DV Đất phương Nam: 15 năm nhìn lại
Đất phương Nam được khán giả truyền hình yêu thích bởi câu chuyện cảm động về những người dân Nam bộ chân chất, nghĩa tình.Dù đã 15 năm trôi qua nhưng bộ phim vẫn được nhiều thế hệ hôm nay yêu mến và muốn được xem lại.
Đất phương Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Bộ phim quy tụ nhiều gương mặt của hai thế hệ diễn viên miền Nam, từ ngôi sao nhí Hùng Thuận (bé An) đến diễn viên gạo cội Hồ Kiểng, Mạnh Dung...
Quá trình đi tìm cha của bé An gắn liền với giai đoạn nông thôn Nam bộ chịu cảnh áp bức của thực dân, phong kiến. Cùng với câu chuyện cuộc đời một cá nhân, bộ phim đã làm sống dậy không khí đấu tranh khởi nghĩa của đồng bào miền Nam khi đó.
Giờ đây, qua 15 năm, những diễn viên góp phần tạo nên thành công của Đất phương Nam đều đã khác xưa. Mỗi người chọn cho mình một hướng phát triển sự nghiệp riêng.
Mời độc giả cùng điểm lại những diễn viên được nhiều thế hệ khán giả yêu mến trong bộ phim này:
Hùng Thuận vai bé An
Vai diễn bé An được giao cho Hùng Thuận khi mới 12 tuổi. Dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng tài năng diễn xuất đã giúp anh xây dựng được một “tượng đài” nhân vật sống mãi với thời gian. Cũng chính vai diễn này đã mang về giải Mai Vàng năm 1997 cho Hùng Thuận.
Nhân vật cậu bé An sống mãi với thời gian
Sau khi hoàn thành bộ phim Đất phương nam, “bé An” quay trở về ghế nhà trường, gác lại hoạt động nghệ thuật cho tới khi tốt nghiệp cấp 3.
Xuất phát điểm là vai chính nhưng khi trưởng thành, Hùng Thuận lại chủ yếu tham gia những vai phụ. Một số bộ phim đáng chú ý của anh trong trên màn ảnh nhỏ thời gian gần đây có Cổng mặt trời, Hoa ngũ sắc, Phiên chợ số, Yêu từ thuở nào…
Song song với nghiệp diễn, anh còn lấn sân sang lĩnh vực con âm nhạc. 7 năm theo đuổi ước mơ ca sỹ, Hùng Thuận đã tham gia nhiều nhóm nhạc rồi sau đó tách ra hát solo.
Hình ảnh Hùng Thuận năm 2012
Cuối năm 2008, Hùng Thuận kết hôn với "fan ruột" của Đất phương Nam. Cả hai đã có một cậu nhóc kháu khỉnh.
Con trai Hùng Thuận cũng được gọi đùa là "bé An"
Mặc dù đã trưởng thành và thành đạt nhưng Hùng Thuận vẫn được khán giả yêu mến gọi bằng cái tên gần gũi như xưa - bé An.
Phùng Ngọc vai Cò
Luôn đồng hành bên cạnh bé An chính là cậu nhóc tên Cò. Cò lém lỉnh, láu cá, thường hay tị nạnh với An nhưng cậu bé cũng có một hoàn cảnh rất đáng thương.
Phùng Ngọc vai Cò
Cò mồ côi từ nhỏ nhưng trong ký ức của cậu, hình ảnh người mẹ vẫn hiện lên đầy xúc động.
Khán giả từng xúc động khi nghe Cò tâm sự với An: “Mẹ tao tóc dài lắm. Mỗi lần bà gội đầu, bà kêu tao dội nước. Có lần bà cạo đầu trọc lốc để cầu cho tao lành bệnh. Khi bà bị Tây bắn chết, người ta chở xuồng về, khiêng mẹ tao lên, làm tao khóc quá chừng”.
Trích đoạn nhân vật An và Cò
Vai Cò được giao cho diễn viên nhí Phùng Ngọc - cậu bé có gương mặt sáng sủa thông minh.
Sau thời gian đóng Đất phương Nam, Phùng Ngọc có tham gia thêm bộ phim Ông nội và cháu đích tôn rồi từ đó không theo nghiệp diễn nữa. Tin tức về cậu bé cũng thưa vắng.
Theo lời kể của một người mẹ nuôi thì Ngọc đã làm nhiều nghề xã hội như làm bảo vệ, đi học lái xe… - một lối đi khác không phải là nghệ thuật.
Mạnh Dung vai ông Ba bắt rắn
Đưa hai cậu bé An và Cò dong duổi trên con đường đi tìm cha chính là ông Ba bắt rắn. Ông là một hình tượng đẹp của người dân Nam Bộ chăm chỉ và giàu tình người.
Mạnh Dung vai ông Ba bắt rắn
Ít ai biết rằng nghệ sỹ Mạnh Dung là một người gốc Bắc chính hiệu. Sau khi Nam tiến, ông dường như “thoát xác” và gắn liền với nhiều vai người nông dân Nam bộ.
Mạnh Dung được nhớ đến với hình ảnh mái tóc chấm hoa râm được buộc chỏm phía sau, bộ râu bạc phơ, đôi lông mày phúc hậu như một tiên ông.
Qua mấy chục năm trong nghề, ông đã trở thành giảng viên trường Đại học sân khấu điện ảnh Tp HCM. Song song với nghề dạy, ông còn làm đạo diễn sân khấu cải lương và tham gia một số vai phụ.
Giờ đây, nghệ sỹ Mạnh Dung đã nghỉ hưu và sống hạnh phúc bên cạnh người bạn đời là NSƯT Thanh Dậu.
Hai vợ chồng nghệ sỹ Mạnh Dung
Hồ Kiểng vai ông Ba ngủ
Những giọng hò của ông Ba ngủ trên sông nước miền Tây nghe vừa ngọt ngào vừa khiến người ta cảm động rớt nước mắt.
Cuộc đời lầm than vì cả nhà bị Tây bắn chết, ông Ba cứ thế dong duổi vừa chèo thuyền vừa ca hát.
Nghệ sĩ Hồ Kiểng là người được giao vai diễn này. Cũng như hàng trăm vai phụ khác của ông, ông diễn bằng cả niềm tâm huyết với nghề. (Bấm đây để xem trích đoạn về ông Ba ngủ)
Hồ Kiểng vai ông Ba Ngủ
Hơn 60 năm trong nghề, giờ đây ông đã được vinh danh nghệ sĩ ưu tú. Hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 vở kịch truyền hình, 12 vở cải lương… những con số ấy chắc chắn sẽ không dừng lại với một diễn viên gần 90 tuổi, đang phải dùng một chiếc máy trợ tim đặt trong lồng ngực.
Khó ai có thể yêu nghề diễn như nghệ sỹ Hồ Kiểng. Từng ba lần suýt chết trong khi đóng phim, bị vợ bỏ 3 lần cũng chỉ vì “cái thói” ham diễn tới quên đường về, nhưng chưa bao giờ ông thấy hối hận hay muốn nghỉ diễn.
Giờ đây, tuổi già nhưng ông vẫn sống cô đơn một mình trong một cái nhà kho cũ nằm trên một con phố tấp nập, ồn ã tiếng còi xe.
Nghệ sỹ Hồ Kiểng luôn cười tươi với đời