Những kẻ “khó chơi” của màn ảnh Việt
Số đỏ, Chí Phèo và Những người thợ xẻ là ba bộ phim cùng để lại dấu ấn khó quên với những "cái mặt không chơi được".
Một Xuân tóc đỏ làm điên đảo khắp Hà thành những năm 30, 40 của thế kỷ 20. Một Bường vật lộn sống trong cái Ác để chịu cảnh đưa tang đứa con sau những trận phá rừng. Một Chí Phèo với gương mặt hằn lên nỗi đau cuộc đời và biết khóc khi cảm nhận được tình yêu thương.
Xuân tóc đỏ trong Số đỏ
Xây dựng một nhân vật hình tượng cho tầng lớp thượng lưu đạo đức giả chỉ có mẽ bề ngoài hào nháng nhưng bản chất và gốc rễ lại là những kẻ cơ hội, hám danh, Xuân tóc đỏ đã trở thành nhân vật làm điên đảo khắp Hà thành trong những năm 30, 40 của thế kỷ 20. Đây chính là hình ảnh hiện thực hóa của bản chất thối nát trong xã hội thực dân phong kiến thời kỳ đó.
Xuân tóc đỏ thời lang thang đi nhặt ban ở sân quần
Ấn tượng về nhân vật Xuân tóc đỏ trong bộ phim Số đỏ của đạo diễn Hà Văn Trọng và Lộng Chương không chỉ là tính cách được biếm hóa một cách sinh động mà còn ở chính “cái mặt không chơi được”.
Vẫn cái gương mặt ấy, gầy gò và lém lỉnh, nhưng nó đã thay “sắc” từ lúc Xuân tóc đỏ còn cầu bơ cầu bất đến lúc “phát số”. Từ một thằng bé mồ côi, làm nghề nhặt ban ở sân quần cho bà phó Đoan, một lần bị bắt giam ở sở bót vì xem trộm cô đầm thay đồ, hắn đã may mắn được bà phó bảo lãnh, chỉ vì cái thói háu gái. Rồi bà giới thiệu hắn đến làm việc ở tiệm may Âu hóa, nơi hắn chỉ biết học thuộc lòng những định nghĩa “hở cánh tay và hở cổ là dậy thì”, “hở đến nách và hở nửa vú là ngây thơ”…
Xuân tóc đỏ đã bắt đầu gia nhập xã hội thượng lưu với những ngón nghề từ thời... vô giáo dục. Bằng những thủ đoạn xảo trá, Xuân tóc đỏ được tôn vinh thành người hùng cứu quốc khi hắn được lệnh phải thua quán quân Xiêm.
Nhân vật Xuân Tóc Đỏ được xây dựng theo phương pháp điển hình hóa, tổng hòa nhiều cái xấu, kết hợp giữa tính chân thực và tính phóng đại, phóng đại để biếm họa.
Cuộc đời “số đỏ” và cái cười nhếch mép rất tinh quái của Xuân được nam diễn viên Quốc Trọng hóa thân xuất sắc, để từ đó tên tuổi của ông gắn liền với nhân vật này.
(Bấm vào đây để xem Video: Xuân tóc đỏ trong cuộc Âu hóa).
Bường trong Những người thợ xẻ
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Ngọc, nhưng vai thứ chính Bường do diễn viên Quốc Trị thể hiện lại để lại nhiều dấn ấn hơn cả.
Bường với ánh mắt ranh ma của một tay anh chị
Bường là một tay anh chị khét tiếng, chuyên nghề đánh bả và bán thịt chó, sau đó lập một toán anh em lên rừng xẻ gỗ. Những nét tính cách xã hội đen hằn lên trong ánh mắt gan góc và nham hiểm của Bường. Gò má cao dữ dằn, gương mặt khắc khổ thể hiện cái Thiện và Ác trong con người Bường, một kẻ luôn bị gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của người cha phải nuôi 4 miệng ăn.
Gương mặt "không chơi được" của gã thợ xẻ Bường
Nhóm thợ nhận xẻ gỗ bất hợp pháp cho ông Thuyết vốn là một cán bộ. Trong cuộc mưu sinh, mâu thuẫn luôn tiềm ẩn giữa Bường và Ngọc. Sau một trận ốm, Ngọc phải chịu cảnh "lưỡi cưa xén đứt ngón chân". Bường bị thương nặng sau khi quyết chiến với một con gấu. Cu Dĩnh bị cây to trong rừng đổ vào đè chết.
Bi kịch đau đớn ập tới cuộc đời của gã thợ xẻ, là bài học của nhân quả, của Thiện và Ác. Những mánh lới ma mãnh, những vất vả trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã… hằn lên gương mặt đã ngất đi sau cái chết của đứa con, vì chính hậu quả phá rừng mà Bường đã gây nên.
(Bấm vào đây để xem Video: Cảnh ghê rợn trong Những người thợ xẻ).
Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy
Đi ra từ trang sách lên màn ảnh, Chí Phèo trong ngòi bút của nhà văn Nam Cao được xây dựng một cách chân thực và đầy ám ảnh trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Gương mặt của kẻ khốn cùng trong xã hội nông thôn thời phong kiến làm người xem thấy sợ hãi và chua chát trong lòng.
Nam diễn viên Bùi Cương thể hiện vai Chí Phèo với một gương mặt sẹo đáng sợ
Nhớ trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã miêu tả khuôn mặt ấy: “Nó không còn phải là mặt người, nó là mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi? Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là vết sẹo. Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn nhớ làm sao nổi? Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn; cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi”.
Thị Nở và Chí Phèo - Hai gương mặt đầy xúc cảm khắc tạc điện ảnh Việt
Khi lên màn ảnh, chi tiết gương mặt chằng chịt sẹo ấy được hóa trang khéo léo để biến nam diễn viên Bùi Cường từ một chàng trai trẻ tuổi thành một gã lưu manh dị hợm. Bùi Cường sau này có kể lại, mỗi lần quay anh đều phải bỏ ra 2 tiếng đồng hồ cho việc hóa trang khuôn mặt của Chí. “Ban đầu, tôi cố ý để nhiều sẹo, thể hiện vết tích nham nhở về những lần đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Tuy nhiên, khi đến gặp nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên, anh khuyên nên để sẹo ít thôi, đặc biệt nên có một cái sẹo dài cắt từ lông mày qua mắt xuống tận gò má. Để "ra" được chất lưu manh Chí Phèo nhất, người hóa trang phải vào tận bệnh viện xin keo để dán cho mắt lệch đi”.
Khuôn mặt chằng chịt sẹo ấy cũng biết khóc khi cảm nhận được tình yêu thương
Cái khác trên gương mặt của Chí Phèo trong truyện và Chí Phèo trong phim mang đến những cảm nhận nhiều chiều cho công chúng. Dù khác biệt thì cảm xúc về một gương mặt hằn lên nỗi đau cuộc đời và biết khóc khi cảm nhận thấy tình yêu thương như Chí vẫn luôn làm trái tim của người xem thấy xúc động.
(Bấm vào đây để xem Trích đoạn ấn tượng trong Giấc mơ Chí Phèo).