Thân thế Thạc sĩ 48 tuổi làm Chủ tịch ngân hàng Vietcombank
Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Vietcombank, Thạc sĩ 48 tuổi đã có kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ngày 30/8, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị ngân hàng Vietcombank đã bầu ông Phạm Quang Dũng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023 kể từ ngày 30/08/2021.
Như vậy, sau gần 2 tháng kể từ khi ông Nghiêm Xuân Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietcombank được Bộ Chính trị phân công, điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ngân hàng Vietcombank đã chính thức có tân Chủ tịch nhiệm kỳ đến năm 2023.
Ông Phạm Quang Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank
Theo giới thiệu của ngân hàng Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/04/1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), đã có kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ông Phạm Quang Dũng bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, trải qua nhiều vị trí công tác tại Phòng Đầu tư và Bảo lãnh; Phòng quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính.
Thạc sĩ 48 tuổi cũng đã kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Trước khi được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014 đến nay.
Cùng ngày, trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT Vietcombank cũng thống nhất giao ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc ngân hàng phụ trách Ban điều hành Vietcombank đến khi có nhân sự tổng giám đốc chính thức.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã kiểm toán của Vietcombank cho thấy trong 6 tháng đầu năm nhà băng ghi nhận hơn 28.588 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 24%, mang về gần 21.200 tỷ đồng; lãi từ dịch vụ tăng 69%, đạt 3.866 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 5%, đạt 2.028 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 4%, đóng góp hơn 1.371 tỷ đồng…
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của ngân hàng trong 6 tháng hết 9.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng cũng tăng hơn 37% lên mức 5.500 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 13.573 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Với mức lợi nhuận này, Vietcombank đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng và vẫn là quán quân lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt hơn 10.862 tỷ đồng, cũng tăng gần 24% so với con số lợi nhuận sau thuế hơn 8.788 tỷ đồng nửa đầu năm 2020.
Ngân hàng Vietcombank cũng đang có hơn 47,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối trong đó, lợi nhuận để lại của năm trước là hơn 36,5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm là 10.862 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục vượt mức 1,3 triệu tỷ đồng, tuy nhiên có giảm nhẹ 1,01% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,8% so với đầu năm, đạt gần 922.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cùng thời gian này ghi nhận mức tăng 1,9%, đạt trên 1,05 triệu tỷ đồng.
Tổng nợ xấu nội bảng đến cuối quý 2 của Vietcombank vào khoảng 6.865 tỷ, tăng 31% so với đầu năm và tương đương 0,74% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tuy vậy, nhà băng này lại có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất thị trường khi chi phí dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đang trích lập hơn 24.150 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ hơn 350%.
Với khoản lỗ lũy kế hơn 7.372 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động...
Nguồn: [Link nguồn]