Thân thế nữ Chủ tịch ngân hàng 8X trẻ nhất Việt Nam
Danh hiệu Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam một lần nữa đổi chủ khi Ngân hàng TMCP Kiên Long có sự thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị.
Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (KLB) mới công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị ngân hàng. Với quyết định này, Việt Nam có thêm 1 nữ tướng 8X ngồi “ghế nóng” ngành ngân hàng.
Theo đó, HĐQT ngân hàng đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân.
Kienlongbank có sự thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị ngân hàng
Để thay thế ông Phương, các thành viên ban quản trị ngân hàng đã bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5.
Theo tìm hiểu, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, là một trong 2 thành viên HĐQT Kienlongbank được bầu bổ sung trong phiên họp cổ đông bất thường ngày 28/1 của nhà băng này. Hiện bà Hằng cũng là Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine, một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn mới nổi ở khu vực phía Bắc.
Với quyết định mới được KLB công bố, bà Trần Thị Thu Hằng sẽ trở thành nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam soán vị trí của ông Dương Nhất Nguyên, sinh năm 1983 cũng mới được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng VietBank nhiệm kỳ mới 2021-2025.
Theo báo cáo tài chính quý 1 được ngân hàng công bố, trong 3 tháng đầu năm Kienlongbank ghi nhận tổng tài sản hợp nhất tăng hơn 8,1%, đạt 61.942 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng (tăng 7,42% so với năm 2020); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng (tăng 2,97% so với năm 2020).
Bà Trần Thị Thu Hằng trở thành Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam
Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%.
Các chỉ tiêu này giúp lợi nhuận trước thuế riêng quý I của ngân hàng đạt tới 703 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm liền trước. Kết quả lợi nhuận này cũng tương đương với việc Kienlongbank đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 dù mới chỉ đi qua quý kinh doanh đầu tiên.
Theo lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng trưởng cao là do trong quý 1 năm 2021 Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng mới được tổ chức, ban lãnh đạo Kienlongbank đặt tham vọng đưa lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lên mức 1.000 tỷ, tăng hơn 532% so với số thu về năm 2020 (lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng là 158,2 tỷ đồng).
Cũng theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Kienlongbank sẽ đạt 66.800 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn dự kiến tăng 14%, đạt 59.400 tỷ đồng và dư nợ tín dụng tăng 38%, đạt 44.600 tỷ.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với cơn sốt đất đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, các đại gia trong ngành bất động sản cũng thi nhau báo...