Tân tổng giám đốc ngân hàng SeABank sở hữu khối tài sản thế nào?
Vị trí Tổng giám đốc tại ngân hàng SeABank đã có chủ mới sau gần nửa năm khi bà Lê Thu Thủy từ nhiệm hồi tháng 7/2022.
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - SSB) đã bổ nhiệm ông Loic Faussier giữ chức Tổng giám đốc có thời hạn 2 năm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/1. Trước khi ông Loic Faussier được bổ nhiệm, ghế Tổng giám đốc của SeABank đã để trống nửa năm từ khi bà Lê Thu Thủy từ nhiệm hồi tháng 7/2022. Như vậy, ban điều hành SeABank hiện gồm một Tổng giám đốc và 9 Phó tổng giám đốc.
Theo giới thiệu, ông Loic Faussier sinh năm 1972 tại Pháp, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế của Đại học Paris Assas và sở hữu 2 bằng thạc sĩ gồm: Thạc sĩ tài chính - Đại học Paris Dauphine và Thạc sĩ Luật kinh doanh – Học viện Chính trị Paris.
Ông Loic Faussier được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc SSB
Tân tổng giám đốc của SSB đã có hơn 25 năm kinh nghiệm công tác tại nhiều vị trí quan trọng trong các Tổ chức tài chính, Ngân hàng lớn ở Pháp, Hong Kong và Nhật Bản như: Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng HSBC Nhật Bản, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB),...
Ông Loic Faussier cũng từng là Phó tùy viên tài chính phòng Thương mại của Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh và từng làm việc cho Citibank ở Paris.
Tại Việt Nam, ông từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) trước khi chuyển sang công tác tại SeABank. Trước khi chính thức được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc SeABank từ ngày 3/1, ông Loic Faussier là Phó Tổng giám đốc cao cấp phụ trách điều hành hoạt động ngân hàng từ tháng 7/2022, và từng là Thành viên độc lập HĐQT của SeABank nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Hiện ông Loic Faussier sở hữu 200.000 cổ phiếu SSB, được mua thông qua chương trình phát hành ưu đãi cho người lao động năm ngoái. Với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1 là 33.300 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần tân tổng giám đốc của SSB nắm giữ có giá khoảng 6,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, SeABank đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế hơn 4.016 tỉ đồng (tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ năm 2021); tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỉ đồng; được Moody’s nâng đánh giá xếp hạng lên mức Ba cho nhiều danh mục…
Bên cạnh đó, SeABank cũng đã nhận được các khoản huy động vốn trung và dài hạn trị giá lên đến 495 triệu USD từ các tổ chức tài chính uy tín thế giới như: Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư nước ngoài như responsAbility, BlueOrchard, BRED, OPEC Fund, Kasikorn Bank.
Nguồn: [Link nguồn]
Trái ngược với đà suy giảm của một số kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, BĐS, năm 2022 lại chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của kênh lãi tiết kiệm ngân hàng.