Nhà mạng và ngân hàng đồng thuận phí SMS Banking 11.000 đồng/tháng, ai được lợi?
Ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu phí SMS Banking chung là 11.000 đồng/tháng, tuy nhiên một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng với mức này, họ vẫn phải bù lỗ như trước.
Sau hai năm ngân hàng đề xuất nhà mạng giảm phí SMS Banking, hai bên gần đây đã có cuộc trao đổi để tìm ra phương án thu phí hợp lý hơn. Sau cuộc họp, các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất được phương án thu phí chung là 11.000 đồng/tháng, có nghĩa phí SMS sẽ thu trọn gói thay vì tính phí trên từng tin nhắn như hiện nay.
Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Viễn Thông (Bộ Thông tin & Truyền Thông), cho biết, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức cố định 11.000 đồng một tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mức phí này sẽ giúp thúc đẩy người dân không ngần ngại thanh toán không dùng tiền mặt khi mà họ bị giới hạn và trải nghiệm thì thuận lợi" – ông Hải nói.
Ông Hải tính toán, nếu áp dụng mức thu đồng giá này doanh thu cước SMS Banking của doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm 20-30%.
Ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông thống nhất phương án thu phí SMS Banking chung là 11.000 đồng/tháng
Tuy nhiên, từ phía góc độ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký hiệp hội cho biết, một số nhà băng đồng thuận với mức thu này nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa đồng tình. Mỗi ngân hàng sẽ phải làm việc trực tiếp và ký hợp đồng với từng nhà mạng để chốt phương án sau cùng.
"Tôi cho đây là mức phí phù hợp cho khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí", ông Hùng chia sẻ thêm.
Nếu áp dụng cách tính đồng giá này, số khách hàng đang chịu phí SMS Banking cao tới vài chục nghìn đồng một tháng sẽ được lợi hơn. Còn với phần đông người dùng, khoản phí này không khác biệt lớn so với mức thu phổ biến 7.700-13.500 đồng đang được áp dụng.
Chia sẻ thêm với báo chí, lãnh đạo một số nhà băng quy mô lớn nhất thị trường cho biết, họ không thấy mức thu mới (nếu áp dụng) có lợi hơn cho họ và khách hàng.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn (quy mô 12 triệu khách hàng cá nhân) đang áp dụng mức thu mức thu SMS Banking luỹ tiến từ 9.900 đồng đến 77.000 đồng cho biết, trên thực tế lượng khách bị thu mức phí 77.000 đồng không nhiều.
"Với mức thu đồng giá 11.000 đồng, về góc độ ngân hàng, chúng tôi không thấy có sự thay đổi đáng kể. Mỗi năm, chúng tôi vẫn sẽ gánh khoản lỗ hơn 2.000 tỷ cho dịch vụ SMS Banking này", lãnh đạo ngân hàng này cho hay.
Còn phó tổng giám đốc một nhà băng có vốn nhà nước khác cho rằng, nếu chốt theo hướng áp dụng mức giá 11.000 đồng cho tất cả khách hàng, người dùng nhiều sẽ có lợi, nhưng người dùng ít lại chịu thiệt hơn.
"Chúng tôi sẽ trao đổi tiếp với nhà mạng, để đề xuất thu 11.000 đồng cho nhóm khách hàng dùng nhiều. Còn với khách hàng sử dụng SMS Banking ít, chúng tôi mong muốn có mức thu thấp hơn", lãnh đạo nhà băng này cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, động thái tăng phí SMS Banking trước đó của nhiều ngân hàng là để khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua ứng dụng banking và giúp ngân hàng cũng giảm bù lỗ chi phí từ SMS Banking khi nhiều lần kiến nghị nhưng nhà mạng không giảm cước tin nhắn.
Ước tính, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu SMS, trong khi ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu SMS mỗi tháng. Tạm tính theo giá kể trên, một ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải trả cho doanh nghiệp viễn thông 7,5-9 tỷ đồng/tháng, trong khi số phải trả của ngân hàng tầm trung trở lên là 25-40 tỷ đồng.
Theo thống kê của VNBA, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng trăm lô đất, hàng chục tài khoản ngân hàng cùng nhiều tài sản giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng bị kê biên, cấm mua bán từ những vụ đại án. Việc áp dụng biện...