Những ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay
Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư như BĐS, vàng, chứng khoán chịu biến động mạnh, nhiều ngân hàng đã liên tục tăng lãi suất để hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân.
Từ đầu năm đến nay các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, BĐS ghi nhận sự biến động mạnh khiến nhiều nhà đầu tư “mất ăn mất ngủ”.
Theo đó, giá vàng trong nước ngày càng rời xa mốc 70 triệu đồng/lượng, kênh BĐS cũng đã bắt đầu có hiện tượng cắt lỗ với những người sử dụng đòn bẩy tài chính cao khi lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng. Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận mức giảm tới 20%, trong đó nhiều mã cổ phiếu thậm chí giảm sâu tới 70-80% từ mức đỉnh chỉ trong một thời gian ngắn.
Trái ngược với đà lao dốc của vàng, BĐS và chứng khoán, kể từ đầu năm đến nay lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất vượt mức 7% thậm chí lên tới 8,3%/năm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân.
Thống kê cho thấy, ở một số ngân hàng trong gần 6 tháng đầu năm đã có tới 4 đợt tăng lãi suất, mức tăng phổ biến trong khoảng 0,5-1,5 điểm % so với cuối năm 2021. Hiện có khoảng 10 nhà băng trả lãi suất tiền gửi trên 7%/năm ở một số kỳ hạn, trong đó, chủ yếu áp dụng với hình thức gửi online.
Ngân hàng SCB đang có lãi suất huy động cao nhất thị trường ở nhiều kỳ hạn
Trong đó, ngân hàng SCB nhà băng đang có lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn cao nhất hệ thống với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 đến 36 tháng đang được nhà băng này áp dụng là 7,3%/năm, tương đương khách hàng gửi 100 triệu đồng sẽ nhận thêm 7,3 triệu đồng lãi suất sau 1 năm.
Nếu gửi online, người gửi tiền tại SCB sẽ được cộng thêm 0,15-0,3 điểm % lãi suất tùy kỳ hạn, nâng lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 7,55%/năm với kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng.
Ngân hàng ABBank hiện đang có lãi suất huy động cao nhất thị trường ở kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,3%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được nhà băng này tính làm tham chiếu cho các khoản vay của khách hàng.
Kienlongbank cũng đang trả lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất 7,3%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi ở kỳ hạn 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, Kienlongbank lần lượt đưa ra mức lãi suất 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng; 7%/năm với kỳ hạn 18 tháng.
Trong khi đó, NamABank đưa ra mức lãi suất hấp dẫn với hình thức gửi tiết kiệm online khi khách hàng được cộng thêm tới 0,7 điểm % so với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy.
Cụ thể, nếu gửi online, mức lãi suất khách hàng nhận được tại ngân hàng này sẽ là 7,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng và tối đa 7,4%/năm với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Mức lãi suất tiết kiệm online của NamABank chỉ đứng sau SCB.
Tương tự, PVCombank cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động 7,25%/năm với kỳ hạn 18 tháng trở lên, cao hơn 0,6 điểm % so với kênh gửi tại quầy. Ngân hàng VietABank hiện cũng trả lãi suất tiền gửi online ở mức 7,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.
Ngoài nhóm ngân hàng trên, hiện hàng loạt nhà băng cũng niêm yết lãi suất tiền gửi 7%/năm trở lên ở một số kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) như BaovietBank; Vietcapital Bank; CBBank; VietBank, LienVietPostBank, SHB,…
Cụ thể, BaovietBank có lãi suất huy động 7%/năm với các khoản tiền gửi online từ 18 tháng trở lên. Ngân hàng Bắc Á áp dụng mức lãi suất 7%/năm với các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở lên. Ngân hàng SHB áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho khoản tiền gửi online ở kỳ hạn 18 tháng…
Ngân hàng CBBank áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 7% cho các khoản tiền gửi online 12 tháng và mức lãi suất 7,05% cho kỳ hạn 13 tháng gửi online. Nhà băng này cũng áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho các khoản tiết kiệm tại quầy tại các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù nguồn cung BĐS mới ngày càng khan hiếm thì nhiều nhà băng vẫn đang chật vật rao bán loạt dự án BĐS của các chủ đầu tư để xử lý nợ xấu.