Vừa báo lãi hơn 17.000 tỷ đồng, đại gia ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Là nhà băng lãi cao nhất trong nửa đầu năm 2022 với gần 17.400 tỷ đồng, đại gia ngân hàng này cũng quyết định gia nhập cuộc đua tăng lãi suất nhằm hút tiền nhàn rỗi từ người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính quý 2 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) cho biết trong 3 tháng gần nhất, Vietcombank ghi nhận gần 12.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi từ hoạt động cho vay), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các mảng kinh doanh ngoài tín dụng của nhà băng cũng đều ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank đã tăng hơn 62%, mang về gần 700 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý vừa qua đóng góp gần 1.500 tỷ cho ngân hàng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt hơn 100 tỷ, tăng gấp 11 lần; trong khi lãi thuần từ các hoạt động khác cũng tăng xấp xỉ 150%, mang về hơn 880 tỷ đồng...
Dù chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 23% nhưng Vietcombank lại tiết giảm được 15% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, kết quả này giúp ngân hàng thu về khoản lợi nhuận trước thuế 7.423 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quý II ghi nhận mức tăng tương đương, đạt 5.942 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, VCB đã ghi nhận hơn 32.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt mức 17.373 tỷ, tăng 28%.
Với kết quả kinh doanh này, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất hệ thống. Xếp sau hiện tại là VPBank với hơn 15.300 tỷ và Techcombank với 14.100 tỷ đồng.
Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm liền trước, tương đương hơn 30.676 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm tài chính, VCB đã hoàn thành 57% kế hoạch này.
Là ngân hàng lãi cao nhất nửa đầu năm nhưng VCB cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm
Là ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế cao nhất hệ thống trong nửa đầu năm 2022, nhưng mới đây VCB cũng đã quyết định gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn gửi, áp dụng với cả tiền gửi tại quầy và gửi online.
Với hình thức gửi tại quầy, Vietcombank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng thêm 0,1 điểm %, theo đó, các kỳ hạn 1-2 tháng được tăng lãi suất từ 3%/năm lên 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm.
Với kỳ hạn 6-9 tháng, Vietcombank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 4%/năm. Tuy nhiên, với kỳ hạn 12 tháng trở lên, ngân hàng tiếp tục tăng 0,1 điểm % lãi suất, đưa lãi tiền gửi kỳ hạn này lên 5,6%/năm và các kỳ hạn 24, 36, 48, 60 tháng lên 5,4%/năm.
Với hình thức gửi online, Vietcombank phổ biến điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện ở mức 3,2%/năm; 3 tháng ở 3,6%/năm; 6-9 tháng nhận lãi suất 4,2%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này chấp nhận đưa ra mức lãi suất 5,8%/năm cho các khách hàng cá nhân.
Đây là lần đầu tiên Vietcombank tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng kể từ cuối năm 2018 đến nay.
Với đợt tăng lãi suất này, Vietcombank đã trở thành ngân hàng quốc doanh tiếp theo tăng lãi suất huy động sau khi BIDV và Agribank điều chỉnh trong tháng 6-7. Đợt điều chỉnh này cũng đưa lãi suất huy động của Vietcombank tăng lên mức tương đương 3 ngân hàng quốc doanh còn lại.
Theo khảo sát, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng xấp xỉ 1-1,5 điểm % từ cuối năm 2021 đến nay. Tuy nhiên, với nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Agribank và VCB mới rục rịch tăng từ tháng 6 và mức tăng chủ yếu ở mức 0,1 điểm %.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc hàng loạt những ngân hàng quốc doanh lớn điều chỉnh tăng lãi suất huy động có thể khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể tăng nhanh hơn vào nửa cuối năm.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Hiện nay mức lãi suất huy động trên 7%/năm đang được hơn chục nhà băng áp dụng tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng. Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất thuộc về ngân hàng An Bình với mức lãi suất 8,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng. Tại kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng mức lãi suất tiết kiệm tại quầy cao nhất thuộc về CBBank với lãi suất huy động 7,7%/năm. CBBank cũng đang là nhà băng có mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất hệ thống là 7,75%/năm ở kỳ hạn 13 tháng.
Chỉ ít ngày sau khi doanh nghiệp báo lỗ kỷ lục trong quý 2/2022, ông Trần Sơn Hải đã xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]