cô độc lắm. Người ta làm việc còn có người này, người kia, có thể nói chuyện được còn tôi thì chỉ có một mình trong phòng thu với tờ văn bản, thậm chí muốn thở to một tiếng cũng không được. Lúc đọc xong, đau họng quá ra về cũng có khi cũng chỉ vẫy tay chào đồng nghiệp thôi. Nghỉ hưu tôi mới dám nói nhiều chứ ngày xưa đâu có dám thế. Đến đài muốn cũng không được nói. Cô Tuyết Mai, chú Nguyễn Thơ đưa cho mỗi người một tờ báo, ngồi một góc và tập đọc. Chúng tôi tiến bộ rất nhanh nhờ sự tập luyện nghiêm túc như thế.

Hơn 40 năm gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya, bà có thể chia sẻ một kỷ niệm mà bà nhớ nhất?

Có nhiều lắm, nhưng bức thư mà nhà văn Văn Tùng gửi cho tôi, đến giờ này, dù đã bao nhiêu năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in. Ông ấy viết thế này: Tôi không biết năm nay chị bao nhiêu tuổi nhưng cho phép tôi gọi chị bằng cô. Cô Cúc ơi, truyện tôi tự viết ra, tôi đưa cho mọi người xung quanh đọc họ đều nhận xét truyện của tôi chả có gì đặc biệt. Khi truyện in trên báo, tôi đọc xong cũng thấy nó chả ra cái gì cả. Vậy mà ngày hôm qua, truyện này được phát trên đài qua giọng đọc của cô, mọi người hỏi tôi, ô, truyện này mới viết à? Hay thế. Tôi cảm ơn cô. Cô là người thứ hai đã giúp truyện của tôi sống lại".

Bức thư đó khiến tôi hạnh phúc lắm. Nó được anh Việt Khoa đưa lên Bộ biên tập, đấu tranh đòi cho tôi thêm một bậc lương đấy.(Cười).

NSƯT Kim Cúc: 40 năm đọc truyện đêm khuya - 4

Chồng NSƯT Kim Cúc ngày xưa cũng làm ở Đài VOV

Nhiều người sau khi nghỉ hưu thường thì sẽ nghỉ ngơi, tránh xa công việc, còn bà thì dường như lại có vẻ hăng say làm việc hơn?

Có lẽ do tôi sinh ra tuổi con khỉ nên lúc nào cũng phải nhảy nhót. Nếu ở yên một chỗ chắc tôi sẽ ốm. Hiện tại, mỗi tuần tôi đều lên Đài 2 buổi để làm việc. Ngoài ra tôi còn dậy khóa học MC cho trường Sân khấu Điện ảnh. Bất cứ khi nào công việc gọi là tôi sẽ đi làm liền, không kể ngày đêm.

Không những công việc bên ngoài, tôi còn một mình tôi chăm sóc ba đứa cháu nội ngoại, một cô con gái mới sinh con về nhà nghỉ. Công việc bận rộn như thế nhưng tôi thấy vui vẻ và mãn nguyện lắm.

Nghe NSƯT Kim Cúc đọc truyện Tiếng Ru

Vâng, xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện thú vị này!

NSƯT Kim Cúc đến với nghề Phát thanh viên (PTV) vừa như một sự tình cờ mà cũng như là một định mệnh. Bà bồi hồi nhớ lại "Nhà tôi ở Nam Định, mỗi lần theo bố lên Hà Nội, đi qua Quán Sứ bố tôi đều chỉ: đây này con, đây là Đài tiếng nói Việt Nam. Ôi, cái giây phút ấy sao mà tuyệt vời thế. Lúc đó tôi đã mơ màng tự hỏi, bao giờ mình được bước chân vào đây nhỉ? Chỉ cần nhìn qua hàng rào song sắt, thấy mọi người trong đó là tôi thèm lắm, cứ ước ao một ngày nào đó được như họ".

Sau này khi lớn lên, NSƯT Kim Cúc làm tham gia đoàn văn công Lục Ngạn. Bà kể rằng, bây giờ mọi người cứ nghĩ làm văn công thì nhàn nhã nhưng có biết đâu công việc vất vả như thế nào. Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi phải khuân từ cái cột to gần bằng mình, rồi những cái xà rất dài trên vai để tự làm sân khấu giữa rừng. Có nhiều lúc, các anh bộ đôi còn trêu họ là nên sửa lại dòng chữ trên xe, không đề là đoàn văn công nữa mà đề là đoàn dân công.

Vào năm 1967, khi đang chuẩn bị tiết mục để chuẩn bị đi phục vụ cho các chiến sĩ đường 9 Nam Lào thì NSƯT Kim Cúc được gọi đi đọc hộ tin chiến thắng cho quân đội trên phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà có ngờ đâu rằng, cái tin chỉ kéo dài chừng 1 phút ấy đã khiến ước mơ từ thuở nhỏ của bà thành sự thật.

Một ngày sau khi lên đài đọc bản tin, bà được cấp trên yêu cầu bàn giao lại công việc tại đoàn văn công và nhận nhiệm vụ mới.- NSƯT Kim Cúc nhớ lại: "Lúc đó nào có biết nhiệm vụ mới là là gì đâu, có lệnh là đi thôi, không ngờ rằng mình lại được làm công việc mà mình mơ ước từ tấm bé". Kể từ đó, cứ đều đặn trong suốt một thời gian dài, bà thức dậy từ 5h sáng, lụi cụi đạp xe lên phố Quán Sứ rồi tối muộn mới về. Khi nào công việc đột xuất, khi bà trở về nhà thì gà cũng đã gáy sáng.

"Khi đó, phần lớn các chương trình phát thành đều thu và phát sóng trực tiếp còn những văn bản không như bây giờ đâu. Giấy thì xấu. Lên trưởng ban sửa cái này, Bộ biên tập sửa cái kia trình lên Tổng biên tập lại sửa nữa. Cái văn bản giống như trận đồ bát quái, nhưng chúng tôi không được phép đọc sai, đặc biệt là những yếu tố liên quan tới chính trị. Trong nội quy quy chế của Đài, phát thanh viên là giống như một người chiến sĩ, thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của đơn vị, không được quyền sai. Làm việc phải nghiêm túc, lúc nào cũng phải có cây bút trên tay" - NSƯT Kim Cúc nói.

Trong thời gian đó, song song với công việc tại đài, NSƯT Kim Cúc đã tranh thủ đi học thêm Đại học tại chức và học thêm ngoại ngữ như tiếng Anh, Tiếng Pháp, tiếng Trung. Bà bảo, học không phải để lấy bằng để mà có thể phát âm được những ngôn ngữ của họ.

Đến năm 1969, NSƯT Kim Cúc chính thức gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya. Đến nay, khi đã trải qua hơn 40 năm và đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tiếp tục cộng tác với chương trình. Một tuần hai buổi, bà vẫn đều đặn lên đài để làm cầu nối gửi những câu chuyện tới các thính giả nghe đài.

Vào lúc 0h thứ 5 ngày 15/11/2012, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả những điều ít người biết về NSUT Phạm Đông - người đã có hơn 30 năm gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Những giọng đọc sống mãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN