"Ông lớn" ngân hàng được đề xuất tăng vốn thêm gần 20.700 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khi được đề xuất tăng vốn thêm gần 20.700 tỷ đồng, Vietcombank đang là một trong những ngân hàng thương mại Nhà nước hoạt động hiệu quả nhất khối ngân hàng.

Chiều 24/9, cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết, mức vốn và phương án bổ sung vốn Nhà nước tại VCB như trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo đó, VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói việc bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank phù hợp với chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025.

Ngân hàng Vietcombank được đề xuất tăng vốn điều lệ thêm gần 20.700 tỷ đồng

Ngân hàng Vietcombank được đề xuất tăng vốn điều lệ thêm gần 20.700 tỷ đồng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đề xuất tăng vốn cho ngân hàng này bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lấy ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Ngân hàng Mizuho Corporate Bank - đơn vị nắm 15% vốn điều lệ của Vietcombank. Việc này nhằm thuận lợi trong quá trình tăng vốn.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, vốn điều lệ được tăng thêm cần sử dụng cho mở rộng kinh doanh, tăng tín dụng và các chính sách hỗ trợ kinh tế của ngân hàng này, thay vì đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số, lần lượt 9.526 tỷ và 17.155 tỷ đồng.

Trước khi được đề xuất tăng vốn điều lệ thêm gần 20.700 tỷ đồng, Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, bên cạnh BIDV, VietinBank và Agribank. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 sau kiểm toán của ngân hàng này cho biết thu nhập lãi thuần nửa đầu năm ghi nhận hơn 27.985 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.

Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ xuống lần lượt 2.940 tỷ đồng, 2.358 tỷ đồng và 21,5 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm hơn 50% từ 1.341 tỷ đồng xuống còn 532 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng ghi nhận hơn 191 tỷ đồng. Kết quả VCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 34.032 tỷ đồng, giảm hơn 1.900 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của VCB ghi nhận 10.176 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm từ 4.558 tỷ đồng xuống còn 3.022 tỷ đồng, kết quả VCB báo lãi trước thuế 20.835 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế 20.499 tỷ đồng nửa đầu năm 2023. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, VCB báo lãi 16.711 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/6, VCB có tổng tài sản 1,905 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 55.890 tỷ đồng, nhà băng có hơn 93.397 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Cho vay khách hàng của VCB là hơn 1,369 triệu tỷ đồng, trong đó nợ cần chú ý chiếm hơn 4.875 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn hơn 3.048 tỷ đồng, nợ nghi ngờ hơn 3.379 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 10.017 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, đại gia này sẵn sàng bỏ ra số tiền lên đến 700 triệu đồng/tháng để thuê mặt bằng chỉ để bán rau củ hữu cơ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN