Từ vụ mất hàng chục tỷ trong tài khoản tại MSB: Ai là người trả tiền cho khách hàng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc một số tài khoản tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) bị "bốc hơi" hàng chục tỷ đồng. Vậy, Ngân hàng sẽ có trách nhiệm tới đâu? Ai là người trả tiền cho những khách hàng trên? Nạn nhân của vụ việc, sẽ được bảo vệ như thế nào?

Cụ thể, nhiều khách hàng tố bị mất hàng chục tỷ đồng gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), trong đó bà V.T.K.O. (trú tại Hà Nội) cho hay, tháng 3/2021, bà mở tài khoản tại MSB. Từ ngày 30/3/2021, bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản trên, mỗi lần chuyển tiền đều nhận được Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản. Trên Giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân, hoặc Giám đốc chi nhánh, ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB.

Sau nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản và một lần rút gốc, số dư tài khoản của bà O. đến ngày 5/10/2023 là 27,7 tỷ đồng, theo xác nhận của ngân hàng.

Từ vụ mất hàng chục tỷ trong tài khoản tại MSB: Ai là người trả tiền cho khách hàng? - 1

"Trong tất cả những lần khách hàng bị mất tiền liên quan tới các ngân hàng trong thời gian qua, 99% là lỗi từ phía ngân hàng" - Luật sư Trương Thanh Đức

Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà O. yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở thì phát hiện tài khoản chỉ còn số dư 46.328 đồng.

Trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều giao dịch chuyển, rút tiền không phải do bà O. yêu cầu/thực hiện. Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư MSB thông báo trên các Giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản hoặc email do MSB cung cấp/gửi cho bà O. tại thời điểm tương ứng.

Trước đó, bà N.T.L cũng phản ánh đến báo chí về việc số tiền hơn 58 tỷ đồng gửi tại MSB đã "bốc hơi" chỉ còn chưa đến 100.000 đồng. Đáng nói là cách thức mất tiền cũng diễn ra tương tự như trường hợp của bà V.T.K.O.

Trước sự việc trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đã có thông tin về việc khách hàng mất tiền tại MSB.

Trên thực tế, trong các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khá bị động. Câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này là quyền lợi người gửi tiền - những người được xác định là nạn nhân của vụ việc, sẽ được bảo vệ như thế nào? Trong trường hợp nào ngân hàng chịu trách nhiệm và trong trường hợp nào thì cá nhân phải chịu trách nhiệm? Đặc biệt, khách hàng cần làm gì để bảo vệ chính mình?

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, vụ việc này cũng giống như nhiều vụ việc bị mất tiền trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng đã xảy ra trước đây.

Điểm chung của các vụ việc là khách hàng tin tưởng cán bộ ngân hàng, giao dịch với nhân viên ngân hàng và tại phòng giao dịch/chi nhánh ngân hàng, nhưng sau đó đã bị các đối tượng này dùng các thủ đoạn để rút và chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiết kiệm.

Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước, quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền.

Dưới góc độ Luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó.

Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.

Chia sẻ thêm với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho hay, với các trường hợp mất tiền tại ngân hàng MSB như vừa nói, trước hết chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an, cần phải xác minh làm rõ nguyên nhân tuy nhiên, cũng có trách nhiệm thuộc về ngân hàng.

Nếu tất cả các ngân hàng đều làm đúng quy trình, từng bộ phận cũng đều làm chuẩn thì khách hàng hoàn toàn yên tâm giao dịch ở mọi hình thức. Nhưng thực tế, có nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, cho thấy chính bản thân nhân viên đã cố tình vi phạm làm sai, để nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ ngân hàng.

“Trong tất cả những lần khách hàng bị mất tiền liên quan tới các ngân hàng trong thời gian qua, tôi cho rằng 99% là lỗi từ phía ngân hàng, trong đó cụ thể là lỗi của nhân viên đã làm sai nguyên tắc (vô tình hoặc cố tình lừa ngân hàng) và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ngân hàng. Khách hàng không vi phạm, khách hàng chỉ là người liên quan. Khi họ đến ngân hàng giao dịch thì luôn là người được bảo vệ. Doanh nghiệp rút tiền còn có kế toán trưởng, có ủy nhiệm chi, còn ở đây khách hàng không thực hiện giao dịch, (có những trường hợp ký khống hay ký giấy không có nội dung) mà lạ là trong quy trình nguyên tắc bảo mật như vậy mà vẫn có thể rút tiền" – ông Đức nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức đồng thời cho rằng, cũng có một số trường hợp, khách hàng giao tiền cho người không thuộc nhân sự của ngân hàng (đã nghỉ việc) hoặc không đúng bộ phận và không đúng quy trình thì khi xảy ra sự việc mất tiền, lúc đó sẽ là lỗi của khách hàng.

"Đối với khách hàng thì tuyệt đối phải bảo mật thông tin giao dịch. Không đưa cho bất kỳ người nào khác, kể cả nhân viên ngân hàng và phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ... Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không được giao dịch ngang tắt với nhân viên ngân hàng. Về phía ngân hàng, nhân viên cần tuân thủ mọi nguyên tắc, yêu cầu an toàn trong giao dịch với khách hàng. Ngân hàng cần đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và có các biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên" - Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, với tất cả những giao dịch với ngân hàng, dù ở hình thức nào thì khách hàng hãy nên cẩn thận đến giao dịch trực tiếp và xác định đúng đó là nhân viên ngân hàng thuộc phòng ban, đơn vị đó; kiểm tra kỹ các thông tin về số tiền, ngày tháng, lãi suất,... để giảm thiểu các sai sót đáng tiếc”.

Các chuyên gia cũng đồng thời lưu ý, khách hàng nếu rơi vào tình huống này, trước tiên cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá cổ phiếu của CTCP PIV (UPCoM: PIV) tiếp tục với phiên thứ 7 tăng hết biên độ, đánh dấu chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp từ 20/03/2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN