"Toát mồ hôi" rao bán nợ, BIDV chỉ mong thu hồi nợ gốc của ông chủ thời trang NEM
Sau nhiều lần rao bán không thành công, ở lần rao bán mới nhất ngân hàng BIDV hiện chỉ còn mong thu hồi được khoản nợ gốc của ông chủ sáng lập thương hiệu thời trang NEM.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ra thông báo bán lần thứ 9 bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus.
Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, người được biết đến là nhà sáng lập thương hiệu thời trang NEM.
Theo thông báo của BIDV, số dư của khoản nợ tính đến 15/4 năm nay là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi gần 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bằng 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.
Giá khởi điểm khoản nợ ở lần rao bán thứ 9 này là 257 tỷ đồng, đúng bằng số nợ gốc và chỉ bằng một nửa giá trị của khoản nợ của doanh nghiệp.
BIDV vẫn chưa thể xử lý được khoản nợ xấu trăm tỷ đồng của ông chủ sáng lập thời trang NEM
Ngoài việc phải “đại hạ giá” khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus, BIDV cũng đang miệt mài rao bán khối tài sản đảm bảo trăm tỷ để xử lý nợ xấu của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên.
Theo đó, trong lần rao bán thứ 6 khoản nợ xấu của hai doanh nghiệp này, BIDV cũng chỉ đưa ra mức giá khởi điểm bằng hơn một nửa số dư nợ của khách hàng.
Cụ thể, BIDV cho biết tổng dư nợ tạm tính của Nhà Bách Giang đến ngày 30/9 là 244,5 tỷ đồng. Trong khi, dư nợ của Công ty Cao Nguyên là hơn 253 tỷ đồng.
Khoản nợ được rao bán lần thứ 6 với giá khởi điểm gần 281 tỷ đồng, giảm 31 tỷ đồng so với lần rao bán thứ 5 và giảm hơn 190 tỷ, tương đương giảm hơn 43% so với lần rao bán đầu tiên.
Trong lần rao bán thứ 6 khoản nợ nghìn tỷ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy, ngân hàng BIDV cũng đã phải giảm giá khởi điểm xuống chỉ còn chưa đầy 693 tỷ đồng.
Mức giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra đã giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán cuối tháng 7 và đã giảm 342 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 5 (tức giảm tới 33%).
Trong guồng quay rao bán nợ xấu, không chỉ BIDV, hiện hàng loạt ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, VIB,… cũng đang rao bán hàng loạt khoản nợ xấu với mức giá đưa ra lần sau thấp hơn lần trước.
Trong đó, VietinBank trong 6 lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường với mức giá ra bán giảm 20 tỷ đồng so với lần đầu...
Vietcombank cũng vừa rao bán hàng loạt tài sản là bất động sản tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Tính đến 30/9, khoản nợ của công ty này tại Vietcombank đã lên đến 34,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá khởi điểm cho lần thứ 10 phát mại, ngân hàng đưa ra mức giá còn 22,3 tỷ đồng.
Sacombank, VIB cũng đang miệt mài xử lý những khối nợ xấu lên tới cả nghìn tỷ đồng. Mới nhất, Sacombank thông báo về việc tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi phát sinh từ năm 2012.
Tính đến ngày 19/7, tổng giá trị của khoản nợ là hơn 1.005,4 tỷ đồng, bao gồm 424,4 tỷ đồng nợ gốc và gần 581 tỷ đồng nợ lãi.
Ngoài khoản nợ nói trên, Sacombank cũng đang mang hơn chục khoản nợ khác với giá trị từ vài chục tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng ra bán đấu giá. Trong đó, Trong đó có khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, khoản nợ 1.143 tỷ của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, khoản nợ 2.402 tỷ đồng của loạt Công ty Bất động sản Quang Vinh; Công ty Nam Đô Long và 3 cá nhân liên quan,…
Nguồn: [Link nguồn]
Ngôi làng này trở thành miền đất hứa với nhiều người từ khắp nơi đổ đến làm ăn.