Thống đốc: Ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt, cố gắng hạ tiếp lãi suất vay từ 1-1,5%

Sự kiện: Kinh Doanh

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, sáng nay (31/3) Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ký ban hành chỉ thị số 02 yêu cầu NHNN các tỉnh và các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch. Thống đốc khẳng định cần tập trung nguồn lực hạ lãi suất vay, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn ngành vào cuộc "chống dịch như chống giặc"

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn ngành vào cuộc "chống dịch như chống giặc"

Thống đốc:  Không chia cổ tức tiền mặt, tập trung  nguồn lực giảm lãi suất

Tại chỉ thị 02, Thống đốc yêu cầu toàn ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tập trung triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch bệnh trong tình hình mới theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo.

Trao đổi với Tiền phong về chỉ thị này, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: sẽ yêu cầu người đứng đầu như Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước Thống đốc NHNN về việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách và các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh.

“NHNN sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong triển khai hoặc vi phạm các quy định hiện hành”, Thống đốc nói. 

Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các NHTM và TCTD cần chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

“Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp còn có nhiều cái khó. Nhưng quan điểm của NHNN đây vừa là biện pháp điều hành để hỗ trợ tối đa nền kinh tế vừa trên tinh thần kêu gọi các Ngân hàng chia sẻ khó khăn tối đa với khách hàng vay. Ngân hàng Nhà nước biết không phải ngân hàng nào cũng có điều kiện để dễ dàng giảm sâu lãi suất nhưng tinh thần là cần cố gắng hết sức”, Thống đốc nói.

 Được biết, ngay sau khi ban hành văn bản  này, chiều nay, NHNN sẽ có cuộc họp khẩn do Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú chủ trì với gần 20 tổ chức tín dụng để  lan tỏa tinh thần của chỉ thị và đề nghị các ngân hàng cùng vào cuộc hạ lãi suất ít nhất từ 1-1,5% cho khách hàng trong thời gian tới.

Các NHTM sẽ không chia cổ tức tiền mặt để tập trung nguồn lực hạ lãi suất vay 

Các NHTM sẽ không chia cổ tức tiền mặt để tập trung nguồn lực hạ lãi suất vay 

Liên quan đến gói hỗ trợ cho lao động mất việc mà Bộ Lao động Thương binh Xã hội đang đề xuất, theo Thống đốc, chính sách tiền tệ sẽ tham gia theo tinh thần sẽ “xuống tiền” khi Chính phủ chỉ đạo nhưng phải hiểu đó là NHNN cho vay để doanh nghiệp thông qua  đề xuất của Bộ LĐTBXH.

"NHNN sẽ tham gia vào gói an sinh xã hội dưới hai góc độ. Thứ nhất qua đề xuất hỗ trợ người mất việc tạm thời  cho vay để trả lương trợ cấp. Cái này NHNN sẽ dùng nguồn tiền từ tái cấp vốn với lãi suất 0%. Thứ hai, thông qua Ngân hàng Chính sách để cơ cấu lại nợ cho người nghèo, người khó khăn và giảm tiếp lãi suất cho vay.", Thống đốc Hưng nói.

Chỉ thị 02 nói gì?

Tại chỉ thị, NHNN nêu rõ: đối với các đơn vị tại NHNN trung ương, cần linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. Sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

 Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của TCTD theo chỉ đạo của NHNN và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các TCTD nhằm đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới khôi phục sản xuất; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, chỉ thị này yêu cầu tăng cường vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

“Có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Đồng thời giám sát, theo dõi xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục"

Đối với các tổ chức tín dụng, chỉ thị 02 cũng khẳng định cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Cụ thể ở đây là chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.  

“Cần xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.”,  văn bản nhấn mạnh.

Cùng đó, các NHTM và TCTD  cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, trong đó có tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách; phát hiện và kiên quyết xử lý kịp thời việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Giá vàng hôm nay 1/4: Bất ngờ lao xuống đáy khi số ca nhiễm COVID-19 tăng chưa từng thấy

Giá vàng thế giới lao xuống đáy 1 tuần do sức ép bởi dữ liệu niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tốt hơn dự báo và sự hồi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN