Vietcombank và VietinBank làm ăn ra sao trước khi có lãnh đạo mới?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cả Vietcombank và VietinBank vừa đồng loạt bổ nhiệm người phụ trách Hội đồng quản trị sau khi những người tiền nhiệm được điều động chuyển công tác sang vị trí mới.

Theo đó, ngày 5/7, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank - VCB) công bố thông tin về thay đổi người phụ trách Hội đồng quản trị Vietcombank sau khi ông Nghiêm Xuân Thành được phân công về làm Bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang.

Theo đó, ông Đỗ Việt Hùng, hiện đang đại diện 30% vốn nhà nước tại Vietcombank, điều hành Hội đồng quản trị Vietcombank từ ngày 3/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Ông Đỗ Việt Hùng sinh ngày 2/12/1970, là thạc sỹ quản trị kinh doanh, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) liên kết với Đại học Northwestern và Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).

Trước đó, ông Đỗ Việt Hùng được bầu vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank nhiệm kỳ 2018 -2023 hồi tháng 4/2019, trước đó ông là Vụ trưởng Vụ ổn định tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Hai ngân hàng là Vietcombank và VietinBank đã đồng loạt bổ nhiệm người phụ trách Hội đồng quản trị mới

Hai ngân hàng là Vietcombank và VietinBank đã đồng loạt bổ nhiệm người phụ trách Hội đồng quản trị mới

Cùng ngày, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) cũng có Nghị quyết về việc phân công ông Trần Văn Tần, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank (người đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại VietinBank) phụ trách hoạt động của Hội đồng quản trị ngân hàng kể từ khi ông Lê Đức Thọ thôi giữ chức vụ Chủ tịch VietinBank để về làm Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre.

Theo giới thiệu, ông Trần Văn Tần sinh năm 1968, trình độ Thạc sỹ Kinh tế. Ông được bầu vào HĐQT VietinBank từ 23/4/2019 và là đại diện sở hữu 30% cổ phần của Nhà nước tại VietinBank.

Ông Tần từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như: Phó Trưởng phòng Thị trường và Bảo lãnh, Trưởng phòng Thị trường và Bảo lãnh, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng NHNN; Trưởng phòng Tín dụng Ngành Nông nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành Kinh tế, NHNN.

Trước khi ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ được điều động công tác tại vị trí mới, cả VCB và CTG đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 quý đầu năm 2021.

Theo số liệu được Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây, ước tính lãi trước thuế quý II của VCB đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 8,6% và tăng trưởng tiền gửi tăng không đáng kể so với đầu năm. NIM trong quý II tiếp tục cải thiện lên xấp xỉ 3,3% so với 3,16% trong quý I. Hệ số CIR ước tính là 33,5%, trong khi nợ xấu vẫn dưới 1% và chi phí tín dụng giảm so với quý trước. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 4,9% so với đầu năm.

Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm nay, VietinBank cho biết ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trước đó, năm 2020, ngân hàng đạt 16.450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ. Giai đoạn 2021 - 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10-12%/năm.

Tính đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ từ 1% đến 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu 180%.

Dữ liệu do ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc VietinBank - cung cấp cho thấy, tổng tài sản ngân hàng riêng lẻ cuối quý II đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4,8%, tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh doanh lãi lớn, đại gia Nam Định sắp bỏ túi thêm cả nghìn tỷ đồng

Không chỉ lãi lớn trong kinh doanh, đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài chuẩn bị bỏ túi thêm cả nghìn tỷ đồng từ cổ tức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN