Tháng tư, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lãi cao nhất?
Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm. Tính đến thời điểm ngày 1/4, mức cao nhất là là 7,6%/năm thuộc về SCB với kỳ hạn 13 tháng.
Khảo sát tại các ngân hàng thời điểm đầu tháng tư, cho thấy, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn đang là quán quân về lãi suất tiết kiệm, với lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,6%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Nằm trong TOP 2 về lãi suất tiết kiệm cao nhất gồm ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ACB, với lãi suất 7,1%/năm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này điều kiện tại Techcombank và ACB có sự khác biệt lớn.
Tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm 12 tháng, trả lãi cuối kỳ, với mức tiền gửi từ 999 tỷ trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn mới được áp dụng mức lãi suất này. Trong khi đó, khách hàng của ACB chỉ cần gửi từ 100 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.
Tháng 4, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong "Top 3" với 7%/năm.
Một số ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất gần 7%/năm như ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm; ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm; ngân hàng TMCP Bắc Á 6,8%/năm; ngân hàng TMCP Kienlongbank 6,75%/năm...
OCB tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6% một năm ở kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,5% một năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, NamABank, đơn vị vốn giữ ngôi quán quân lãi suất gửi tiết kiệm online, lần này tăng thêm 0,2% cho kỳ hạn 6 tháng.
Với kênh giao dịch tại quầy, ngân hàng khuyến khích gửi tiền dài hạn khi phần lớn lãi suất được tăng ở các kỳ 6, 9 và 12 tháng. MB Bank tăng mạnh nhất khi thêm 0,4% cho lãi suất tiền gửi 12 tháng, lên mức 5,5%. Tuy nhiên nhà băng này vẫn xếp thứ ba trong nhóm ngân hàng có lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.
BacABank đợt này tăng thêm 0,3% lãi suất cho tiền gửi 6 tháng và 0,1% cho kỳ 12 tháng. Từ vị trí thứ ba, nhà băng này về nhì lãi suất tiết kiệm tại quầy trên thị trường.
Với nhóm các ngân hàng lớn là ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất tiết kiệm vẫn giữ ổn định.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng này là 5,6%/năm áp dụng tại Vietcombank, VietinBank và 5,5%/năm tại Agribank, BIDV.
Nhìn chung mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được nâng lên đáng kể sau đợt điều chỉnh này. Có một nửa nhà băng được khảo sát đưa ra lãi suất từ 6% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, giao dịch tại quầy. Tỷ lệ này ở kênh online được nâng lên gần hai phần ba.
Lãi suất ngày càng nhích lên giúp số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng có sự tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 1, tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đạt hơn 5.400 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021. Chỉ trong một tháng, người dân mang gửi thêm vào ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này cao nhất trong vòng 10 tháng, tính từ tháng 2/2021.
Các chuyên gia SSI cho rằng, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021.
“Mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát” – chuyên gia SSI nhận định.
Đơn vị này cho biết, tương lai có thể xuất hiện kịch bản lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến. Mặc dù diễn biến lãi suất huy động từ đầu năm đến nay phù hợp với kỳ vọng của SSI nhưng rủi ro lạm phát vẫn là một mối lo ngại, đặc biệt là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng nhanh.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu tháng 4, thị trường tiếp tục đi ngang gần vùng giá 1.495 – 1.500 điểm và cơ hội cho dòng tiền quay trở lại...
Nguồn: [Link nguồn]