Vì sao ngân hàng phải khống chế lãi suất tiền gửi 9,5%/năm?
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, việc khống chế lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định chính sách tiền tệ.
Ngày 23/12, trao đổi với PV báo Tiền Phong liên quan đến lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại đồng thuận giữ mức lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có ý nghĩa rất lớn.
Giải thích cụ thể hơn, ông Lệnh cho biết, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương trong thời gian qua là cần thiết, để kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp xu hướng và diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới.
“Song lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, việc sử dụng các giải pháp hành chính: cải cách hành chính, giảm chi phí giao dịch, thời gian giao dịch cho khách hàng và đặc biệt đồng thuận giảm lãi suất hoặc không tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại sẽ nhằm trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong hỗ trợ chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương” - ông Lệnh nói.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank
Bên cạnh đó, sự đồng thuận trong việc giữ ổn định lãi suất hoặc không tăng lãi suất, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất của một số ngân hàng thương mại sẽ củng cố và gắn kết hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Sự gắn kết này sẽ mang lại giá trị to lớn cho sự phát triển của chính các ngân hàng thương mại, bởi khi doanh nghiệp được hỗ trợ, được chia sẻ, sẽ phục hồi và tăng trưởng, điều này có tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, mở rộng các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng, khi nhiều nền kinh tế, khu vực kinh tế gặp khó khăn, lạm phát tăng và suy giảm kinh tế có tác động ảnh hưởng nhất định đến kinh tế trong nước. Trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội đã tạo áp lực không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương, đến chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ với yêu cầu phải đạt được mục tiêu kép là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh lãi suất tăng, yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp càng trở nên cần thiết. Vì vậy, ngoài việc sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ, các công cụ thị trường, thì việc sử dụng các biện pháp hành chính hợp lý cũng rất quan trọng và ý nghĩa, nếu thực hiện tốt hiệu quả không chỉ ngắn hạn mà còn mang lại những cơ sở nền tảng tốt trong trung dài hạn trên nhiều phương diện khác nhau.
“Hiệu ứng và tác động của sự đồng thuận này mang tính hỗ trợ và ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt, thực hiện trách nhiệm thì hiệu quả mang lại là không nhỏ, kết quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng sự đồng thuận giữ ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp tiếp tục tạo lập và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân đối với ngành ngân hàng” - ông Lệnh nhìn nhận.
Đến ngày 22/12, nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi tiết kiệm nhằm tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp dịp cuối năm.
Nguồn: [Link nguồn]