Mỹ nhân kế gây "nhức mắt"
Mỹ nhân kế có lẽ sẽ "công phá" các rạp chiếu phim trong dịp Tết này bởi dàn diễn viên toàn sao, bối cảnh đẹp, khâu quảng bá rầm rộ... Thế nhưng, doanh thu không phải là sự đảm bảo vàng cho chất lượng phim.
Dũng Khùng hiện được coi là một trong trong "bộ tứ quyền lực” của phim chiếu rạp bên cạnh Charlie Nguyễn, Victor Vũ và Vũ Ngọc Đãng.
4 đạo diễn này đầu có những thế mạnh rất khác nhau. Nếu như Charlie Nguyễn, Victor Vũ có cách làm phim rất hiện đại, đúng chất điện ảnh, Vũ Ngọc Đãng tạo mạch cảm xúc cho phim rất tốt thì Dũng Khùng lại luôn có những ý tưởng vô cùng độc đáo cho phim. Anh đã từng tạo ra một câu chuyện hài hước từ một câu chuyện dân gian (Hồn Trương Ba, Da hàng thịt) hay đưa ra ý tưởng về một gã Thần chết ngô nghê dễ thương, vì phạm tội yêu mà bị phạt phải trở thành Thiên Thần (Nụ hôn thần chết; Giải cứu thần chết) hay ý tưởng về một bộ phim theo kiểu ca nhạc đầu tiên của Việt Nam (Những nụ hôn rực rỡ).
Nguyễn Quang Dũng là một trong "bộ tứ quyền lực" của phim chiếu rạp Việt Nam
Trong Mỹ nhân kế, Dũng "khùng" một lần nữa phát huy được thế mạnh này. Câu chuyện về một tửu điếm ở nơi hoang vu, hẻo lánh gồm toàn các mỹ nhân giỏi võ và ai trong số đó ẩn chứa những đau khổ, những bí mật, những hận thù, những số phận riêng... Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ khiến khán giả và giới truyền thông "phát điên" vì tò mò.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Dũng "khùng" đã không thể nào biến cái ý tưởng sáng tạo đó thành một bộ phim điện ảnh thành công.
Dàn diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng của Mỹ nhân kế
Đầu tiên, tính cách của các nhân vật trong Mỹ nhân kế cũng hết sức nhạt nhòa, thiếu logic. Một Kiều Thị tưởng là sắt đá vậy nhưng lại dễ thỏa hiệp tới bất ngờ. Một ác quan Quan Du ác chẳng ra ác, cứ dở dở ương ương. Một Liễu Thị mà tới tận cuối phim khán giả mới biết cô tên là gì.
Vai Lan Thị hứa hẹn sẽ là một vai diễn ấn tượng, đòi hỏi sự đấu tranh dữ dội trong tâm lý nhưng rất tiếc, Tăng Thanh Hà không có đất để thể hiện điều đó. Trong Mỹ nhân kế, khán giả sẽ vẫn chỉ thấy hình ảnh một cô Trúc của Bỗng dưng muốn khóc mà thôi.
Các nhân vật trong Mỹ nhân kế được cho là có những số phận riêng rất đặc biệt nhưng có lẽ vì nó đặc biệt quá nên khi xem phim xong khán giả chẳng biết họ là ai, có bi kịch gì, tại sao lại được Kiều Thị cứu giúp và tại sao lại phải trú ẩn ở một tửu điếm sâu tít trong rừng hoang?
Tăng Thanh Hà không có cơ hội để thể hiện sự đột phá trong diễn xuất với vai Lan Thị
Mỗi mỹ nhân trong Đường Sơn quán đều sở hữu một hình xăm rất lạ trên lưng. Trong quá trình quảng bá phim, Dũng "khùng" cho hay, mỗi hình xăm sẽ có một ý nghĩa riêng, gắn liền với số phận bi kịch của từng mỹ nhân. Thế nhưng khi xem phim, nó chỉ là dấu hiệu cho thấy họ là các kỹ nữ đã "mất trinh" (mà suy cho cùng, có kỹ nữ nào là còn trinh nên có lẽ, việc những hình xăm đó có cũng như không).
Những hình xăm đẹp nhưng thừa thãi trên lưng các kỹ nữ của Đường Sơn Quán
Không những thế, bộ phim còn chứa đựng quá nhiều những chi tiết vô lý tới khó có thể chấp nhận được. Đầu tiên, tửu điếm Đường Sơn Quán được xây dựng là ở một nơi vô cùng hiểm trở. Xung quanh nó được Kiều Thị và các cô gái khác cài đặt "thiên la địa võng" để khiến cho quan quân triều đình, những kẻ muốn tiêu diệt họ không thể xâm nhập được và phải cài Lan Thị (Tăng Thanh Hà) vào làm do thám.
Điều bất hợp lý ở chỗ tửu điếm này lại nằm sát bờ biển. Những chiếc thuyền của lái buôn, quan lại vẫn đi lại qua đó thường xuyên. Vậy thì cần phóng một mồi lửa hay cho quân ập vào từ đường biển là có thể dễ dàng tiêu diệt được tửu quán. Cần gì tới một tay trong như Lan Thị.
Các kỹ nữ vui đùa trong bể bơi gần biển
Trước khi Mỹ nhân kế bấm máy, các nữ diễn viên chính đã phải bỏ ra 2 năm để tập võ. Thế nhưng, khi xem những cảnh đánh đấm trong phim, khán giả chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Họ đấu kiếm mà như đang múa. Các động tác thiếu sự dứt khoát, thiếu sức mạnh.
Trong khi những cảnh xung truy sát thì được thực hiện một cách cẩu thả tới phản cảm. Rất nhiều khán giả trong rạp đã cười ồ trước chi tiết khi Đào Thị bị một tên lính giết chết, Liễu Thị vô cùng căm hận. Cô chạy tới ôm Liễu Thị. Khán giả hi vọng rằng, cô sẽ phi thanh kiếm thẳng vào tên lính đang đứng sau hòn đá với một sức mạnh kinh hoàng. Và Liễu Thị đã không phụ sự mong ước đó của khán giả. Cô có phi kiếm thật nhưng cái phi nhẹ... hều. Thanh kiếm đâm vào tảng đá kêu cạch một cái và tên lính lăn đùng về phía sau.
Tuy là một bộ phim võ thuật nhưng những cảnh quay đẹp nhất lại là cảnh các mỹ nhân đá cầu. Từng thước phim, từng khuôn hình, từng chi tiết trong cảnh đá cầu được Dũng "khùng" chăm chút một cách tỉ mỉ, chi tiết khiến cho những cảnh đó trở nên đẹp mê hồn.
Những cảnh đá cầu lại được Dũng khùng chăm chút rất kỹ lưỡng
Cũng thật khó để xếp loại Mỹ nhân kế vào thuộc dạng gì. Phim có hát, có đấu võ, có những chi tiết hài hước, có những số phận bi thương, có những bi kịch...nhưng tất cả đều bị Dũng "khùng" làm chưa tới đâm ra bộ phim giống như một nồi lẩu thập cẩm nhạt vị.
Nhân vật Kiều Thị do Thanh Hằng diễn khá tốt nhưng mạch cảm xúc của khán giả luôn bị Dũng khùng làm cho ngắt quãng
Với Mỹ Nhân kế, một lần nữa Dũng "khùng" lại để lộ điểm yếu trong việc dẫn dắt mạch phim. Với tiếu tấu kém nên nhịp phim trở nên rời rạc, không tạo sự liền mạch để nuôi dưỡng cảm xúc của khán giả. Đoạn nào bi thì lại làm chưa tới, chỗ nào cố tỏ ra duyên dáng dí dỏm, hài hước thì lại bị phô.
Về kỹ thuật 3D thì có lẽ là điều mà nhiều người không muốn nhắc tới. Trước khi được khởi chiếu, ekip làm phim đã tiết lộ có "hơn 40 người cho phần hậu kỳ và kinh phí độn lên gấp bốn lần so với 2D thông thường” nhưng kỹ thuật 3D của Mỹ nhân kế quá "lởm". Khán giả xem mà nhức hết cả mắt. Đấy là chưa kể phim không có những chi tiết khiến người xem như đang lọt vào không gian của phim - điều mà những bộ phim 3D phải làm được.
Tuy nhiên, điểm cộng cho phim là phần âm nhạc của phim do nhạc sỹ Huy Tuấn đảm trách. Âm nhạc thực sự đã là một cầu nối đưa khán giả bước vào thế giới của các kỹ nữ trong Đường Sơn Quán. Rất nhiều khán giả khi bước chân ra khỏi rạp đã dành lời khen cho tác phẩm điện ảnh của Dũng "khùng" rằng: Âm nhạc hay!