Nợ xấu ngân hàng Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy tăng hơn 50%

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngân hàng của Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy ghi nhận nợ xấu tăng hơn 50% trong năm 2021. Nhà băng này cũng đã phải tăng cường trích lập dự phòng lên hơn 3 lần so với năm 2020.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy mới công bố cho biết trong quý 4/2021 thu nhập từ lãi và các khoản tương tự giảm nhẹ so với cùng kỳ về mức 8.455 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí lãi giảm đáng kể so với cùng kỳ nên ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 4.794 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với con số 4.415 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ ACB ghi nhận kết quả tích cực từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 237 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lên 58 tỷ đồng, trong khi chi phí các hoạt động khác giảm chỉ còn 65 tỷ đồng.

Dù vậy, chi phí hoạt động doanh nghiệp quý 4/2021 của ACB ghi nhận đà tăng mạnh lên 2.417 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả, ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 3.554 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 3.432 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Trong quý 4/2021, ACB trích lập dự phòng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 lên 524 tỷ đồng, ngân hàng của Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy báo lãi trước thuế 3.029 tỷ đồng, sụt giảm 4,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Nhiều mảng kinh doanh của ACB có kết quả khả quan.

Nợ xấu ngân hàng Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy tăng hơn 50% trong năm 2021

Nợ xấu ngân hàng Chủ tịch “soái ca” Trần Hùng Huy tăng hơn 50% trong năm 2021

Cụ thể, thu nhập lãi thuần năm 2021 tăng 30% đạt 18.944 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng mạnh, trong đó lãi từ dịch vụ tăng tới 71% đạt 2.893 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 27% đạt 871 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng tới 170% đạt 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại kém khả quan hơn, chỉ có lãi 244 tỷ trong năm 2021, giảm 66,7% so với năm trước. Lãi từ hoạt động khác cũng giảm một nửa, đạt 139 tỷ đồng.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động năm qua của ACB đạt 23.564 tỷ đồng, tăng 29,7%. Chi phí hoạt động tăng 7,9% lên 8.230 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng đạt 15.334 tỷ đồng, tăng 45,5%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 của ngân hàng cũng cho thấy, nợ xấu trong năm 2021 của ACB tăng gấp rưỡi lên 2.799 tỷ đồng.

Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 đều tăng mạnh lần lượt 153% và 114% lên 537 tỷ và 882 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nợ có khả năng mất vốn tăng lên thành 1.380 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,6% cuối năm 2020 lên 0,78% cuối năm 2021.

Do nợ xấu tăng hơn 50% trong năm 2021, ACB đã phải tăng cường trích lập dự phòng với chi phí dự phòng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020, đạt 3.336 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ACB đạt 527.770 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2020. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 361.912 tỷ đồng.

Huy động tiền gửi khách hàng của ACB tăng 7,6% trong năm 2021 lên 379.920 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 87.534 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với kết quả kinh doanh được cải thiện trong năm 2021, mới đây ACB cũng có sự thay đổi lớn trên băng ghế lãnh đạo khi Phó tổng giám đốc Từ Tiến Phát thay ông Đỗ Minh Toàn đảm nhiệm vị trí "thuyền trưởng" ACB từ 14/1 vừa qua.

Ông Phát sinh năm 1974, tốt nghiệp Cử nhân kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Đến nay, tân Tổng giám đốc ACB có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước đó, ông Phát từng là thành viên đại diện cho ACB tham gia quản trị tại Ngân hàng Đại Á.

Trước khi lên làm tổng giám đốc, ông Phát là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân ACB từ năm 2015.

Trong thông báo bổ nhiệm, ACB cho biết "ông Phát là người đại diện thế hệ nhân sự trẻ trưởng thành và kế thừa tinh thần lãnh đạo của ngân hàng dựa trên năm giá trị cốt lõi: chính trực, cẩn trọng, cách tân, hài hòa và hiệu quả".

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp của đại gia hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn lợi nhuận lao dốc hơn 98%

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp của đại gia hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đã lao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN